Hiệu quả và thực chất

- Thứ Bảy, 17/10/2020, 07:21 - Chia sẻ
Với chức năng, nhiệm vụ tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) - hai trụ cột an sinh quan trọng của đất nước, trong thời gian tới, để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao và các phong trào thi đua yêu nước ngày càng đi vào thực chất, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng, BHXH Việt Nam đã thông qua phương hướng, nhiệm vụ công tác thi đua, khen thưởng giai đoạn 2021 - 2025 với 8 nội dung chủ yếu và 4 giải pháp.

Cụ thể, tiếp tục tuyên truyền, đổi mới công tác thi đua, khen thưởng theo tinh thần Chỉ thị số 34-CT/TW, Chỉ thị số 18/CT-TTg. Tổ chức thực hiện tốt các quy định của Nhà nước, của ngành về công tác thi đua, khen thưởng; các quy định của Nghị quyết số 21-NQ/TW, Nghị quyết số 28-NQ/TW, Luật BHXH, Luật BHYT...  liên quan đến công tác tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT.

Chỉ đạo các đơn vị toàn ngành tiếp tục thực hiện tốt các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động và các phong trào thi đua giai đoạn đến năm 2020 do Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đã phát động. Gắn phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ chính trị của Ngành với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các khối, cụm thi đua; các đơn vị thi đua trong ngành BHXH.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng trao tặng Cờ thi đua của Chính phủ cho các tập thể xuất sắc tại Đại hội Thi đua yêu nước ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam lần thứ V

Bám sát kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm được Đảng và Nhà nước giao để phát động các phong trào thi đua, các đợt thi đua chuyên đề với nội dung thi đua cụ thể, sát với nhiệm vụ chính trị.

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong việc thực hiện cải cách TTHC có liên quan đến quy trình, thủ tục, hồ sơ khen thưởng; ứng dụng CNTT trong công tác lưu trữ hồ sơ khen thưởng, tăng cường tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ công tác thi đua, khen thưởng.

Thực hiện chấm điểm, đánh giá, xếp loại thi đua theo đúng quy định bảo đảm khách quan, công bằng và hiệu quả; tham mưu xây dựng hoàn thiện quy chế xét công nhận sáng kiến, quy chế xét tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp BHXH và quy chế thi đua, khen thưởng của BHXH Việt Nam; xây dựng cơ chế đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ đối với tập thể, cá nhân thông qua Bộ chỉ số thiết thực, gắn với phân phối tiền lương, thu nhập.

Giai đoạn 2015 - 2020, toàn Ngành đã có 706 tập thể được tặng Cờ Thi đua của BHXH Việt Nam; 133 cá nhân được tặng danh hiệu Chiến sĩ Thi đua ngành BHXH; 9.031 tập thể, cá nhân được tặng Bằng khen và hơn 900 tập thể, cá nhân được tặng Giấy khen của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam... Ngoài ra, còn có 1.521 cá nhân được tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp BHXH...

Ở cấp nhà nước, ngành BHXH có 1 cá nhân được tặng Huân chương Độc lập; 119 tập thể, cá nhân được tặng Huân chương Lao động; 17 cá nhân được tặng Huân chương Chiến công; 288 tập thể, cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 54 tập thể được tặng Cờ Thi đua của Chính phủ; 5 cá nhân được tặng danh hiệu Chiến sĩ Thi đua toàn quốc.

Nâng cao chất lượng khen thưởng, bảo đảm khen thưởng kịp thời, khách quan, chính xác theo quy định của pháp luật. Chú trọng khen thưởng các cá nhân là người trực tiếp lao động và có nhiều sáng tạo trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá, rút kinh nghiệm trong việc tổ chức triển khai thực hiện các phong trào thi đua; kịp thời phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến làm hạt nhân, nòng cốt trong các phong trào.

Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ công chức, viên chức, người lao động làm công tác thi đua, khen thưởng.

Để thực hiện 8 nội dung này, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng BHXH Việt Nam cũng lưu ý 4 giải pháp cần triển khai thực hiện. 

Thứ nhất, Đảng ủy, chính quyền và các tổ chức, đoàn thể có sự phối hợp đồng bộ trong việc phát động và tổ chức triển khai thực hiện các phong trào thi đua đạt chất lượng, hiệu quả. Gắn công tác thi đua, khen thưởng với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và lấy kết quả hoàn thành nhiệm vụ làm thước đo đánh giá thực hiện phong trào thi đua, năng lực, chất lượng cán bộ, đảng viên, làm cơ sở để xét khen thưởng và thực hiện chính sách cán bộ.

Thứ hai, cần khuyến khích các tập thể, cá nhân phát huy sáng tạo, đề xuất, tham mưu cho lãnh đạo về ứng dụng các cải tiến, sáng kiến đem lại hiệu quả thiết thực trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ; thực hiện công tác thi đua, khen thưởng gắn với kết quả đánh giá công chức, viên chức.

Thứ ba, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng đơn vị và cá nhân cán bộ được giao nhiệm vụ phụ trách công tác thi đua, khen thưởng để thực hiện tốt công tác tham mưu cho lãnh đạo đơn vị trong công tác này, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của đơn vị từng năm, từng thời kỳ.

Thứ tư, thực hiện tốt công tác theo dõi, đánh giá kết quả tham gia và thực hiện các phong trào thi đua yêu nước đối với các tập thể, cá nhân, gương người tốt - việc tốt; phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng các gương điển hình tiên tiến trong đơn vị để xem xét biểu dương, khen thưởng kịp thời.

Dương Cầm