Hồ Dzếnh - Nhìn hiện thực bằng trái tim đa cảm

Hương Sen 29/11/2016 17:26

“Hồ Dzếnh viết không nhiều. Nhưng ai có may mắn, ngẫu nhiên đâu đó, đọc một bài thơ hoặc một truyện ngắn của ông chắc chắn sẽ giữ mãi ấn tượng về ông. Văn và thơ ông có cái ma lực ngân nga rất lâu trong tâm trí người đọc. Cái ma lực ấy là do chất tâm hồn ông tạo nên”.

Đó là nhận xét của nhà thơ Vũ Quần Phương, Chủ nhiệm CLB Văn chương tại tọa đàm kỷ niệm 100 năm sinh Hồ Dzếnh (1916 - 2016) sáng 29.11. Các đại biểu, những người yêu văn và thơ ông đều có chung nhận định, ma lực trong các tác phẩm của ông dù thể hiện trong những bức tranh dang dở nhưng ngập tràn xúc cảm và tình yêu thương.

Trái tim đa cảm

Chân dung nhà văn Hồ Dzếnh.
Chân dung nhà văn Hồ Dzếnh.

Hồ Dzếnh tên thật là Hà Triệu Anh, xuất thân trong một gia đình mà cha là lữ khách phiêu bạt từ Quảng Đông (Trung Quốc), mẹ là cô lái đò trên sông Ghép, Thanh Hóa. Đó là cuộc “lương duyên kỳ ngộ” mà sau này ông đã có nhiều hồi tưởng qua tác phẩm của mình. Trong lời giới thiệu tập thơ Quê ngoại của Hồ Dzếnh, TS. Trần Văn Trọng, Viện Văn học viết: “Lần đầu tiên thi ca Việt Nam được tô điểm một cách chau chuốt bằng ngọn bút linh diệu của một nhà thơ ngoại quốc…”. Ngọn bút đó như mang nỗi buồn cố hữu nhưng chất thơ từ những số phận và niềm tin vào thế giới tốt đẹp luôn giữ cho trang viết của ông nhựa sống dồi dào. Phảng phất dư vị của Thạch Lam, Thanh Tịnh, văn xuôi đầy chất thơ của Hồ Dzếnh lấy đề tài từ cuộc sống xung quanh, những con người đi qua cuộc đời ông, thể hiện bằng bút pháp độc đáo, nhìn hiện thực bằng trái tim đa cảm.

Những ngày đầu cầm bút, Hồ Dzếnh không có ý định thành nhà văn. Ông viết như giãi bày, như tự thú, như sám hối về những câu chuyện của gia đình. Theo nhà thơ Vũ Quần Phương, vào thời ấy, Hồ Dzếnh bằng trái tim lương thiện và đa cảm, ông đã đứng về phía những người nghèo khổ. Ông thấy ở họ tình cảm tốt đẹp, lòng vị tha cao cả, sự rộng lượng và tình thương người. Truyện ngắn Hồ Dzếnh là truyện ngắn trữ tình, với nhân vật xuyên suốt chính là tác giả. Nhiều lúc diễn biến cốt truyện bị ngưng lại nhường cho người viết bộc lộ. Đó là những đoạn ông ca ngợi người mẹ, người chị hoặc ca ngợi mảnh đất Việt Nam, quê mẹ của mình: Hỡi nước Việt Nam, tôi nghiêng lòng xuống Người, trên những luống cày mà hương thơm còn phảng phất, vì tôi đã từng uống nước và nói tiếng nói của Người, vì tôi đã thề yêu Người trên bậc tuyệt vời của tôn giáo. Trên mảnh đất xúc tích những tinh hoa của văn chương, những công trạng lịch sử, tôi còn ghi cả những bóng dáng người xưa tôi thương yêu… (Trích Chị Yên). “Lòng yêu nước Việt Nam của Hồ Dzếnh gắn bó khăng khít với lòng yêu mẹ, yêu những người thân yêu. Ông yêu Tổ quốc từ tình yêu những người lao khổ, thiệt thòi. Tình yêu chân thực xót đau ấy đã tạo nên cái âm hưởng ngân nga của văn ông mà ai đọc qua một lần đều nhận thấy” - nhà thơ Vũ Quần Phương nhận xét.

Khắc khoải giữa hai bờ xứ sở

Nhiều nhà văn từng nhận xét, truyện ngắn Hồ Dzếnh như những tiếng chuông buồn, tiếng này ngân lên chưa dứt tiếng khác đã bồi theo. Ông đặc biệt nhạy cảm với những buồn đau của phụ nữ nông thôn Việt Nam, hiện thân của định mệnh khe khắt, của duyên phận tăm tối và buồn rầu, những con người luôn luôn chịu thương chịu khó mà đời chỉ là một chuỗi ngày đau khổ (Trích Chân trời cũ). Song song với đó, hình ảnh người lữ khách Trung Hoa cũng luôn hiện về trong các tác phẩm của ông bằng những câu chuyện kín đáo hơn cả tiếng thở dài để thấy cả một xứ Trung Hoa bí mật âm thầm như một niềm đau xót (Trích Trong bóng rừng). Nhà phê bình văn học, TS. Lưu Khánh Thơ khẳng định, nổi bật trong sáng tác của Hồ Dzếnh là nỗi khắc khoải giữa hai bờ xứ sở. Một bên là nỗi nhớ xứ Trung Hoa - quê nội, âm thầm chảy từ trong huyết quản. Một bên là quê ngoại, nơi ông được sinh ra và lớn lên trong bóng rừng và đồng ruộng Việt Nam. Bởi thế, Hồ Dzếnh mặc dù ít được nhắc tới, nhưng ai am hiểu khu vực văn học này, ai yêu mến nền truyện ngắn dân tộc thời hiện đại đều thấy có thể đặt nhà văn này cạnh Thạch Lam, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Bình Nguyên Lộc. Cùng với những người bạn văn gần gũi nhau về phong cách nghệ thuật nhưng lại có nguồn gốc, xuất xứ khác biệt, Hồ Dzếnh đem đến cho văn đàn Việt Nam một vẻ riêng độc đáo.

Hoài niệm về quê hương cảnh cũ, người xưa, Hồ Dzếnh chọn một quê hương xa xôi, đẹp đẽ, là sự hồi tưởng mãnh liệt về dĩ vãng huyền ảo, đầy hào quang của nước Trung Hoa cổ kính với những “hoàng hôn Giang Tây Hồ Bắc’, với những câu thơ cổ khuôn vàng thước ngọc. Và mãnh liệt hơn, bởi đó là nguồn mạch văn hóa dân tộc, nó đưa lại cho con người niềm tự hào và cảm giác ngây ngất choáng ngợp trước vẻ đẹp kỳ diệu của nó. Chỉ nghe nhắc đến tên một người chú Trung Hoa mà tâm hồn nhà văn phút chốc bỗng nghe vang một thứ gió âm u của miền sa mạc Mông Cổ, trôi qua Thiểm Tây, Cam Túc, luồn vào khu rừng không tên của hai tỉnh Lưỡng Quảng vượt trùng dương sang tôi… (Trích Chú Nhì). Mặt khác, Hồ Dzếnh vẫn thấm thía nỗi buồn của người mẹ, người chị, người em - những người đàn bà nhà quê đau khổ, chua xót nhưng vẫn sống quên lãng trong lũy tre xanh. Họ là những phụ nữ Việt với vẻ đẹp toát lên từ sự hy sinh và tấm lòng cao quý.

Trong một bài viết của mình, TS. Trần Văn Trọng, Viện Văn học đã mượn một câu văn của Hồ Dzếnh để kết luận: “Cứ gì phải chung sống dưới một mái nhà, chia uống một ngụm nước, cùng ngắm một dòng sông, người ta mới yêu được nhau? Tình yêu, nếu thực là tình yêu, thì không có quê hương, cố quận, bởi nó tỏa ra từ một tấm lòng nghệ sĩ mênh mông, tự nó đã sẵn có sức hun nấu, và thấu suốt qua, và bao trùm lấy tất cả những gì đáng được sự thờ kính thiêng liêng”.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Hồ Dzếnh - Nhìn hiện thực bằng trái tim đa cảm
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO