Hỗ trợ doanh nghiệp để kịp thời gỡ vướng
Nhấn mạnh “không thể có kết quả mới nếu vẫn giữ cách làm cũ”, đại diện doanh nghiệp tin tưởng, bộ máy hành chính mới sẽ tạo phát triển đột phá cho đất nước; bộ máy mới cần thực sự “gần dân, nghe dân, hiểu dân” để đưa ra quyết sách đúng và trúng; tạo cơ chế đối thoại thường xuyên với doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam NGUYỄN CÔNG HÙNG:
Bố trí cán bộ thạo việc ở trung tâm hành chính công

Chúng tôi rất ủng hộ và đặt nhiều hy vọng, mong muốn vào bộ máy hành chính mới đã vận hành trên cả nước từ ngày 1/7 vừa qua.
Trước hết, đó phải là một bộ máy linh hoạt, cơ động, ứng dụng khoa học công nghệ để người dân, doanh nghiệp thuận lợi trong làm các thủ tục hành chính. Con người là chủ thể trong bộ máy, vì vậy tại các trung tâm hành chính công, cần bố trí cán bộ am hiểu sâu các lĩnh vực; phân quyền, giao trách nhiệm theo nhóm vấn đề, ví dụ nhóm hỗ trợ chính sách bảo hiểm, nhóm hướng dẫn kê khai thuế, nhóm hướng dẫn điều chỉnh giấy phép kinh doanh… Khi đó mới kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp.
Sau khi bộ máy đã đi vào vận hành ổn định, cần có cơ chế đánh giá hiệu quả công việc (KPI) cho từng cán bộ, công chức, để bảo đảm bộ máy thực sự hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Hiện nay, các doanh nghiệp của Hiệp hội đang gặp vướng mắc khi các phương tiện chưa đổi chứng nhận đăng ký xe theo biển số bị từ chối kiểm định. Một số doanh nghiệp bị đẩy vào tình trạng nợ xấu do phương tiện kinh doanh vận tải dừng hoạt động và nguy cơ vỡ nợ, phá sản. Chúng tôi rất mong cơ quan quản lý nhà nước sớm tháo gỡ vấn đề này để hỗ trợ doanh nghiệp.
Giám đốc Công ty CP Dược phẩm Kbio NGUYỄN TRỌNG BẢO:
Có chính sách hỗ trợ khả thi cho nông nghiệp hữu cơ

Vận hành bộ máy tinh gọn không chỉ là niềm vui của riêng doanh nghiệp mà còn cho sự phát triển đất nước. Chúng ta không thể có kết quả mới với cách làm cũ, muốn hướng tới mục tiêu tăng trưởng hai con số thì buộc phải thay đổi. Và việc sắp xếp, tổ chức lại bộ máy chính là cuộc cách mạng để đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững!
Hiện, cộng đồng doanh nghiệp đặt nhiều mong muốn, hy vọng vào bộ máy hành chính mới. Trước tiên, bộ máy cần thực sự tạo ra sân chơi, luật chơi minh bạch, công bằng, bình đẳng, rõ ràng cho cộng đồng doanh nghiệp, không phân biệt khu vực Nhà nước, khu vực tư nhân, khu vực đầu tư nước ngoài. Muốn vậy, hệ thống pháp luật phải nhanh chóng hoàn thiện và đi vào cuộc sống, để cụ thể hóa đầy đủ chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân theo tinh thần Nghị quyết số 68-NQ/TW.
Hai là, doanh nghiệp mong muốn thủ tục phải thực sự được giảm bớt. Nghị quyết số 68-NQ/TW cũng yêu cầu phải cắt giảm ít nhất 30% thủ tục trong năm nay và tiếp tục cắt giảm ở những năm tiếp theo. Chúng tôi mong muốn thủ tục cần cắt giảm ít nhất từ 50% so với hiện nay, và phải thực sự xóa bỏ tư duy “không quản được thì cấm”, tuyệt đối tránh tình trạng luật thì thông thoáng nhưng văn bản hướng dẫn lại gây khó khăn.
Ba là, doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện chiếm khoảng 98% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động nhưng lại sử dụng đến gần 50% tổng số lao động của cả nước. Bộ máy hành chính mới cần có sự quan tâm đặc biệt tới khu vực này, bởi khi doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển sẽ có cơ hội để hình thành những doanh nghiệp lớn.
Bốn là, bộ máy mới cần “gần dân, nghe dân, hiểu dân”, từ đó mới ra quyết sách đúng và trúng; nên có quy định Chủ tịch cấp tỉnh, Bộ trưởng mỗi tháng ít nhất 2 lần tiếp công dân; các cấp phó cần tiếp công dân thường xuyên hơn. Với doanh nghiệp, cần nhân rộng mô hình “Cà phê thứ 7” như khi Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan còn là Bí thư tỉnh Đồng Tháp thực hiện.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, dù Nhà nước đã có những chính sách khuyến khích nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh phát triển, song thực tế chúng tôi chưa được thụ hưởng chính sách nào. Do vậy, với bộ máy mới, chúng tôi rất mong sẽ có được những chính sách thiết thực, khả thi để tạo điều kiện cho doanh nghiệp nông nghiệp hữu cơ phát triển, đóng góp chung vào sự phát triển của nền nông nghiệp bền vững.
Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai NGUYỄN TRÍ CÔNG
Mong được hỗ trợ tài chính để đầu tư xử lý chất thải, nước thải

Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp không chỉ tái cấu trúc hành chính mà còn tạo cơ hội phát triển vượt trội nhờ cộng hưởng sức mạnh, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương để phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn.
Riêng tại tỉnh Đồng Nai mới (sáp nhập tỉnh Bình Phước và tỉnh Đồng Nai), ngành chăn nuôi được mở rộng quy mô với hơn 4 triệu con lợn và khoảng 40 triệu con gà, lớn hàng đầu cả nước. Đây sẽ là nguồn cung thịt, trứng quan trọng cho thị trường.
Đặc biệt, hiện tỉnh Đồng Nai mới đang đầu tư hệ thống đường sá để kết nối trong tỉnh cũng như kết nối liên vùng, có cảng biển, sân bay. Đây sẽ là cơ hội lớn để thu hút đầu tư, đặc biệt là FDI. Các doanh nghiệp này cũng sẽ cần nguồn cung thực phẩm thịt, trứng cho công nhân, ngành chăn nuôi trong tỉnh vì thế cũng được hưởng lợi khi bảo đảm các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tuy nhiên, bối cảnh mới cũng sẽ đặt ra thách thức rất lớn trong công tác bảo vệ môi trường đối với ngành chăn nuôi; tỉnh Đồng Nai đã, đang và sẽ tiếp tục có những chính sách hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp nói chung, trong ngành chăn nuôi nói riêng, về đất đai, thủ tục hành chính… Về phía các doanh nghiệp cũng cần chủ động đổi mới, ứng dụng công nghệ hiện đại trong hoạt động.
Điều chúng tôi mong đợi nhất là được hỗ trợ về tài chính để đầu tư công nghệ hiện đại xử lý chất thải, nước thải chăn nuôi. Nếu được hưởng lãi suất cho vay 0% để đầu tư vào công nghệ, thiết bị xử lý vấn đề môi trường, biến chất thải chăn nuôi thành phân bón hữu cơ sử dụng trong ngành nông nghiệp sẽ đóng góp thiết thực vào mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.