Hỗ trợ doanh nghiệp cà phê bắt nhịp thực thi EVFTA

- Thứ Bảy, 24/10/2020, 10:08 - Chia sẻ
Ngày 23.10, tại Hà Nội, Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA) phối hợp với Viện Chính sách chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) tổ chức Chương trình đào tạo “Nâng cao năng lực xúc tiến thương mại, phát triển thị trường cho doanh nghiệp cà phê”. Chương trình cung cấp các thông tin, tháo gỡ vướng mắc giúp cho các doanh nghiệp cà phê tận dụng ưu đãi thuế quan từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA), những điều cần lưu ý về quy tắc xuất xứ, chất lượng sản phẩm…

EVFTA mở ra cơ hội phát triển đối với ngành cà phê, ca cao

Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới sau Brazil. Hàng năm, Việt Nam xuất khẩu khoảng 1,6-1,8 triệu tấn cà phê với kim ngạch đạt khoảng 2,6-3,3 tỷ USD. Đối với thị trường EU, là đối tác thương mại thứ 5 của nước ta, kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang EU năm 2019 là 1,18 tỷ USD (41%); ca cao 7,2 triệu USD (29%). Cho đến hết tháng 9.2020, kim ngạch xuất khẩu cà phê sang EU là 870 triệu USD (40%); ca cao 4,9 triệu USD (32%).

Toàn cảnh Chương trình

Các cam kết ưu đãi thuế quan đối với mặt hàng cà phê, ca cao trong EVFTA cũng bắt đầu có hiệu lực từ 1.8.20200. Theo đó, EU quy định mức thuế từ 0-11,5% đối với mặt hàng cà phê (chủ yếu từ 7,5-11,5%). Trong EVFTA, EU cam kết cắt giảm ngay đối với tất cả các dòng thuế đối với mặt hàng cà phê.

Chánh Văn phòng Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA) Nguyễn Viết Vinh nhận định, với phạm vi cam kết của EVFTA, mức độ tự do hóa thương mại rất sâu. EVFTA với những tiêu chuẩn rất cao có tác động mạnh mẽ đến hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp kinh doanh cà phê, ca cao. Đối với EU, cà phê được đưa vào danh mục thiết yếu và được sự hỗ trợ của Chính phủ, nhu cầu từ thị trường này rất lớn trong khi đó Việt Nam lại hoàn toàn có khả năng để phát triển lĩnh vực này, trong bối cảnh tận dụng EVFTA.

Theo Trưởng phòng Hội nhập tài chính đa phương, Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) Trần Thị Thu Huyền, EVFTA mở ra cơ hội phát triển đối với ngành cà phê, ca cao. Cụ thể, mở rộng thị trường xuất khẩu với các mặt hàng chiến lược và có lợi thế nhờ các cam kết cắt giảm thuế quan. Đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp. Đa dạng hóa các thị trường đầu tư tiềm năng ở nước ngoài cho doanh nghiệp Việt Nam. Cơ hội thu hút lựa chọn đầu tư từ nước ngoài, nâng cao chất lượng sản phẩm và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa nhờ cắt giảm thuế nhập khẩu của Việt Nam. Về dài hạn, mở ra cơ hội tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực.

Mặc dù vậy, bà Huyền cũng đánh giá EVFTA mang lại không ít thách thức đối với ngành cà phê, ca cao. Quy định về truy xuất nguồn gốc của các nước nhập khẩu ngày càng chặt chẽ và cao hơn khi giảm thuế. Việt Nam sẽ phải đảm bảo tuân thủ các quy định khác về sở hữu trí tuệ, lao động, minh bạch hóa thông tin. Doanh nghiệp tuân thủ các quy định của các nước nhập khẩu không chỉ đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, ví dụ các tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội, lao động, giới…Cạnh tranh với các thương hiệu nổi tiếng của thế giới, người tiêu dùng EU chú trọng thương hiệu gắn với chất lượng chứ không chỉ giá cả. Doanh nghiệp nhỏ, manh mún, dịch vụ logistics, công nghiệp dịch vụ cho phát triển nông nghiệp hạn chế.

Sản phẩm cà phê phải đáp ứng quy định về xuất xứ

Trưởng phòng Hội nhập tài chính đa phương Trần Thị Thu Huyền cho biết, đến thời điểm hiện nay Việt Nam đã tham gia 20 hiệp định song phương, đa phương. Đối với mặt hàng cà phê, ca cao nước ta cũng mở cửa gần như hoàn toàn, đặc biệt là các mặt hàng cà phê thô, còn cà phê chế biến chưa phải là mặt hàng xuất khẩu nhiều. Tuy nhiên trong thời gian tới khi thay đổi cơ cấu xuất khẩu thì cũng xây dựng lộ trình để đảm bảo cho cà phê chế biến có thể được hưởng lợi thuế quan từ EVFTA. Cụ thể, Nghị định 111/2020/NĐ-CP của Chính phủ về biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện EVFTA giai đoạn 2020-2022 hỗ trợ doanh nghiệp bắt nhịp thực thi EVFTA. Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối về thuế sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp, trao đổi thông tin khi doanh nghiệp có vướng mắc về thuế.

Bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa nhận định, để hưởng ưu đãi thuế quan trong khuôn khổ EVFTA, các sản phẩm, hàng hóa phải đáp ứng được những quy định về xuất xứ, và đây cũng là điều kiện tiên quyết. Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) là chứng từ quan trọng, có liên quan trực tiếp đến ưu đãi thuế. Với khuôn khổ EVFTA, các lô hàng cà phê xuất khẩu đi EU mà có C/O thì sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan. Các quy tắc xuất xứ quy định trong EVFTA đã được thể hiện tại hiệp định, sau đó được nội luật hóa thông qua Thông tư 11/2020/TT_BTC ngày 15.6.2020.  

Nhiều doanh nghiệp chia sẻ rằng họ hiện nay chưa tận dụng được ưu đãi từ EVFTA vì chưa nắm được thông tin ưu đãi, lo ngại thủ tục đề nghị cấp C/O và các thủ tục liên quan ở bên nước nhập khẩu phức tạp. Để hỗ trợ thương nhân xuất khẩu hàng hóa nhằm tận dụng ưu đãi trong EVFTA, đồng thời nhằm nâng cao hiệu quả quản lý trong công tác cấp C/O và hạn chế nguy cơ gian lận xuất xứ hàng xuất khẩu, Bộ Công thương ban hành Thông tư số 1056 XNK-XXHH, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được cấp C/O dù đã xuất cách đây 2 năm.

Cũng theo bà Trịnh Thị Thu Hiền, trong trường hợp lô hàng xuất khẩu của doanh nghiệp sang nước ngoài gặp vướng mắc tại nước nhập khẩu thì doanh nghiệp đó phải thông báo ngay với tổ chức cấp C/O. Sau khi tổ chức cấp C/O nắm được thông tin sẽ gửi thông tin cho Cục Xuất nhập khẩu, sau đó sẽ trao đổi với đầu mối về xuất xứ hàng hóa của nước nhập khẩu và hỗ trợ trong quá trình xác minh hoặc hỗ trợ để cho những lô hàng đúng là có xuất xứ Việt Nam thì sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan.

Còn đối với các doanh nghiệp, không có con đường nào khác là nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao năng lực rang xay. Tập trung chế biến sâu tận dụng cơ hội từ thị trường EU. Doanh nghiệp phải nâng cao khả năng hợp tác, hiểu rõ về EVFTA, luôn cập nhật, tiếp cận thông tin của các nước nhập khẩu, có các đầu mối thông tin tại các nước đó để hiểu hơn về thị trường, Chánh Văn phòng VICOFA Nguyễn Viết Vinh nhấn mạnh.

Thảo Anh