HNX và hành trình bền bỉ tạo lập giá trị

Minh Hương 27/11/2021 09:14

Cùng với hành trình 25 năm thị trường chứng khoán Việt Nam, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã có chặng đường xây dựng và phát triển đầy quyết tâm, sáng tạo và đạt được những thành tựu đáng ghi nhận.

Hỗ trợ tích cực quá trình cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước

Ngày 8.3.2005, phiên đấu giá cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đầu tiên được tổ chức tại Trung tâm GDCK Hà Nội (HASTC), phiên đấu giá Nhà máy Thiết bị Bưu điện (Postef) đã mở màn cho hoạt động  đấu giá cổ phần hóa DNNN qua Trung tâm giao dịch chứng khoán thay vì đấu giá tại doanh nghiệp hoặc công ty chứng khoán (CTCK) như trước đó, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi mô hình hoạt động, tái cơ cấu DNNN, đồng thời tạo nguồn cung hàng hóa cho thị trường thứ cấp.

Lễ khai trương hoạt động Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (Năm 2005).
Lễ khai trương hoạt động Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (Năm 2005)

 Năm 2007, HNX đã áp dụng mô hình đấu giá hai cấp, nhà đầu tư thực hiện thủ tục đấu giá tại các đại lý đấu giá thay vì tại HASTC như trước đây, tạo điều kiện thuận tiện hơn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. Hoạt động đấu giá của HNX không ngừng được đầu tư cả về cơ sở vật chất và con người, không chỉ đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp đấu giá cổ phần, mà còn đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp muốn đưa lên sàn các loại hàng hóa khác trong quá trình tái cơ cấu như trái phiếu chuyển đổi, quyền mua…

Kênh huy động vốn quan trọng cho ngân sách Nhà nước

Hoạt động đấu thầu trái phiếu chính phủ được tập trung tại HNX từ ngày 1.7.2006, và HNX trở thành đơn vị duy nhất được Bộ Tài chính giao nhiệm vụ tổ chức đấu thầu trái phiếu chính phủ tại Việt Nam.

Năm 2012, HNX tiếp tục triển khai hệ thống đấu thầu trái phiếu điện tử, cho phép thành viên đấu thầu có thể nhập phiếu dự thầu từ xa, giúp rút ngắn thời gian xét thầu, xác định kết quả đấu thầu và kết nối cơ quan quản lý, tổ chức phát hành, tổ chức thị trường với toàn thể thành viên đấu thầu trái phiếu chính phủ.

Nhằm cung cấp công cụ chỉ báo trên thị trường sơ cấp trái phiếu chính phủ, năm 2013, HNX đã cho ra mắt đường cong lợi suất trái phiếu chính phủ (yield curve), giúp chỉ báo xu hướng lãi suất trên thị trường.

Đây cũng là một kênh cung cấp thông tin tham khảo hữu ích cho cơ quan quản lý, tổ chức phát hành, cũng như thành viên về diễn biến lãi suất trên thị trường. Hệ thống đường cong lợi suất với các mức lãi suất chào giá đã góp phần hỗ trợ tích cực trong việc định hình khung lãi suất phát hành trái phiếu của Bộ Tài chính, hỗ trợ Kho bạc Nhà nước lựa chọn lãi suất trúng thầu.

Phương thức đấu thầu cũng được bổ sung với đấu thầu đa giá, áp dụng song song với phương thức đấu thầu đơn giá truyền thống, nhằm tạo ra tính cạnh tranh trong đấu thầu, thúc đẩy hoạt động phát hành trái phiếu chính phủ phát triển và tiếp cận với các chuẩn mực quốc tế.

Theo đó, trong một phiên đấu thầu có nhiều mức lãi suất trúng thầu, tuỳ mức lãi suất đặt thầu tương ứng của từng nhà đầu tư đặt thầu, tạo ra cạnh tranh hơn trong đấu thầu, tăng thu cho ngân sách nhà nước, giảm chi phí phát hành.

Từng bước nâng cao chất lượng thị trường cổ phiếu niêm yết

Ngày 14.7.2005, hệ thống giao dịch chứng khoán thứ cấp của HNX được chính thức đưa vào vận hành, chỉ 4 tháng sau khai trương hoạt động. Với 6 mã cổ phiếu niêm yết đầu tiên, thị trường cổ phiếu niêm yết tại HNX khi đó giao dịch 3 phiên một tuần và chỉ áp dụng phương thức giao dịch thỏa thuận. Đến cuối năm 2005, HNX bổ sung phương thức khớp lệnh liên tục, áp dụng song song với  phương thức giao dịch thoả thuận, hỗ trợ giao dịch của nhà đầu tư được thực hiện nhanh và thuận lợi hơn rất nhiều.

Năm 2012, hệ thống giao dịch chứng khoán niêm yết tại HNX tiếp tục được cải tiến theo hướng đáp ứng những nhu cầu giao dịch hết sức thiết thực của nhà đầu tư. Theo đó, chứng khoán lô lẻ đã chính thức được giao dịch theo phương thức  thức thỏa thuận trên hệ thống giao dịch chứng khoán niêm yết, bên cạnh hình thức giao dịch trực tiếp tại các CTCK với tần suất giao dịch thấp. Việc đưa vào giao dịch lô lẻ đã tạo thuận tiện hơn cho nhà đầu tư và CTCK trong việc giao dịch, đặc biệt đối với những CTCK không có nghiệp vụ tự doanh để mua lại chứng khoán lô lẻ cho người đầu tư.

Năm 2013, HNX tiếp tục cải tiến các quy định về giao dịch trên thị trường cổ phiếu với việc bổ sung phiên khớp lệnh định kỳ đóng cửa để xác định giá tham chiếu cho ngày giao dịch hôm sau, bổ sung các loại lệnh mới ATC (lệnh giao dịch tại mức giá khớp lệnh xác định giá đóng cửa), MTL (lệnh thị trường giới hạn, chỉ được nhập khi có lệnh đối ứng, trường hợp không có lệnh đối ứng, lệnh được nhập vào sẽ bị hủy), MOK (lệnh đặt nếu không được khớp toàn bộ sẽ bị hủy), MAK (lệnh dựa trên thuộc tính phần còn lại không khớp sẽ bị hủy); cho phép sửa, hủy lệnh trong phiên giao dịch khớp lệnh liên tục; giao dịch lô lẻ được thực hiện theo phương thức khớp lệnh liên tục và thỏa thuận.

Năm 2018, HNX bổ sung lệnh giao dịch khớp lệnh sau giờ tại mức giá đóng cửa (PLO). Với hệ thống giao dịch do HNX chủ động nghiên cứu và xây dựng cho phép bổ sung áp dụng các quy định giao dịch mới, tiệm cận với thông lệ quốc tế cũng như đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhà đầu tư, từng bước tạo sức hấp dẫn riêng có của sàn HNX và thu hút doanh nghiệp và nhà đầu tư tham gia. 

Phát triển bền vững thị trường giao dịch trái phiếu Chính phủ

Ngày 24.9.2009, HNX khai trương hệ thống giao dịch TPCP chuyên biệt, tách giao dịch TPCP ra khỏi hệ thống giao dịch cổ phiếu, đáp ứng các yêu cầu đặc thù của giao dịch TPCP, phù hợp với định hướng phát triển của TTCK Việt Nam và các thông lệ quốc tế.

Với mục tiêu minh bạch hóa thông tin thị trường và tạo điều kiện thuận tiện cho nhà đầu tư giao dịch TPCP, HNX đã đầu tư xây dựng hệ thống giao dịch trực tuyến trái phiếu Chính phủ (E-BTS) và chính thức vận hành hệ thống E-BTS vào năm 2015. Việc áp dụng hệ thống E-BTS trong giao dịch TPCP đã tăng tiện ích tối đa cho thành viên, cho phép nhà đầu tư truy cập, giao dịch, tra cứu thông tin giao dịch TPCP mọi lúc, mọi nơi, đồng thời mở rộng đối tượng sử dụng không chỉ dành cho thành viên thị trường, cơ quan quản lý mà áp dụng cho các tổ chức tham gia thị trường. Cũng trong năm 2015, HNX đã cho ra mắt bộ chỉ số trái phiếu (Bond indices) với nhiều kỳ hạn khác nhau nhằm xác định lãi suất tham chiếu và định giá trái phiếu, giúp nhà đầu tư và thành viên thị trường thuận lợi hơn trong việc giao dịch TPCP.

Để thúc đẩy sự phát triển của thị trường giao dịch TPCP, năm 2016, HNX đã triển khai nâng cấp hệ thống giao dịch để triển khai các sản phẩm và cơ chế giao dịch mới. Năm 2017, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 10/2017/TT-BTC, tạo hành lang pháp lý để đưa thêm các sản phẩm mới vào giao dịch. Nắm bắt cơ hội này, trước xu thế phát triển mạnh của giao dịch Repos, HNX đã phát triển bộ sản phẩm Repos mới nhằm bổ sung thêm sản phẩm giao dịch cho thị trường với 3 sản phẩm: vay trái phiếu, bán kết hợp mua lại, vay để bán (dành riêng cho nhà tạo lập thị trường) nhờ đó, chỉ trong vòng 4 năm (2017-2021), thanh khoản trên thị trường đã tăng gần 3 lần. 

Từng bước triển khai thị trường chứng khoán phái sinh

Ngày 21.7.2015, Bộ Tài chính ban hành Thông báo số 448/TB-BTC giao Sở GDCK Hà Nội và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam tổ chức hoạt động giao dịch và thanh toán của TTCK phái sinh ngay sau khi Nghị định 42/2015/NĐ-CP ngày 5.5.2015 có hiệu lực thi hành. Đây là bước cụ thể hoá quan trọng ý tưởng xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán phái sinh tại Việt Nam đã được đề cập tại “Đề án xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam” theo Quyết định số 366/QĐ-TTg của Thủ tướng ngày 11.3.2014. Trên cơ sở đó, HNX và các cơ quan liên quan triển khai công tác chuẩn bị cơ sở hạ tầng công nghệ, hệ thống quy chế, quy trình và đào tạo cán bộ tác nghiệp để chuẩn bị cho sự ra đời của thị trường.

Ngày 10.8.2017, thị trường chứng khoán phái sinh được khai trương hoạt động, đánh dấu một bước phát triển mới trong quá trình hoàn thiện cấu trúc thị trường chứng khoán, thị trường tài chính Việt Nam. Vốn là một thị trường tài chính bậc cao và còn khá mới mẻ ở Việt Nam, do đó, theo định hướng của Chính phủ, sản phẩm hợp đồng tương lai là sản phẩm phái sinh đơn giản nhất đã được triển khai đầu tiên. Do đó, ở thời điểm ban đầu, HNX chỉ đưa vào giao dịch 4 mã hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30.

Theo lộ trình phát triển sản phẩm từ thấp đến cao, hai năm sau, năm 2019, HNX cho ra mắt sản phẩm hợp đồng tương lai TPCP kỳ hạn 5 năm  nhằm cung cấp cho nhà đầu tư thêm một lựa chọn đầu tư và công cụ phòng ngừa rủi ro trên thị trường TPCP, tuy nhiên đối tượng giao dịch chỉ dành cho nhà đầu tư tổ chức. Năm 2021, HNX tiếp tục đưa vào giao dịch sản phẩm HĐTL TPCP kỳ hạn 10 năm nhằm đáp ứng sát hơn nữa nhu cầu phòng vệ trên thị trường TPCP cơ sở, bổ sung đối tượng được phép giao dịch HĐTL TPCP 10 năm, ngoài các nhà đầu tư tổ chức còn có các nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp. Như vậy, đến nay TTCK phái sinh đã có 10 mã sản phẩm hợp đồng tương lai theo thông lệ quốc tế, trong đó 4 mã sản phẩm hợp đồng tương lai trên chỉ số cổ phiếu VN30, 3 mã hợp đồng tương lai TPCP kỳ hạn 5 năm và 3 mã hợp đồng tương lai TPCP kỳ hạn 10 năm.

Những mục tiêu trong tương lai

Sau chặng đường xây dựng và phát triển đầu tiên, thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung và HNX nói riêng đã có những thành tựu đáng kể, tạo nền tảng vững chắc và là tiền đề, là động lực cho giai đoạn phát triển mới. Trong bối cảnh đó, HNX đặt mục tiêu tiếp tục phát triển các thị trường hướng tới mục tiêu đưa TTCK trở thành kênh dẫn vốn chủ yếu cho nền kinh tế. HNX sẽ tiếp tục phát triển thị trường cổ phiếu, nâng cao chất lượng hàng hóa. Cùng với việc thúc đẩy các giải pháp tăng thanh khoản thị trường cổ phiếu, HNX cũng đang nghiên cứu thiết lập thị trường vốn cổ phần dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp (start-ups), các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân.

Đặc biệt, HNX sẽ phát triển thị trường trái phiếu trở thành kênh huy động vốn chủ yếu cho ngân sách Nhà nước, góp phần huy động vốn cho phát triển kinh tế của đất nước. HNX sẽ tập trung hoàn thiện tổ chức thị trường trái phiếu bao gồm cả thị trường TPCP và TPDN, tăng cường thanh khoản cho thị trường giao dịch thứ cấp, để hỗ trợ cho hoạt động phát hành trên thị trường sơ cấp. Để thực hiện được mục tiêu đó, HNX sẽ tập trung xây dựng hệ thống hạ tầng công nghệ hiện đại, có độ mở cao, có thể kết nối được với hệ thống CNTT của các thị trường quốc tế. Cùng với đó, HNX sẽ tiếp tục phát triển đa dạng hóa các sản phẩm trên thị trường TPCP, triển khai các sản phẩm phòng ngừa rủi ro lãi suất trên thị trường TPCP. Đây cũng là ưu tiên của Chính phủ khi yêu cầu rà soát lại điều kiện phát hành TPDN riêng lẻ theo nguyên tắc gắn với công bố thông tin, bổ sung quy định chỉ có nhà đầu tư chuyên nghiệp được phép đầu tư vào TPDN phát hành riêng lẻ; yêu cầu TPDN phát hành riêng lẻ phải thực hiện đăng ký, lưu ký tập trung.

    Nổi bật
        Mới nhất
        HNX và hành trình bền bỉ tạo lập giá trị
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO