Hình tượng quen thuộc trong văn hóa Việt

- Thứ Sáu, 19/02/2021, 08:30 - Chia sẻ
Hiện diện trong những truyền thuyết, câu chuyện cổ tích, ca dao, lịch sử; từ thời vua Hùng dựng nước gắn liền nền văn minh nông nghiệp, đến truyền thuyết hồ Trâu Vàng - Hồ Tây (Hà Nội) hay câu chuyện Đinh Bộ Lĩnh cờ lau tập trận… hình ảnh con trâu rất gần gũi với đời sống văn hóa dân gian của người Việt.

PGS. TS. Đặng Văn Bài, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia: Con vật tận tụy với nông dân Việt Nam

Với các nền văn minh lúa nước, con trâu đóng vai trò quan trọng và vô cùng gần gũi với con người. Trong văn hóa phương Đông, đây là một trong 12 con giáp, cũng là con vật được dùng trong lễ, tế thần thánh.

Không chỉ là người bạn, gắn bó tận tụy với nông dân, con trâu còn bước vào đời sống tâm linh của người Việt bằng những hình ảnh chạm khắc ở đình, chùa, hay lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, lễ hội ăn trâu Tây Nguyên… Với lễ Tịch điền diễn ra mùa xuân hàng năm, các vị vua khuyến khích nông dân chơi Tết, ăn Tết nhưng không quên lao động sản xuất.

Sâu xa hơn, tôi thấy rằng, tính cách con trâu cũng gần với bản tính của người Việt: Cần cù, nhẫn nại, thông minh nhưng rất quật khởi. Bình thường hiền lành, nhưng khi trâu quật khởi thì rất ghê gớm, dữ dội, đến chúa sơn lâm cũng sợ.

Trâu cũng trở thành cảm hứng cho các loại hình nghệ thuật điêu khắc, hội họa, thủ công truyền thống… Hiện nay, chúng tôi tập hợp Nhóm sưu tầm và những người bạn yêu thích trâu trong đời sống Việt, gồm các họa sĩ, nhà điêu khắc, người chơi tem... Riêng tôi sưu tầm, chọn lựa, không phải (theo) chất liệu, không cứ lọ, đĩa, lục bình, tranh… mà quan trọng là tìm được hình ảnh con trâu đẹp.

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Thế hệ chúng tôi trưởng thành trên lưng trâu

Đối với một số quốc gia Đông Nam Á phát triển trên nền tảng văn minh lúa nước thì con trâu đúng nghĩa là đầu cơ nghiệp như cách nói của người Việt Nam, vì nó là sức kéo quan trọng nhất giúp cho nông dân có thể làm được việc đồng áng nặng nhọc. Con trâu là một phần của đời sống con người. Chúng ta nhớ tới câu thành ngữ: “Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà...” như một nguyên lý để con người có thể tồn tại và phát triển trong xã hội nông nghiệp. Chính vì vậy, con trâu có vị thế quan trọng. Từ xưa ta thấy các triều đình đã có điều luật bảo vệ nguồn sức kéo ấy trong đời sống nông nghiệp. Trong ca dao, tục ngữ cũng có nhiều câu nhắc nhở về vai trò của con trâu trong đời sống người Việt.

Với thế hệ chúng tôi, trong thời gian dài, nhiều người trưởng thành trên lưng trâu. Từ nhỏ giúp đỡ cha mẹ chăn trâu, học trên lưng trâu, chơi đùa trên lưng trâu. Con trâu đã trở thành ký ức của rất nhiều người. Sau này trong số đó có người hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật đã lấy con trâu làm đề tài sáng tác của mình. Điều đó cho thấy dù sau này như thế nào, thì con trâu vẫn đọng lại trong ký ức của chúng ta.

Hiện nay, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, người ta nói nhiều đến “con trâu sắt”. Thực tế nhiều cháu bé ít cơ hội trở về nông thôn, không biết con trâu như thế nào, ở nhiều nơi, con trâu không còn làm việc kéo cày nữa. Chính vì thế, việc lưu giữ ký ức cá nhân, cộng đồng, thông qua nhiều cách khác nhau, như trưng bày các sản phẩm nghệ thuật gắn với con trâu, như nhắc nhở chúng ta về giá trị, di sản trong ký ức.

Họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức: Hình tượng đẹp gắn với tự nhiên

Con trâu luôn gắn bó với tôi trong những ngày đi sơ tán. Đây là con vật hay cả về hình dáng, đức tính. Nếu con chó sinh ra để bảo vệ tài sản, thì trâu sinh ra để tái tạo tài sản.

Với người làm nghệ thuật, hình tượng con trâu đẹp, gần gũi, gắn với thiên nhiên. Người ta thường ngồi trên lưng trâu mà véo von sáo nhị, ngắm cảnh…

Cuối năm nào chúng tôi cũng tổ chức triển lãm mang tinh thần của con giáp năm mới. Triển lãm năm nay là “Con trâu trong đời sống người Việt”, tại 50 Đào Duy Từ, Hà Nội, tới hết tháng 2. Vì cảm xúc với hình ảnh con trâu, cũng vì con vật này gắn liền với nông dân nhiều hơn, nên tôi đã tái dựng không gian nhà người Việt của nông dân xưa đón Tết trong phố cổ Hà Nội. Cùng với đó, có nhiều hình ảnh, hiện vật gắn với con trâu, các sưu tập, nghiên cứu… tạo nên không gian đón Tết vừa đầm ấm, đậm chất văn hóa.

Chúng tôi mong muốn đem đến cho mọi người không chỉ niềm vui mà còn kiến thức về truyền thống, văn hóa, quan hệ với tự nhiên...

Thảo Nguyên