Hiệu quả từ các trung tâm học tập cộng đồng
Là tỉnh được chọn thí điểm xây dựng mô hình trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) đầu tiên trên cả nước, chỉ sau 4 năm tất cả xã, phường, thị trấn của Thái Bình đã thành lập TTHTCĐ. Từ đó đến nay, các TTHTCĐ Thái Bình đã khẳng định được vai trò, vị trí của mình đối với sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương, góp phần hoàn thành mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Xã hội hóa, huy động nguồn lực
Đại diện tỉnh Thái Bình cho biết, trung tâm học tập cộng đồng, thông qua các hình thức học tập khác nhau đã tạo cơ hội lớn cho người dân được tham gia học tập, học thường xuyên, học suốt đời nhằm nâng cao hiểu biết về chính trị, xã hội, văn hóa, kinh tế, sức khỏe, môi trường… thậm chí cả kỹ năng chi tiêu trong gia đình. Từ đó, người dân có thể nhanh chóng cải thiện cuộc sống trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, góp phần tích cực xây dựng xã hội học tập.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của TTHTCĐ, góp phần hoàn thành các mục tiêu xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2020, một trong những giải pháp được Thái Bình chú trọng là làm tốt công tác xã hội hóa, huy động nguồn lực để tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động của TTHTCĐ. Nhờ đó, 100% TTHTCĐ của tỉnh được sử dụng trụ sở làm việc, trang bị phương tiện làm việc như bàn ghế, máy chiếu, máy vi tính tủ hồ sơ của UBND xã… có phòng làm việc riêng, có máy tính kết nối internet.

Ngoài kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước 30 triệu đồng/năm, các TTHTCĐ còn huy động từ nhiều nguồn lực hợp pháp khác, như học phí của người học, dự án, đề án, chương trình, doanh nghiệp, nhà hảo tâm... mỗi năm từ hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng hỗ trợ cho tổ chức hoạt động. Từ năm 2016 đến nay, từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, 100% trung tâm được xây dựng nhà văn hóa thôn, trang bị đầy đủ phương tiện, tạo điều kiện học tập cho người dân.
Chuyên đề học tập đa dạng, phong phú
Các trung tâm đổi mới phương pháp điều tra nhu cầu học tập của cán bộ, nhân dân bằng nhiều hình thức như: Thu thập thông tin trực tiếp, thông qua phiếu hỏi, lấy ý kiến từ các ban, ngành... Mẫu phiếu điều tra được các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cử cán bộ, giáo viên phụ trách phong trào hỗ trợ thiết kế theo hướng mở. Có chuyên đề thực hiện theo nhiệm vụ chính trị của địa phương, có chuyên đề theo nhu cầu của cá nhân hoặc nhóm người (câu lạc bộ). Cán bộ điều tra được tập huấn hướng dẫn thực hiện mẫu điều tra, phải nắm rõ nhu cầu lao động của các công ty, xí nghiệp trong địa bàn để tư vấn cho người được điều tra, tổng hợp, sắp xếp thứ tự ưu tiên các nhu cầu học tập, tham mưu mời giảng viên, mời học viên, tổ chức lớp học...
Cách thức tổ chức các chuyên đề học tập không theo khuân mẫu nhất định mà là đa dạng phong phú, giảng viên đôi khi là người có trình độ chuyên môn cao, các nhà khoa học, nhưng đôi khi chỉ là nông dân có kinh nghiệm; người học không cần sách vở nhiều mà “cầm tay chỉ việc” thực hành ngay tại cánh đồng, có thể là tại một chuồng trại, có thể là tại các gia đình... Một số trung tâm còn hướng dẫn người dân cách tự học, tự tìm hiểu, tra cứu qua sách, tài liệu tại tủ sách TTHTCĐ, qua internet...
Một số địa phương còn, tổ chức hội thảo cấp tỉnh về “thực trạng và giải pháp củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của các TTHTCĐ”, đi sâu các vấn đề: Tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động, chương trình, nội dung, phương thức học, điều kiện bảo đảm... nhằm tạo môi trường, điều kiện để mọi người được học tập. Từ kinh nghiệm trong nhiều năm và kết quả thí điểm mô hình, Thái Bình đã xây dựng bộ tiêu chí đánh giá công nhận danh hiệu “gia đình, dòng họ, cộng đồng học tập” sát với thực tiễn tình hình của địa phương và tiếp tục triển khai kiểm tra, đánh giá, công nhận danh hiệu cho đơn vị và cá nhân học tập.
Qua triển khai áp dụng các giải pháp quản lý trên, các TTHTCĐ trên địa bàn Thái Bình ngày càng ổn định, phát triển bền vững góp phần tích cực xây dựng xã hội học tập, đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh và sớm đưa tỉnh thành tỉnh nông thôn mới.