Hỗ trợ chuyển nghề và tìm việc làm
Hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với trường hợp thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp là một trong những điểm nổi bật của Luật Đất đai 2013, góp phần bảo đảm sinh kế bền vững của người dân. Tuy nhiên, do thiếu quy định hướng dẫn thi hành luật nên thực tế đã phát sinh không ít vướng mắc xung quanh đối tượng, mức hỗ trợ cũng như tính hiệu quả của việc chuyển đổi nghề cho dân có đất bị thu hồi.
Băn khoăn mức hỗ trợ
Theo Khoản 1 Điều 20 Nghị định 47/2014 quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, thì mức hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với trường hợp Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp là không quá 5 lần giá đất nông nghiệp cùng loại trong bảng giá của địa phương đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi. Song, theo PGS.TS. Phan Trung Hiền, ĐH Cần Thơ, các văn bản hướng dẫn thi hành vẫn chưa nói rõ diện tích thu hồi đất bao nhiêu thì được thực hiện hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm. Trong trường hợp diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi chỉ có vài mét vuông đất thì có cần thiết hỗ trợ hay không cũng là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Điều đó đòi hỏi phải bổ sung quy định về điều kiện diện tích tối thiểu có thể là 30% diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi trở lên thì cá nhân, hộ gia đình trực tiếp sản xuất nông nghiệp được hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm.
![]() Nguồn: thanhtra.com.vn |
Bên cạnh đó, không ít ý kiến cho rằng, vì thiếu văn bản quy định chi tiết từng trường hợp áp dụng cụ thể trong khuôn khổ “không quá 5 lần” nên mỗi địa phương có cách hiểu và áp dụng không thống nhất, có nơi không quá 3 lần, 4 lần hoặc 5 lần. Tuy nhiên, đa số tỉnh, thành phố quy định giao về cho cấp huyện quyết định thì mức hỗ trợ thường ở trong phạm vi không quá 3 lần; các trường hợp trên 3 lần đến 5 lần phải xin ý kiến của UBND cấp tỉnh. Điều đáng nói là ngay cả có quy định như vậy nhưng cũng gây nên sự so bì, khiếu nại bởi mỗi địa bàn cụ thể trong huyện, tại mỗi dự án lại có mức hỗ trợ khác nhau. Trước ý kiến cho rằng nên quy định nguyên tắc phân chia các trường hợp áp dụng hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm theo mức từ 1 - 2 lần, từ 2 - 3 lần, từ 3 - 4 lần và từ 4 - 5 lần, bà Hoàng Thị Vân Anh, Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế (Tổng cục Quản lý đất đai) cho rằng, mỗi vùng lại có đặc thù riêng biệt cũng như giá đất khác nhau cho nên không thể ấn định tỷ lệ phân chia cụ thể cho tất cả các địa phương trong cả nước.
Nghị định 47/2014 cũng xác định, hộ gia đình, cá nhân là cán bộ, công nhân viên của nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp dù trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp cũng không được nhận hình thức hỗ trợ về đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm. Song, theo ông Phạm Duy Tín, Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Cần Thơ, sẽ dễ dàng trong việc khoanh vùng trường hợp bị thu hồi đất là cán bộ công chức, viên chức hiện đang công tác tại địa phương nhưng rất khó xác định nếu họ là cán bộ công chức của địa phương khác. Bởi với mức hỗ trợ chênh lệch gấp đôi, gấp ba cho những người không phải là công chức, viên chức thì việc khai báo không đúng là điều khó tránh khỏi. Thực tế đã có trường hợp, ở cùng một địa phương, giá đất nông nghiệp có hộ được bồi thường khoảng 300 nghìn đồng/m2 nhưng có hộ được bồi thường gấp đôi là 620 nghìn đồng.
Chuyển đổi nghề hiệu quả
Bên cạnh mức hỗ trợ phù hợp thì việc chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm cho người dân bị thu hồi đất sao cho hiệu quả cũng là câu hỏi lớn được đặt ra. Các văn bản pháp luật hiện hành mới chỉ quy định đó là trách nhiệm của Chính phủ, Ủy ban Nhân dân các cấp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chứ chưa xác định cụ thể trách nhiệm tổ chức khác tại địa phương như các trung tâm phát triển quỹ đất hay sở, ban, ngành. Cùng với đó là việc thiếu cơ chế để thực hiện đào tạo nghề cũng như tiêu chí đánh giá tính hiệu quả của việc chuyển đổi nghề nghiệp và tìm kiếm việc làm cho người dân. Thế nên mới có chuyện người dân dù đã được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp nhưng sau đó cũng từ bỏ vì không phù hợp.
Dự án thu hồi đất xây dựng Metro Cash Cần Thơ là minh chứng rõ nét nhất cho thấy, dù việc làm là mối quan tâm hàng đầu của người dân bị thu hồi đất nhưng nếu không tính tới yếu tố phù hợp trong đào tạo nghề thì sẽ khó bảo đảm sinh kế bền vững cho người dân. Thực tế, đã từng có 40 người được chuyển đổi nghề nghiệp vào làm việc tại Metro Cần Thơ nhưng do không quen với tác phong công nghiệp nên sau 2 năm chỉ còn lại 2 người. Kết quả khảo sát của Đại học Cần Thơ năm 2013 đối với 376 hộ dân ngẫu nhiên trên địa bàn cũng cho thấy, 37% hộ dân có đất bị thu hồi trả lời rằng rất khó thích ứng với nghề nghiệp mới, nhất là đối tượng ở độ tuổi trên 45 tuổi. PGS.TS. Phan Trung Hiền, Đại học Cần Thơ cho rằng, cần xây dựng chính sách bảo hiểm việc làm cũng như xét chọn dự án có tính đến tiêu chí khả năng giải quyết việc làm cho các nông hộ bị thu hồi đất. Các dự án triển khai có thu hồi đất sản xuất nông nghiệp cần có đơn vị tư vấn cho dự án về chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp đối với từng đối tượng bị thu hồi đất, vì nghề nghiệp phải căn cứ vào nhiều yếu tố như tuổi tác, trình độ văn hóa, giới tính.
Đa dạng hóa hình thức hỗ trợ cho dân khi bị thu hồi đất là yêu cầu cần thiết đặt ra. Nói như Luật sư Lê Đức Tiết, nguyên Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Pháp luật - Dân chủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nếu như hỗ trợ không bảo đảm cho người dân có việc làm mà chỉ hỗ trợ bằng tiền không thôi thì bao nhiêu cũng hết. Do vậy, công tác hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cần tính tới yếu tố hiệu quả. Chỉ khi cả 4 nhà: nhà nông, doanh nghiệp, nhà quản lý và nhà khoa học tập trung cho vấn đề này thì mức sống của người dân mới được nâng lên. Thành công trong hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp tại Hàn Quốc và Isareal là minh chứng cho khẳng định ấy. Với Hàn Quốc, người dân có thể trồng được 2ha nhân sâm dưới sự hỗ trợ của nhà nước về mặt kỹ thuật, máy móc ở mức phí rất thấp hay như Isareal, có không ít hợp tác xã chỉ với 10 nông dân chăn nuôi bò nhưng đã cung cấp sữa và mọi sản vật về sữa cho cả một thị trấn.
Việc chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm cho người dân bị thu hồi đất sao cho hiệu quả là câu hỏi lớn được đặt ra. Các văn bản pháp luật hiện hành mới chỉ quy định đó là trách nhiệm của Chính phủ, Ủy ban Nhân dân các cấp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, chưa xác định cụ thể trách nhiệm tổ chức khác tại địa phương như các trung tâm phát triển quỹ đất hay sở, ban, ngành. Cùng với đó là việc thiếu cơ chế để thực hiện đào tạo nghề cũng như tiêu chí đánh giá hiệu quả của việc chuyển đổi nghề nghiệp và tìm kiếm việc làm cho người dân. Thế nên mới có chuyện người dân dù đã được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp nhưng sau đó cũng từ bỏ vì không phù hợp. |