Hình thức giải quyết tranh chấp liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam?

Xin hỏi, theo quy định của pháp luật, có các hình thức nào để giải quyết tranh chấp liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam? - Câu hỏi của bạn Thu Anh (Hà Nội).

Hình thức giải quyết tranh chấp liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam -0
Ảnh minh họa/ITN

Luật sư Vũ Tuấn, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội tư vấn như sau:

Hình thức giải quyết tranh chấp liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam

Theo khoản 1, Điều 14, Luật Đầu tư 2020 thì tranh chấp liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam được giải quyết thông qua thương lượng, hòa giải.

Trường hợp không thương lượng, hòa giải được thì tranh chấp được giải quyết tại Trọng tài hoặc Tòa án theo quy định tại các khoản 2, 3 và 4, Điều 14, Luật Đầu tư 2020 (mục 2).

Thẩm quyền giải quyết tranh chấp liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam

Thẩm quyền giải quyết tranh chấp liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam theo khoản 2, 3 và 4, Điều 14, Luật Đầu tư 2020 như sau:

(1) Tranh chấp giữa các nhà đầu tư trong nước, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài hoặc giữa nhà đầu tư trong nước, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài với cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam được giải quyết thông qua Trọng tài Việt Nam hoặc Tòa án Việt Nam, trừ trường hợp quy định tại (2) mục này.

(2) Tranh chấp giữa các nhà đầu tư trong đó có ít nhất một bên là nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế quy định tại các điểm a, b và c, khoản 1, Điều 23, Luật Đầu tư 2020 được giải quyết thông qua một trong những cơ quan, tổ chức sau đây:

- Tòa án Việt Nam;

- Trọng tài Việt Nam;

- Trọng tài nước ngoài;

- Trọng tài quốc tế;

- Trọng tài do các bên tranh chấp thỏa thuận thành lập.

Tổ chức kinh tế quy định tại các điểm a, b và c, khoản 1, Điều 23, Luật Đầu tư 2020 gồm:

+ Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh;

+ Có tổ chức kinh tế quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 23, Luật Đầu tư 2020 nắm giữ trên 50% vốn điều lệ;

+ Có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 23, Luật Đầu tư 2020 nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

(3) Tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài với cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam được giải quyết thông qua Trọng tài Việt Nam hoặc Tòa án Việt Nam, trừ trường hợp có thỏa thuận khác theo hợp đồng hoặc điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.

Quy định về bảo đảm hoạt động đầu tư kinh doanh

Quy định về bảo đảm hoạt động đầu tư kinh doanh theo Điều 11, Luật Đầu tư 2020 như sau:

- Nhà nước không bắt buộc nhà đầu tư phải thực hiện những yêu cầu sau đây:

+ Ưu tiên mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ trong nước hoặc phải mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ từ nhà sản xuất hoặc cung ứng dịch vụ trong nước;

+ Xuất khẩu hàng hóa hoặc dịch vụ đạt một tỷ lệ nhất định; hạn chế số lượng, giá trị, loại hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu hoặc sản xuất, cung ứng trong nước;

+ Nhập khẩu hàng hóa với số lượng và giá trị tương ứng với số lượng và giá trị hàng hóa xuất khẩu hoặc phải tự cân đối ngoại tệ từ nguồn xuất khẩu để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu;

+ Đạt được tỷ lệ nội địa hóa đối với hàng hóa sản xuất trong nước;

+ Đạt được một mức độ hoặc giá trị nhất định trong hoạt động nghiên cứu và phát triển ở trong nước;

+ Cung cấp hàng hóa, dịch vụ tại một địa điểm cụ thể ở trong nước hoặc nước ngoài;

+ Đặt trụ sở chính tại địa điểm theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Căn cứ điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu thu hút đầu tư trong từng thời kỳ, Thủ tướng Chính phủ quyết định áp dụng các hình thức bảo đảm của Nhà nước để thực hiện dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và những dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng quan trọng khác.

Giải đáp pháp luật