Hộ sinh - một nghề thực sự độc lập
Hộ sinh và công tác hộ sinh là cực kỳ quan trọng trong hệ thống chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh ở Việt Nam. Nghề hộ sinh là một nghề vất vả, nhưng vinh hạnh vì là người đầu tiên chào đón những sinh linh nhỏ bé, những mầm non, vận mệnh của đất nước trong tương lai, một nghề xứng đáng được coi trọng và trở thành một ngành nghề thực sự độc lập. Đây cũng chính là ý kiến của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến.
Bộ Y tế đã có chính sách công nhận nghề hộ sinh là một nghề độc lập, điều này tăng cường vị thế và vai trò của hộ sinh trong việc cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế cho người dân Việt Nam. Bộ Y tế cũng đã phê duyệt năng lực hộ sinh Việt Nam, các hướng dẫn và chương trình đào tạo hộ sinh bảo đảm đầy đủ các cấp 2,3 năm. Hiện, Bộ Y tế đang xây dựng chương trình bốn năm cử nhân và các chương trình đào tạo liên tục cho hộ sinh và các cán bộ y tế tham gia công tác chăm sóc hộ sinh nhằm đạt được năng lực của người đỡ đẻ có kỹ năng cũng như các hướng dẫn, tiêu chuẩn kỹ thuật, cấp giấy phép hành nghề trong điều kiện hiện có tại Việt Nam.
Nghề hộ sinh tại Việt Nam cũng đã có những vị thế nhất định, hộ sinh đã có mã ngạch viên chức riêng từ năm 2011, vai trò của hộ sinh đã được đưa vào các chương trình hành động quốc gia hướng dẫn chuyên môn và chăm sóc thai sản, Hội nữ hộ sinh Việt Nam đã được thành lập và có hệ thống đào tạo học sinh trung cấp, cao đẳng và đang xây dựng chương trình đào tạo đại học. Tuy nhiên, tính đến nay, trong 24.721 hộ sinh trình độ từ sơ cấp trở lên từ xã đến trung ương thì chỉ có 7% hộ sinh đạt tiêu chuẩn tối thiểu của Liên đoàn Hộ sinh quốc tế (ICM) về thời gian đào tạo, hơn 90% có trình độ trung cấp và 1% sơ cấp. Chính điều này là một hạn chế rất lớn trong việc khẳng định vị thế của cán bộ hộ sinh khi phần lớn cán bộ hộ sinh chỉ có trình độ trung cấp 2 năm thì không thể đáp ứng được tiêu chí bổ nhiệm lãnh đạo hoặc giảng dạy. Bản thân các hộ sinh cũng chưa ý thức hết được vai trò độc lập của nghề hộ sinh, thiếu tự tin vào vai trò của mình trong chuỗi chăm sóc hộ sinh; đôi khi thái độ, hành vi còn chưa phù hợp, chưa lấy phụ nữ làm trung tâm.
Việc thực hiện các chính sách, quy định về đào tạo chính quy, liên tục và hành nghề còn nhiều hạn chế và chưa bảo đảm chất lượng; chưa có luật hành nghề hộ sinh và hộ sinh tham gia rất hạn chế trong thẩm định, đào tạo, xây dựng chính sách và thẩm định tử vong mẹ. Hộ sinh chưa được đưa vào các vị trí quản lý y tế và chưa có hội đồng chuyên môn về hộ sinh. Các bệnh viện chưa quan tâm đúng mức đến công tác chăm sóc hộ sinh và điều dưỡng. Ở nhiều bệnh viện, hộ sinh chưa được tham gia vào toàn bộ chu trình chăm sóc, nhiều cuộc đẻ thường hộ sinh không được đỡ đẻ. Các bệnh viện cũng chưa áp dụng mô hình chăm sóc do hộ sinh chịu trách nhiệm.
Để xã hội cũng như bản thân người hộ sinh ý thức được nghề hộ sinh là một nghề thực sự độc lập, cũng cao quý, vất vả và vinh quang không kém gì bác sĩ, cần phải nâng cao vai trò của Hội Hộ sinh Việt Nam, coi đây là nhân tố thúc đẩy hộ sinh trở thành nghề độc lập. Hội phải tham gia tích cực trong các hoạt động xây dựng chính sách, kế hoạch, tài liệu đào tạo liên quan đến hộ sinh; tham gia các tham vấn về chế độ đãi ngộ, phúc lợi cho hộ sinh. Ngoài ra cần tuyên truyền sâu rộng trong hộ sinh, cộng đồng và bản thân hệ thống y tế về tầm quan trọng của nghề hộ sinh trong chăm sóc sức khỏe nhân dân; đưa ra các giải pháp cụ thể để thực sự phát triển thành nghề độc lập.
Theo báo cáo của hội Hộ sinh Việt Nam, hộ sinh sẽ trở thành một nghề thực sự độc lập nếu có mã ngạch công chức, khi hộ sinh hỗ trợ được 87% số ca đẻ, có mô tả công việc rõ ràng, có học hàm, học vị, có vị trí quản lý ở các cấp, thực hiện các mô hình chăm sóc do hộ sinh lãnh đạo, tự chủ trong việc đưa ra các quyết định liên quan đến chăm sóc hộ sinh, có những nghiên cứu về hộ sinh… Đối với bản thân người hộ sinh, cần nhận thức rõ mình là nhân tố thay đổi, cần tích cực học hỏi, tự nâng cao năng lực, bảo đảm các năng lực hộ sinh thông qua quá trình tự đào tạo; chủ động, tích cực làm việc với lãnh đạo các đơn vị triển khai các hoạt động tăng cường dịch vụ hộ sinh; triển khai mô hình chăm sóc do hộ sinh chịu trách nhiệm; chủ động vận động thành lập chi hội Hộ sinh; giáo dục, tuyên truyền cho khách hàng, bệnh nhân về vai trò hộ sinh.