Hỗ trợ lao động ngoài nước bị ảnh hưởng bởi Covid-19

- Thứ Năm, 26/11/2020, 19:46 - Chia sẻ

Người lao động đi làm việc ở nước ngoài bị ảnh hưởng bởi dịch Ccovid-19 sẽ được hỗ trợ tối đa 5 triệu đồng/người. Tùy theo mức độ bị ảnh hưởng và số lượng người lao động bị ảnh hưởng, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ có mức hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp cụ thể.

Thất nghiệp tăng cao trên toàn cầu

Dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng khắp toàn cầu đã ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế thế giới năm 2020. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo, tăng trưởng toàn cầu ở mức -4,2% trong năm 2020, điều chỉnh tăng 0,3 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra trước đó.

Theo báo cáo Triển Vọng Việc làm và Xã hội châu Á - Thái Bình Dương 2020 của Tổ chức lao động Quốc tế (ILO), ước tính hậu quả về kinh tế mà đại dịch Covid-19 gây nên là mức tổn thất khoảng 81 triệu việc làm trong năm 2020. Tổn thất về thời giờ làm việc cũng bị ảnh hưởng bởi hàng triệu người rời bỏ lực lượng lao động hay rơi vào tình trạng thất nghiệp khi các quốc gia trong khu vực không tạo được việc làm mới; tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng từ 4,4% năm 2019 lên mức 5,2% - 5,7% trong năm 2020.

Công nhân Việt Nam làm việc tại một nhà máy sản xuất máy tính xách tay ở Kobe, phía Tây Nhật Bản.
Công nhân Việt Nam làm việc tại một nhà máy sản xuất máy tính xách tay ở Kobe, phía Tây Nhật Bản

Trước tình trạng đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã tiến hành khảo sát nhằm đưa ra những chính sách hỗ trợ kịp thời nhất cho người lao động Việt Nam ở nước ngoài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Theo thống kê, tính đến hết tháng 3.2020, cả nước có trên 560 nghìn lao động Việt Nam đang làm việc có thời hạn tại 36 quốc gia và vùng lãnh thổ bị nhiễm dịch Covid-19. Tại đây, lao động Việt Nam vẫn tham gia các hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường, tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn về y tế của nước sở tại, chưa có trường hợp nào bị nhiễm bệnh.

Qua khảo sát, người lao động chưa có nguyện vọng về nước tại thời điểm này. Số lượng lao động về nước không nhiều, chủ yếu là lao động hết hạn hợp đồng về nước. Tổng số người lao động về nước từ tháng 1 đến cuối tháng 3.2020 là 4.929 người, tập trung chủ yếu là từ một số thị trường chính là Nhật Bản với 2.978 người, Hàn Quốc có 1.255 người, Đài Loan có 633 người.

Nhiều chính sách hỗ trợ được ban hành

Bên cạnh việc tiếp nhận lao động về nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài bị thôi việc, mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Theo quy định, người lao động sẽ được hoàn trả các khoản chi phí và hỗ trợ như: tiền môi giới, tiền dịch vụ, hỗ trợ từ nguồn kinh phí Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước. Cụ thể, trường hợp người lao động phải về nước trước thời hạn vì lý do bất khả kháng (thiên tai, chiến tranh, doanh nghiệp bị phá sản) hoặc không phải do lỗi của người lao động, doanh nghiệp có trách nhiệm yêu cầu bên môi giới hoàn trả lại cho người lao động một phần tiền môi giới người lao động đã nộp.

Người lao động làm việc chưa đủ 50% thời gian theo hợp đồng thì được nhận lại 50% tiền môi giới đã nộp. Người lao động đã làm việc từ 50% thời gian theo hợp đồng trở lên thì không được nhận lại tiền môi giới. Trường hợp không thể đòi được của bên môi giới thì doanh nghiệp có trách nhiệm hoàn trả cho người lao động theo nguyên tắc trên và được hạch toán vào chi phí hợp lý khi tính thu nhập chịu thuế theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.

Đối với tiền dịch vụ, trường hợp người lao động phải về nước trước thời hạn vì lý do bất khả kháng hoặc không phải do lỗi của người lao động thì doanh nghiệp chỉ được thu tiền dịch vụ theo thời gian (số tháng) thực tế người lao động làm việc ở nước ngoài. Ngoài ra, người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong một số trường hợp rủi ro khách quan khác thì sẽ được Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quyết định mức hỗ trợ tối đa 5 triệu đồng/trường hợp. Tùy theo tình hình dịch bệnh, mức độ, số lượng người lao động bị ảnh hưởng, cơ quan chức năng hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp khi cần thiết.

Để có căn cứ báo cáo, đề xuất các biện pháp ứng phó kịp thời trước những diễn biến mới của dịch bệnh Covid-19, mới đây, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã ban hành Công văn số 600/QLLĐNN-VP yêu cầu các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thực hiện một số nội dung: Rà soát, báo cáo danh sách, số lượng người lao động dự kiến hết hạn hợp đồng lao động từ tháng 3 đến hết năm 2020. Cùng với đó. trao đổi với các đối tác nước ngoài, chủ sử dụng lao động về khả năng gia hạn tư cách lưu trú, gia hạn thời gian hợp đồng; đảm bảo người lao động lưu trú, xuất cảnh hợp pháp và an toàn trong trường hợp bắt buộc phải lưu trú chờ xuất cảnh hoặc có thể xuất cảnh.

Tùng Dương