Hồ Chí Minh - nhà tiên tri
Lòng tin vững chắc ở lý tưởng, ở thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp cách mạng và niềm lạc quan trong cuộc sống - đó là nét khẳng định bản lĩnh, tính cách Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bổ sung cho phẩm chất đó, còn là sự tiên tri, là khả năng tiên đoán...

Năm 2010 kỷ niệm 120 năm năm sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng là năm kỷ niệm 1.000 năm Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long. Con đường từ Hoa Lư ra Đại La (Thăng Long) ở thời điểm chẵn 1000 năm trước bỗng trở thành một biểu tượng gần gũi với hành trình dân tộc vào đại lộ lớn của văn minh nhân loại – 1.000 năm sau, trong thời đại Hồ Chí Minh. Đó là thời đại của Cách mạng tháng Tám - 1945; của chiến thắng hai đế quốc lớn trên thế giới - mà người thiết kế vĩ đại và Tổng tư lệnh tối cao là Hồ Chí Minh; của hành trình hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, mục tiêu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành trọn cuộc đời mình để theo đuổi.
Lòng tin vững chắc ở lý tưởng, ở thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp cách mạng và niềm lạc quan trong cuộc sống - đó là nét khẳng định bản lĩnh, tính cách Hồ Chí Minh như chúng ta đã biết, kể từ khi chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành rời quê hương năm 1911 đến người chiến sỹ cách mạng mang tên Nguyễn Ái Quốc năm 1919 ở Paris và trở thành Chủ tịch Hồ Chí Minh - người đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở Quảng trường Ba Đình, mồng 2.9.1945. Và cũng đã nhiều lúc, như là minh chứng hoặc như một bổ sung cho phẩm chất đó, còn là sự tiên tri, là khả năng tiên đoán, nếu có thể dùng chữ ấy.
Tiên đoán, như một kết quả được thấy trước, được hình dung trước, có lúc ở một niên đại cụ thể như Cách mạng tháng Tám, trong diễn ca Lịch sử nước ta (1942)(1); có lúc trong một câu chuyện viễn tưởng về thắng lợi của kháng chiến chống Pháp, trong Giấc ngủ mười năm (1948).
Ở thời điểm tháng 2.1942, viết diễn ca Lịch sử nước ta dài 208 câu, với mở đầu: Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam, Hồ Chí Minh đã điểm lại gần như đầy đủ các sự kiện lớn, các gương mặt lớn của lịch sử dân tộc kể từ ngày tổ tiên dựng nước - “Hồng Bàng là tổ nước ta” đến “Trước ngày khởi nghĩa Việt Minh bắt đầu”, kèm với các ảnh minh họa do chính tác giả vẽ: Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Trần Quốc Toản, Bùi Thị Xuân. Điều đáng lưu ý là sau kết thúc sử ca, tác giả ghi tiếp một phụ lục: Những năm quan trọng. Trong phụ lục này tác giả ghi biên niên 30 sự kiện gắn với 30 thời điểm.
Ở hai dòng đầu, đó là:
Hồng Bàng - trước lịch Tây - 2879 (?)
Tàu lấy nước ta lần đầu - 111
Và hai dòng cuối:
Nam Kỳ khởi nghĩa - 1941
Việt Nam độc lập - 1945
Thời điểm Hồ Chí Minh viết và ấn hành Lịch sử nước ta là vào đầu năm 1942, sau thất bại của khởi nghĩa Nam Kỳ. Phải hơn ba năm sau mới đến sự kiện “Việt Nam độc lập”. Và người “tiên đoán” “Việt Nam độc lập” ấy lúc này đang trong vai một ông Ké cách mạng với dồn dập bao công việc khẩn thiết, trọng đại nhằm chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa. Thế mà một diễn ca lịch sử trên 200 vẫn rất trôi chảy, liền mạch trong bộ nhớ của một người rất thuộc lịch sử. Qua phụ lục Những năm quan trọng ta còn thấy tác giả nhớ cụ thể và chính xác đến cả 29 thời điểm đã diễn ra các sự kiện lớn của lịch sử - những thời điểm mà tôi tin chắc không phải sử gia nào cũng thuộc.
Hơn hai năm sau ngày viết diễn ca, vào tháng 10.1944, trong Thư gửi đồng bào toàn quốc, nhằm chuẩn bị cho “Toàn quốc đại biểu đại hội”, Người viết: “Phe xâm lược gần đến ngày bị tiêu diệt. Các đồng minh quốc sắp tranh được sự thắng lợi cuối cùng. Cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ ở trong một năm hoặc năm rưỡi nữa. Thời gian rất gấp. Ta phải làm nhanh”.
Như vậy là từ thời điểm tháng 10.1944, cuộc Tổng khởi nghĩa đã diễn ra sớm hơn dự kiến.
Giấc ngủ mười năm được Hồ Chí Minh viết vào năm 1948, Tổng bộ Việt Minh xuất bản năm 1949 là lúc cuộc kháng chiến chống Pháp còn rất gian khổ, gay go trong giai đoạn cầm cự. Nhân vật chính là anh Nông Văn Minh, một cố nông người Nùng ở Cao Bằng: từ 10-20 tuổi ở cho địa chủ; theo cha tham gia cách mạng; kháng chiến bùng nổ vào Vệ quốc quân; cuối 1947 bị thương ở trận Bông Lau. Do bị thương, Nông Văn Minh bị bệnh ngủ, và giấc ngủ kéo dài đến... 10 năm. Đúng vào ngày 15.8.1958 anh mới tỉnh dậy.
Từ những gì được kể lại sau “giấc ngủ mười năm” của anh Minh, chúng ta được biết ngày kháng chiến thắng lợi, nhân dân kéo về thủ đô: “Mỗi người cầm một lá cờ nhỏ, một đoàn dẫn đầu bằng lá cờ to. Thành thử các nẻo đường trở nên những dòng sông người và làn sóng cờ chạy mãi, chạy mãi không ngớt. Hà Nội chật ních những người là người, phần thì bộ đội kéo về, phần thì nhân dân kéo đến. Ai cũng vui đùa, hăm hở. Cảm động nhất là anh em chiến sỹ đến đâu là dân bâu lại đó. Người biếu thứ này, kẻ tặng vật khác. Có những cụ già mừng rỡ và vui sướng quá mà khóc như trẻ con”.
Đổi thay của gia đình Minh nằm trong đổi thay chung của đất nước: “Từ thành thị đến thôn quê, không còn có một người nào mù chữ, không còn có người nào đói rách, không còn có một người nào thất nghiệp nữa. Phố xá, làng mạc, nơi nào cũng sạch sẽ, xinh tươi. Trường học, thư viện, nhà hát, phòng phát thuốc, sân thể thao nơi nào cũng có. Cờ bạc, hút xách, trộm cắp, đĩ điếm đều mất...”.
Đứng ở thời điểm 1948, lúc bộ đội còn mũ nan chân đất đánh giặc, và sau lưng là 80 năm nô lệ, với 2 triệu người chết đói năm 1945, mới thấy sự hình dung như trên trong Giấc ngủ mười năm quả là lãng mạn, nhưng lại rất hiện thực.
Viết Giấc ngủ mười năm, Hồ Chí Minh đã vẽ một viễn cảnh tương lai - gần gũi (chứ không quá xa xôi như các loại truyện khoa học viễn tưởng) cho nhân dân tin tưởng. Tất nhiên, để viết được như thế, người viết phải giàu lòng tin nhất.
Ngót 20 năm sau Giấc ngủ mười năm, khi cả nước bước vào cao trào chống Mỹ, cả dân tộc đã lắng nghe lời hiệu triệu thiêng liêng của Hồ Chủ tịch trong Hội nghị chính trị đặc biệt tháng 7.1966: “Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”. Ba năm sau, Bác qua đời, để lại cho dân tộc bản Di chúc lịch sử, mà ngay từ dòng đầu Di chúc đã là một khẳng định:
“Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn.
Đó là một điều chắc chắn”.
Từ ngày để lại Di chúc, phải ngót 6 năm nữa mới đến Đại thắng mùa Xuân 1975. Và cuộc chiến còn diễn ra với bao gian lao, khốc liệt. Thế mà niềm tin chiến thắng ở Hồ Chí Minh ngay từ lúc ấy, đã là một khẳng định “chắc chắn”.
Cách mạng tháng Tám, hai cuộc kháng chiến chống Pháp, rồi chống Mỹ, suốt 24 năm, tính từ 19.8.1945-2.9.1969 - ngày Hồ Chí Minh qua đời, người lãnh tụ ở vị trí Tổng Tư lệnh tối cao quả là không lúc nào, không giờ nào rời bỏ niềm tin ấy. Một niềm tin ở chính nghĩa, ở nhân dân, ở tinh thần yêu nước và sức mạnh vô địch của nhân dân vốn đã được kiểm chứng trong mấy ngàn năm lịch sử.
Sự tiên đoán gắn với lòng tin và niềm lạc quan, tạo nên phẩm chất và cốt cách Hồ Chí Minh, người kết tinh ý chí, tình cảm và mơ ước của dân tộc Việt Nam thế kỷ XX. Người giàu khả năng tiên đoán ấy cũng là người từng được “tiên đoán”. Năm 1919, trong nhận xét của Arnoux - sau này là Tổng mật thám Pháp ở Đông Dương: “Người thanh niên mảnh khảnh và đầy sức sống này có thể là người sẽ đặt cây chữ thập cáo chung lên nền thống trị của chúng ta ở Đông Dương”(2).
Năm 1923, trong ý kiến của Ôxip Mandenxtam - nhà thơ lớn của Liên Xô: “... từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa châu Âu, mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai”(3).
Cả hai “tiên đoán” đều được sự thực chứng minh trong sự kết hợp tuyệt vời ở bản thân con người Hồ Chí Minh hai tư cách: Anh hùng dân tộc và Danh nhân văn hóa thế giới.
____________
1. Lịch sử nước ta, bản in lần thứ nhất do Việt Minh tuyên truyền bộ xuất bản tháng 12.1942. Những trích dẫn dưới đây đều lấy ở Hồ Chí Minh - Tuyển tập, 2 tập; Nxb. Sự thật; HN, 1980.
2. Theo Hồng Hà: Thời thanh niên của Bác Hồ; Nxb. Thanh niên; HN, 1976, tr.81.
3. Báo Ngọn lửa nhỏ (tiếng Nga); số 39; 23.12.1923.