Hình ảnh con trâu và ký ức tuổi thơ

- Thứ Bảy, 20/02/2021, 07:15 - Chia sẻ
Cả tuổi thơ gắn với vùng thôn quê nơi sơ tán, những buổi chiều cưỡi trâu cùng các bạn tắm ở ao làng, đó là ký ức mà họa sĩ Công Quốc Hà không bao giờ quên, cũng là nguồn cảm hứng để ông sáng tác bộ tranh cắt giấy về con vật gần gũi này nhân dịp năm Tân Sửu 2021.
		"Nghệ sĩ xiếc nhí", tranh cắt giấy của Công Quốc Hà
"Nghệ sĩ xiếc nhí", tranh cắt giấy của Công Quốc Hà

“Năm 1965, Mỹ ném bom miền Bắc, tất cả người già, trẻ con ở Hà Nội theo lệnh đi sơ tán về các vùng nông thôn. Tôi và em gái được gửi về quê nội ở làng Phú Gia, xã Phú Thượng, Từ Liêm, Hà Nội. Hàng ngày, cứ tan học là chúng tôi chạy thật lực về, quẳng cặp sách, mũ rơm vào góc nhà rồi phi ra đồng cùng lũ trẻ trong xóm bắt cá trê, đào hang bắt chuột đồng… Chiều về bọn chúng cho tôi cưỡi trâu tắm ở ao làng. Tắm xong lên bờ nướng cá ăn với ổi xanh hái trộm ở vườn cụ Phó Cối, sướng lắm” - họa sĩ Công Quốc Hà nhớ lại.

Mặc dù đã hơn 50 năm trôi qua, và họa sĩ Công Quốc Hà cũng xa Việt Nam từ lâu, nhưng ký ức tuổi thơ gắn với con trâu ấy vẫn sống động, trở thành nguồn cảm hứng cho những bức tranh đầy màu sắc. Cũng vì thế, trong các tác phẩm mới nhất của ông, “hình ảnh con trâu được tạo hình với cách nhìn trong trẻo, hiền hậu của trẻ thơ”.

	"Lễ hội chọi trâu", tranh cắt giấy của Công Quốc Hà
"Lễ hội chọi trâu", tranh cắt giấy của Công Quốc Hà

Nếu tác phẩm “Ký ức tuổi thơ” gắn với những buổi chiều cưỡi trâu tắm ao làng, thì “Nghệ sĩ xiếc nhí” xuất phát từ hình ảnh Bình “bẹt” trồng cây chuối trên lưng trâu mấy chục năm trước. "Một hôm, Bình ‘bẹt’ cùng mấy đứa dắt trâu ra bờ đê, nó cao hứng trồng cây chuối trên lưng trâu, ngã lăn chiêng xuống đất, may mà không sao. Cả bọn cười đau cả bụng. Hóa ra hôm trước xem chiếu bóng ở sân đình, có anh diễn viên nhào lộn trên lưng ngựa, nên nó bắt chước”. Hay “Đôi bạn” tái hiện hình ảnh “cô trâu trắng duy nhất trong làng thời đó mà chúng tôi tranh nhau để được ngồi lên nó mỗi đứa một đoạn”…

		"Mừng Xuân Tân Sửu", bìa số Tết tạp chí Văn Việt, tranh cắt giấy của Công Quốc Hà
"Mừng Xuân Tân Sửu", bìa số Tết tạp chí Văn Việt, tranh cắt giấy của Công Quốc Hà

Những bức tranh trâu không chỉ được tạo nên từ ký ức mà còn được họa sĩ lấy cảm hứng từ lễ hội dân gian, trong đó không thể thiếu hội chọi trâu Đồ Sơn. Chúng cũng không chỉ thỏa mãn nhu cầu tái hiện ký ức xa xưa mà còn gửi gắm những mong ước của họa sĩ. Bìa số Tết Tân Sửu 2021 của tạp chí Việt Nam hội nhập là hình ảnh em bé đứng trên lưng trâu cầm con diều hình chim bồ câu, cánh có 5 màu tượng trưng cho 5 châu lục, thể hiện Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước.

		"Đôi bạn", tranh cắt giấy của Công Quốc Hà
"Đôi bạn", tranh cắt giấy của Công Quốc Hà

Sau năm 2020 cả thế giới phải chống chọi với Covid-19 và tình hình dịch bệnh hiện vẫn diễn biến phức tạp, thì tác phẩm “Bình yên” với hình ảnh hai chú chim đậu trên lưng con trâu đang nằm nghỉ ngơi gửi đi thông điệp cầu mong bình an đến với mọi nhà, mọi quốc gia trong năm Tân Sửu này. “Con trâu biểu hiện cho sự mạnh mẽ, kiên định, cần cù và tích cực; cũng gợi lên sự thanh bình, nên thơ của làng quê Việt. Đó chính là những điều tôi cầu chúc cho mọi người” - họa sĩ Công Quốc Hà chia sẻ.

Họa sĩ Công Quốc Hà sinh năm 1955 tại Hà Nội, hiện sinh sống tại Thụy Điển. Ông nổi tiếng với tranh sơn mài, nhất là các tác phẩm về thiếu nữ Hà Nội trong tà áo dài. Gần đây ông chuyển sang sáng tạo với tranh cắt giấy và cũng gây ấn tượng, được đánh giá là “bay bổng”, “đầy chất thơ”. Bộ tranh về hình tượng con trâu năm Tân Sửu 2021 của họa sĩ Công Quốc Hà gồm 7 bức, có bức được họa sĩ làm theo đặt hàng, có bức là quà tặng sinh nhật bạn, nhưng chủ yếu tái hiện ký ức tuổi thơ của ông…

 

Công Minh