Hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng EVFTA tốt hơn

- Thứ Hai, 05/04/2021, 07:11 - Chia sẻ
Sàn thương mại điện tử doanh nghiệp Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU) vừa được ra mắt nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khai thác hiệu quả hơn nữa Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Các chuyên gia cho rằng thời gian đầu nên ưu đãi chi phí tham gia sàn cho doanh nghiệp.
	Ảnh minh họa  Nguồn: ITN
Ảnh minh họa
Nguồn: ITN

Theo Bộ Công thương, 4 tháng đầu tiên thực thi EVFTA (8 - 12.2020), kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng 3,8%. Bước sang 2 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng 22,7% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang thị trường này là 4 tỷ USD, tăng 36,3%. 

Có thể thấy doanh nghiệp Việt Nam đã nhanh chóng tiếp cận và tận dụng tốt cơ hội từ EVFTA. Những mặt hàng có tăng trưởng xuất khẩu sang EU cao nhất là chất dẻo nguyên liệu; sản phẩm từ cao su; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; sắt thép; hóa chất... Đồng thời, xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản cũng ghi nhận tăng trưởng tích cực.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo, EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định. 

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khai thác hiệu quả hơn nữa EVFTA, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) vừa ra mắt sàn thương mại điện tử doanh nghiệp Việt Nam - EU (VEFTA). Đây là đề án trọng điểm nhằm hiện thực hóa “tuyến đường cao tốc quy mô lớn” kết nối doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác thương mại quốc tế, đặc biệt là EU; giúp các doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp EU, cũng như các đối tác quốc tế khác có thể dễ dàng kết nối và thực hiện các hoạt động thương mại.

  Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Tô Hoài Nam, sự ra đời của sàn thương mại điện tử doanh nghiệp Việt Nam - EU tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận thị trường EU. Sàn này còn cung cấp cho các đối tác nước ngoài những thông tin chi tiết về sản phẩm như thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ, thành phần… Ngoài ra, nếu triển khai tốt và hiệu quả thì trong tương lai sàn này có thể thêm chức năng tư vấn về mặt chính sách, pháp luật cho doanh nghiệp khi tham gia thương mại quốc tế.

Tương tự, chuyên gia kinh tế, PGS,TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc thành lập VEFTA sẽ hỗ trợ doanh nghiệp rất nhiều, đặc biệt những đơn vị muốn xuất khẩu sang EU và nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào từ thị trường này.

Cũng theo PGS,TS Đinh Trọng Thịnh, vì đây là sàn thương mại điện tử mới thành lập và mang tính quốc tế, nên doanh nghiệp cần chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi tham gia. Trước hết phải nắm vững các quy chế, yêu cầu mà cơ quan chủ quản sàn đề ra. Các cá nhân, tổ chức, đơn vị cũng cần chủ động trình bày hoặc đề xuất, đưa ra đóng góp, yêu cầu thuộc ngành, lĩnh vực của mình, từ đó không chỉ đóng vai trò là bên thụ hưởng mà cũng góp phần xây dựng để sàn hoạt động tốt hơn.

  Trong thời gian đầu, ông Thịnh cho rằng, cơ quan quản lý nên ưu đãi chi phí tham gia sàn cho tất cả doanh nghiệp. Về lâu dài, ưu tiên các doanh nghiệp nhỏ và vừa, khuyến khích họ tiếp cận sàn cũng như thị trường EU. Không chỉ vậy, Nhà nước nên tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp của EU tích cực tham gia sàn này, như vậy có thể giảm được chi phí thương mại giữa hai bên. 

  Còn ông Tô Hoài Nam cho rằng, để sàn hoạt động hiệu quả đòi hỏi phải có thời gian tích luỹ số liệu, thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia và cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ban, ngành để cập nhật đầy đủ dữ liệu, thông tin và chuẩn bị các phương thức hỗ trợ doanh nghiệp tham gia.  

Minh Trang