Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm

Hình thành thói quen tự lập cho trẻ

- Thứ Ba, 24/11/2020, 07:09 - Chia sẻ
Tại hội thảo tổng kết 5 năm triển khai thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2016 - 2020” sáng 23.11, nhiều ý kiến khẳng định, chuyên đề đã góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non; giúp trẻ sớm hình thành các kỹ năng cần thiết và quan trọng hơn cả là trẻ dần được hình thành thói quen tự lập trong một số tình huống cuộc sống...

Ngày 25.1.2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Kế hoạch số 56/KH-BGDĐT về triển khai chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2016 - 2020. Sau 5 năm triển khai, đến năm học 2019 - 2020, toàn quốc có 18.970/31.375 cơ sở giáo dục mầm non triển khai thực hiện chuyên đề. Trong đó, có 15.461/15.461 trường mầm non và 3.509/15.914 cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục triển khai thực hiện chuyên đề.

Nguồn: ITN

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh ghi nhận: Nhiều địa phương đã làm tốt công tác xây dựng, nhân rộng mô hình điểm để chỉ đạo, bồi dưỡng, sinh hoạt chuyên đề, chia sẻ kinh nghiệm triển khai thực hiện chuyên đề cho các cơ sở giáo dục mầm non trong quận, huyện, cụm... Chuyên đề đã góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non, làm thay đổi diện mạo các cơ sở giáo dục mầm non.

Cụ thể, nhà trường xanh, sạch, đẹp, thân thiện với trẻ. Mỗi ngôi trường được thiết kế khoa học để trẻ có nơi chơi, vận động, nơi trải nghiệm, góc thực hành để hình thành và phát triển toàn diện về thể chất, tình cảm và kỹ năng xã hội, kỹ năng giao tiếp và ngôn ngữ cũng như năng lực thẩm mỹ ở trẻ.

Những đổi mới trong tổ chức các hoạt động giáo dục lấy trẻ làm trung tâm thời gian qua đã giúp trẻ sớm hình thành các kỹ năng cần thiết như: kỹ năng tự phục vụ, tự bảo vệ (nhận biết các nguy hiểm xung quanh mình từ đó, biết ứng phó với những tình huống có thể xảy ra); kỹ năng giao tiếp xã hội như chào hỏi, cảm ơn, xin lỗi... Quan trọng hơn cả là trẻ dần được hình thành thói quen tự lập trong một số tình huống cuộc sống xung quanh. Những thói quen, kỹ năng trên giúp trẻ có hành trang cần thiết khi bước vào lớp 1, vượt qua giai đoạn khủng hoảng tâm lý một cách nhẹ nhàng.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện, các địa phương, các cơ sở giáo dục mầm non cũng gặp không ít khó khăn. Nhiều cơ sở giáo dục mầm non có diện tích, khuôn viên chật hẹp không đủ không gian tổ chức cho trẻ hoạt động và vui chơi. Một số nơi có cơ sở vật chất được xây dựng đã lâu, xuống cấp, diện tích sinh hoạt bình quân trên trẻ chưa bảo đảm. Nguồn kinh phí đầu tư cho giáo dục mầm non hạn chế, nên việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và quy hoạch các khu vui chơi, hoạt động cho trẻ ở một số cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu. Đặc biệt, nhận thức của đội ngũ giáo viên về xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm chưa được đầy đủ...

Vì vậy, để duy trì và giữ vững kết quả của việc thực hiện chuyên đề, trước hết cần có sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, sự phối hợp chặt chẽ của nhà trường và các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương. Khi triển khai, cần linh động, tùy vào diện tích, quy mô của từng cơ sở giáo dục mầm non mà các đơn vị tìm ra giải pháp hợp lý nhất. Điều này phụ thuộc vào sự sáng tạo, tìm tòi của người đứng đầu nhà trường. Trên hết, phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho trẻ. Dù mô hình có hay, hiệu quả và sáng tạo đến đâu, thì sự an toàn cho trẻ là điều quan trọng nhất.

Minh Vân