Hình Tổ quốc và Bác Hồ trên tem

Hà Hồng Hà 02/05/2012 08:00

Ở nước ta, ông Vũ Văn Tỵ hiện là người duy nhất sưu tầm tem có hình bản đồ Tổ quốc. Bộ sưu tập được bố cục chặt chẽ theo từng giai đoạn lịch sử đất nước từ năm 1940 đến nay, có lời dẫn, chú giải cho từng con tem, với nội dung đa dạng.

Ông Vũ Văn Tỵ giới thiệu bộ tem Tấm bản đồ Việt Nam
Ông Vũ Văn Tỵ giới thiệu bộ tem Tấm bản đồ
Việt Nam

Bộ sưu tập của ông có tên Tấm bản đồ Việt Nam với chủ đề xuyên suốt là Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, gồm 80 trang tem giới thiệu hơn 300 con tem trong nước và nước ngoài vẽ hình Tổ quốc, hình Bác Hồ, cùng hàng trăm bì thư có dán tem và đóng dấu bưu điện các thời kỳ. Để có bộ tem công phu này, ông Tỵ phải tích lũy trong nhiều năm. Ông kể, săn tem khó như mò cua đáy bể, có lúc tìm được con tem như ý nhưng người sở hữu dứt khoát không bán, mà trong làng chơi tem nài nỉ vô ích vì ai cũng muốn giữ “độc chiêu”. Bộ sưu tập của ông Tỵ có nhiều “độc chiêu” như thế, với nhiều con tem, bì thư, bưu thiếp có một không hai, khiến giới sưu tầm tem thèm muốn.

Trong bộ sưu tập có một blốc tem khá đặc sắc của Mỹ về đề tài chiến tranh mang tên A world at war (Thế giới lâm chiến), phát hành năm 1941 có hình bản đồ Việt Nam trong khu vực chiến sự. Đây là một trong những con tem in hình Tổ quốc ta sớm nhất. Ngoài ra còn có nhiều con tem, bưu thiếp trong nước và nước ngoài thể hiện tình đoàn kết hữu nghị, sự ủng hộ của thế giới với cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta, với điểm chung là có hình Bác Hồ hoặc bản đồ Việt Nam, hoặc cả hai. Đó là con tem của Algeria phát hành ngày 27.1.1973 với dòng chữ “Ủng hộ Việt Nam”; tem của Lào năm 1983 in hình Phạm Tuân bay vào vũ trụ cùng bản đồ Việt Nam; tem của Cộng hòa Mali in bản đồ Đông Dương, trong đó bản đồ Việt Nam được đặc tả màu vàng kèm theo dòng chữ tiếng Pháp “Ngày quốc tế đoàn kết với Việt Nam”, phát hành ngày 20.7.1963. Nhiều con tem của Trung Quốc, Liên Xô, Cuba, Ấn Độ phát hành trước năm 1975 đều in hình nước Việt Nam thống nhất, có một gạch ngang ở vĩ tuyến 17...

Hình Tổ quốc và Bác Hồ trên tem ảnh 2
Bộ tem Hoàng Sa, Trường Sa

Sưu tầm tem đã khó nhưng sưu tầm bì thư còn khó hơn, bởi bì thư phải dán tem có hình Tổ quốc, hình Bác Hồ và có dấu bưu điện trong giai đoạn đó. Đi đâu ông Tỵ cũng chăm chăm săn bì thư, có cái xin được, có cái mua với giá “cắt cổ”, nhưng tỷ lệ thất bại cũng không nhỏ vì các gia đình khư khư giữ bì thư làm kỷ niệm về người thân. Bì thư từ trước năm 1975 chủ yếu được gấp tay, giấy đã ngả màu vàng hoặc màu đất do thời gian, mưa nắng, nhưng những dòng chữ bằng viết bằng mực bút sắt còn rõ ràng. Bì thư cao niên nhất có dấu bưu điện ngày 1.1.1955 trên có dán một con tem vẽ hình Bác Hồ và bản đồ Việt Nam, nhưng con tem ngày ấy chưa kịp in giá tiền nên bưu điện phải đóng dấu 50đ đè lên. Một bưu thiếp đặc biệt khác đề ngày 17.11.1958 vẽ bản đồ nước Việt Nam thống nhất, người gửi là Minh Hà, 105, Hàng Bạc, người nhận là Kim Loan, 226/151, Cité Lacage, Chợ Lớn. Ngày ấy từ Bắc vào Nam, thư từ phải đi mất hàng tháng, nhiều trường hợp không bao giờ đến tay người nhận. Hầu hết thư từ bị chặn lại ở vĩ tuyến 17. Thế mới thấy vai trò gắn kết đồng bào của những con tem, bưu thiếp mang giá trị lớn đến nhường nào.

Bộ sưu tập được bố cục chặt chẽ theo từng giai đoạn lịch sử của Tổ quốc từ năm 1940 đến nay, có lời dẫn, chú giải cho từng con tem, nội dung đa dạng như: Hoàng Sa - Trường Sa, những chiến công, nước mất chủ quyền, người dân nô lệ, giải phóng miền Nam, nhân dân thế giới... Qua những con tem có thể thấy hình ảnh Tổ quốc được các họa sỹ thể hiện đa dạng, cách điệu với những sáng tạo bất ngờ. Bộ sưu tập của ông Tỵ từng được trưng bày tại TP Hồ Chí Minh, Nghệ An và tại Bảo tàng Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Ngoài ra, ông Tỵ còn sở hữu các bộ sưu tập tem xoay quanh đề tài văn hóa dân gian và lịch sử dân tộc. Bộ tem đầu tay Kiến trúc truyền thống Việt Nam có nhiều phát hiện kiến trúc đặc sắc. Ông rất tâm đắc con tem vẽ hình lễ đài phục vụ lễ diễu binh đón Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ từ chiến khu Việt Bắc trở về Thủ đô ngày 1.1.1955. Con tem này được ông tình cờ tìm thấy ở Hàn Quốc trong một chuyến công tác, trên bì thư từ Việt Nam gửi sang. Nó bổ sung cho kiến trúc Việt Nam một khái niệm mới: kiến trúc lễ đài. Lấy cảm hứng từ bài Cây tre Việt Nam của nhà văn Thép Mới, ông Tỵ còn thực hiện bộ tem Cây tre và cuộc sống đoạt huy chương đồng trong một cuộc thi quốc tế tổ chức ở Trung Quốc...

Ông Tỵ tâm sự, ông làm việc này xuất phát từ lòng tự hào, tự tôn dân tộc, vì lòng yêu kính Chủ tịch Hồ Chí Minh và mong muốn giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước. Ở tuổi 73, hiện là Tổng biên tập Tạp chí Tem, ông cố vấn sản xuất tem, tham gia Hội Tem. Ông cũng đi khắp đất nước gặp gỡ các CLB tem thiếu nhi, hướng dẫn các cháu cách thức sưu tập, bố cục, viết lời bình, trình bày tem. Bằng thú chơi tao nhã này, ông Tỵ đang truyền lửa chơi tem, hướng giới trẻ đến những tình cảm trong sáng, cao đẹp.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Hình Tổ quốc và Bác Hồ trên tem
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO