Kinh tế

Hình thành doanh nghiệp tư nhân lớn dẫn dắt chuỗi giá trị gia cầm

Hạnh Nhung 23/05/2025 07:05

Trong bối cảnh thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, việc xây dựng các doanh nghiệp tư nhân lớn dẫn dắt chuỗi giá trị gia cầm là yêu cầu cấp thiết. Cần có cơ chế, chính sách cụ thể nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp này phát huy vai trò liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ, nâng cao năng lực cạnh tranh, từ đó thúc đẩy phát triển bền vững toàn chuỗi.

img_9959.jpg
Hội nghị "Phát triển ngành gia cầm Việt Nam theo chuỗi giá trị bền vững". Ảnh: Hạnh Nhung

Năng suất thấp, giá thành cao

Tại Hội nghị "Phát triển ngành gia cầm Việt Nam theo chuỗi giá trị bền vững" ngày 22/5, Cục Chăn nuôi và Thú y, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, cho biết sau gần 40 năm Đổi Mới, ngành gia cầm đã có bước tiến mạnh mẽ về quy mô, sản lượng, giá trị và trình độ công nghệ. Tổng đàn gia cầm năm 2024 ước đạt 584,4 triệu con, tăng bình quân 3,3%/năm và là mức cao nhất trong vòng 5 năm qua. Sản lượng thịt gia cầm đạt khoảng 2,4 triệu tấn; sản lượng trứng vượt 2 tỷ quả.

Số liệu từ AgroMonitor cho thấy, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu khoảng 5,8 - 6,1 triệu con giống và 4,6 - 5,1 nghìn tấn thịt gia cầm. Ngành chăn nuôi gia cầm đang đứng trước những cơ hội thuận lợi như hệ thống thể chế ngày càng hoàn thiện, thị trường tiêu thụ tiềm năng, giá thức ăn chăn nuôi có xu hướng giảm.

Tuy vậy, ngành chăn nuôi gia cầm vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức. Cụ thể, giá trị sản xuất gia cầm có dấu hiệu sụt giảm, thậm chí bước vào giai đoạn khủng hoảng. Khủng hoảng không chỉ đến từ giá cả, thị trường mà còn ở mô hình sản xuất và niềm tin của doanh nghiệp trước một tương lai nhiều bất định.

Tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, liên kết yếu giữa các khâu trong chuỗi giá trị dẫn đến mất cân đối cung - cầu, giá thành cao. Đặc biệt, sản phẩm trong nước đang chịu sức ép lớn từ nhập khẩu. Tính đến cuối năm 2024, Việt Nam nhập khẩu khoảng 283.700 tấn thịt gia cầm, tăng 22% so với năm trước; số lượng gà giống bố mẹ nhập về đạt gần 3,08 triệu con. Dịch bệnh luôn tiềm ẩn rủi ro cao, trong khi biến đổi khí hậu và căng thẳng thương mại toàn cầu tiếp tục tạo sức ép lên ngành chăn nuôi.

Ngoài ra, ngành còn gặp trở ngại về mặt bằng sản xuất: quỹ đất thu hẹp, chi phí giải phóng mặt bằng tăng cao, khiến đầu tư mới gặp khó khăn. Đáng chú ý là sự chênh lệch về năng lực giữa các chủ thể trong chuỗi sản xuất, từ nông hộ đến doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Chuyển từ tư duy sản xuất sang phát triển kinh tế gia cầm

Theo định hướng Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045, ngành đặt mục tiêu duy trì tổng đàn gia cầm thường xuyên ở mức 550 triệu con vào năm 2030, trong đó 60% được nuôi theo phương thức công nghiệp. Đàn thủy cầm duy trì ở mức 120 triệu con, 40% nuôi công nghiệp. Mục tiêu sản lượng trứng đạt khoảng 23 tỷ quả; thịt gia cầm chiếm 29 - 31% tổng sản lượng thịt xẻ cả nước; tỷ lệ giết mổ công nghiệp đạt 50%; sản phẩm xuất khẩu chiếm 20 - 25%.

Gợi ý “lối ra” cho ngành, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Việt Nam, nhấn mạnh: ngành gia cầm cần thay đổi mô hình tăng trưởng, chuyển từ tư duy sản xuất sang phát triển kinh tế gia cầm, từ tăng sản lượng sang tăng giá trị. Giá trị gia tăng cần trở thành thước đo chính của sự phát triển bền vững. Hiệp hội cũng đề xuất tháo gỡ các rào cản thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý văn bản, giảm chi phí và lệ phí trong lĩnh vực chăn nuôi; xây dựng hàng rào kỹ thuật với sản phẩm nhập khẩu nhằm bảo vệ sản xuất nội địa.

PGS.TS. Nguyễn Thị Bình, Trường Đại học Ngoại thương, cho rằng cần xây dựng các doanh nghiệp tư nhân lớn dẫn dắt chuỗi giá trị gia cầm, nhằm điều phối sản xuất, nâng cao chất lượng và mở rộng thị trường. Để làm được điều đó, cơ quan nhà nước cần thiết kế cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tàu như ưu tiên tín dụng, quỹ đất và xúc tiến thương mại. Cùng với đó là các chính sách ưu đãi có điều kiện đối với doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết 4 nhà (Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà nông - Doanh nghiệp), cũng như hoàn thiện khung pháp lý về hợp đồng liên kết và cơ chế chia sẻ rủi ro. Hiệp hội cần tăng cường vai trò đại diện tiếng nói của ngành hàng, thiết lập tiêu chuẩn đầu ra, hệ thống chứng nhận sản phẩm, tem nhãn, truy xuất nguồn gốc...

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, ngành chăn nuôi gia cầm cần bám sát tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân. Thứ trưởng yêu cầu ngành cần đẩy mạnh chăn nuôi công nghệ cao tại các trang trại, doanh nghiệp lớn để nâng cao năng suất và chất lượng. Đồng thời, khuyến khích các hộ chăn nuôi truyền thống chuyển dần sang mô hình chuyên nghiệp, hữu cơ, thân thiện với môi trường và đảm bảo phúc lợi động vật, từ đó nâng cao giá trị gia tăng.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Hình thành doanh nghiệp tư nhân lớn dẫn dắt chuỗi giá trị gia cầm
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO