Đáp ứng yêu cầu thực tiễn và kỳ vọng của cử tri
Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Nghệ An Lô Thị Kim Ngân cho biết: Kết quả kỳ họp tiếp tục khẳng định nỗ lực, quyết tâm cao của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong công tác chuẩn bị, tổ chức kỳ họp. Các ĐBQH đã nêu cao tinh thần dân chủ, trí tuệ đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết vào các nội dung của kỳ họp. Nhiều vấn đề “nóng” của đời sống kinh tế - xã hội đã được các đại biểu mang đến diễn đàn Quốc hội.
"Các ĐBQH đã phát huy trí tuệ, tinh thần trách nhiệm cao, thẳng thắn phân tích, chỉ ra những hệ lụy, tác động không mong muốn có thể có của những chính sách được đề xuất sửa đổi… Đoàn Chủ tịch điều hành các phiên họp rất linh hoạt, khoa học, hiệu quả, tạo được không khí cởi mở, dân chủ”, bà Lô Thị Kim Ngân đánh giá.
Bày tỏ đặc biệt ấn tượng với các phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Nghệ An nhấn mạnh: Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp, đáp ứng sự mong đợi, kỳ vọng của các ĐBQH và đông đảo cử tri, Nhân dân. Nội dung chất vấn tập trung vào những vấn đề những “nóng” là tâm điểm chú ý của dư luận, vừa có tính thời sự, cấp bách trước mắt, vừa mang tính chiến lược lâu dài.
Tại các phiên chất vấn, các ĐBQH nêu câu hỏi ngắn gọn, cụ thể, đúng và trúng những vấn đề của thực tiễn đời sống; tranh luận thẳng thắn, mang tính xây dựng cao. Các “tư lệnh” ngành đã thể hiện được bản lĩnh, nắm chắc thực trạng của ngành, lĩnh vực mình với tinh thần thẳng thắn, cầu thị. Sau mỗi lượt trả lời chất vấn, Chủ tọa nêu rõ những nội dung “tư lệnh” ngành chưa trả lời đại biểu, hoặc gợi mở thêm một số vấn đề để các Bộ trưởng bổ sung… Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc chất vấn và trả lời chất vấn, qua đó, yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các vị Bộ trưởng, trưởng ngành thực hiện quyết liệt những cam kết cụ thể, cả về những việc phải làm và thời hạn hoàn thành để tạo chuyển biến thực sự rõ nét trên thực tiễn.
“Sau những ngày làm việc tập trung, nghiêm túc, trách nhiệm, Quốc hội đã thông qua nhiều nghị quyết, luật quan trọng… Thông qua đó, hình ảnh Quốc hội không ngừng đổi mới, nỗ lực đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển của đất nước và kỳ vọng của cử tri, Nhân dân càng được thể hiện rõ nét”, bà Lô Thị Kim Ngân nhấn mạnh.
Có hướng dẫn cụ thể để chính sách sớm được triển khai
Dưới góc độ cơ quan dân cử địa phương, bà Lô Thị Kim Ngân cũng bày tỏ đồng tình với ý kiến của nhiều ĐBQH đề nghị cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu để đơn giản hoá thủ tục hành chính về đất đai; đặc biệt, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Ban soạn thảo các đạo luật có liên quan, như Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Nhà ở để hạn chế các vướng mắc, bảo đảm có sự kết nối chặt chẽ giữa thủ tục hành chính về đất đai với các thủ tục hành chính khác và quan trọng là cần giao Chính phủ bảo đảm việc áp dụng một cách thống nhất trên cả nước...
Đồng thời, cần nghiên cứu, bổ sung quy định về cơ chế chia sẻ lợi ích giữa nhà đầu tư với người dân trong các dự án có tác động lớn đến môi trường sống của người dân nhằm tạo điều kiện cho việc phục hồi và phát triển sinh kế lâu dài... “Đặc biệt, đối với những khó khăn, vướng mắc hiện nay như việc quy định định mức đường giao thông nhựa hóa, cứng hóa; các dự án thành phần: Trồng cây dược liệu, giao rừng gắn với giao đất nông nghiệp; các dự án 1, 3, 4, 5, 7, 8, 9, 10 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2022, đề nghị Bộ, ngành Trung ương có hướng dẫn cụ thể để chính sách sớm được triển khai thực hiện”, bà Lô Thị Kim Ngân nhấn mạnh.
Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Nghệ An cũng bày tỏ tán thành với kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan cần tiếp tục rà soát các quy định hiện hành, xác định những vướng mắc, bất cập; kịp thời bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện hành lang pháp lý về bảo hiểm y tế, để thống nhất thực hiện trong cả nước. Cùng với đó, khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo, của Thủ tướng Chính phủ là giao Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan đề xuất giải pháp cụ thể, sớm giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong thực hiện chính sách tại các địa phương, nay không còn là các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi… Trước mắt, cần có giải pháp hỗ trợ, đóng bảo hiểm y tế cho 3,1 triệu người, trong đó, đặc biệt quan tâm đến 2,1 triệu người là đồng bào vùng DTTS ngay trong năm 2023 đang tới gần.
Cùng với đó, cần phải dự báo đúng tình hình những biến động trên thế giới như về tăng lãi suất, xuất nhập khẩu để có những chỉ đạo, ứng phó kịp thời. Đồng thời, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương cần theo sát doanh nghiệp, khó chỗ nào gỡ ngay chỗ đó, không để điểm nghẽn tồn tại quá lâu dẫn đến khó khăn chồng chất khó khăn. Ví dụ như giải ngân đầu tư xây dựng cơ bản hay giải ngân thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, nếu giải ngân chậm sẽ vừa ảnh hưởng đến phát triển kinh tế vừa làm lãng phí chi phí cơ hội của đồng vốn ngân sách…
“Những ý kiến góp ý của các ĐBQH có ý nghĩa với Quốc hội và Chính phủ trong xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tốt hơn; đồng thời, giúp Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong chỉ đạo điều hành, triển khai thực hiện nhiệm vụ sát thực tế và hiệu quả hơn…”, bà Ngân chia sẻ.