Doanh nghiệp và Nhà nước cùng làm
Từ cuối năm 2018, cùng với việc thực hiện Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, Đồng Nai đã ban hành Nghị quyết số 143/2018/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhằm đẩy mạnh các chuỗi liên kết sản xuất trong nông nghiệp. Theo đó, tỉnh Đồng Nai đặt ưu tiên hàng đầu trong việc tạo chuỗi liên kết trong sản xuất, sơ chế và chế biến sâu. Đây là biện pháp đường dài của tỉnh nhằm thích ứng với nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và thị trường quốc tế.
Kết quả, Đồng Nai đã có 22 dự án liên kết với sự tham gia của 16 doanh nghiệp, 20 hợp tác xã (HTX), 921 trang trại và hộ nông dân. Thực tế, nhiều mô hình liên kết về chăn nuôi, trồng trọt đã mang lại hiệu quả cao. Với hơn 400 chuỗi liên kết sản xuất trong nông, lâm, thủy sản và chăn nuôi, Đồng Nai đang là địa phương đi đầu trong việc hình thành chuỗi liên kết sản xuất. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025, có khoảng 50% sản lượng nông sản nằm trong các chuỗi liên kết sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai đánh giá, liên kết mang lại nhiều lợi ích, tuy nhiên vẫn còn gặp không ít những thách thức, một số hợp tác xã trên địa bàn chưa làm tốt công tác tổ chức sản xuất. Vì vậy, ngành nông nghiệp sẽ tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu rõ liên kết mang lại nhiều lợi ích, là hướng đi chủ đạo trong nông nghiệp; chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp qua kinh tế nông nghiệp. Từ đó tạo được giá trị gia tăng cũng như đa giá trị trong sản xuất nông nghiệp.
Doanh nghiệp đi đầu, nông dân liên kết
Trước đây, Đồng Nai là vùng trồng ca cao lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, vì giá bấp bênh nên cách đây hơn 10 năm người dân trong tỉnh ồ ạt chặt bỏ loại cây này. Sau đó, ngành chức năng Đồng Nai đề ra chủ trương liên kết giữa nhà nước, doanh nghiệp và nông dân để xây dựng cánh đồng lớn trên cây ca cao. Từ đây, cây ca cao phục hồi mạnh mẽ, đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được cánh đồng lớn trên cây ca cao với diện tích hơn 800ha. Năm 2023, ca cao của người dân được doanh nghiệp thu mua với giá gần 6.000 đồng/kg, cao hơn thị trường khoảng 1.000 đồng/kg. Trung bình mỗi ha ca cao người trồng thu lãi trên 150 triệu đồng/năm. Khi liên kết, doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ ca cao cho nông dân với giá cao hơn giá thị trường; đưa ra các quy định đối với việc chăm sóc, thu hoạch ca cao. Điều này giúp nâng cao năng suất cây trồng, chất lượng trái luôn bảo đảm.
Những năm qua, nhờ liên kết với nông dân 6 huyện của Đồng Nai và 2 huyện thuộc tỉnh Bình Thuận (thông qua các tổ hợp tác, hợp tác xã) mà Công ty Ca cao Trọng Đức (huyện Định Quán) có được nguồn nguyên liệu ổn định; kiểm soát được chất lượng ca cao, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Do liên kết mang lại hiệu quả nên doanh nghiệp đang lên phương án hợp tác với người dân khu vực Tây Nguyên và Duyên Hải Miền Trung để mở rộng vùng nguyên liệu.
Ông Trần Quang Hiệp (xã Xuân Quế, huyện Cẩm Mỹ) là một nông dân có kinh nghiệm hơn 20 năm trồng sầu riêng. Trước đây, ông Hiệp gặp nhiều khó khăn trong việc chăm sóc, tiêu thụ loại trái cây này. Năm 2020, với sự hỗ trợ của nhà nước, ông Hiệp cùng người dân trong vùng thành lập Tổ hợp tác sầu riêng xã Xuân Quế với 50 thành viên, diện tích hơn 60ha. Từ đây, các thành viên trong tổ hợp tác được chuyển giao kỹ thuật về nông nghiệp, hỗ trợ lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm, quy trình sản xuất an toàn; người dân chuyển qua sản xuất sầu riêng hữu cơ, đạt tiêu chuẩn sạch; đồng thời ký kết hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp.
Ông Trần Quang Hiệp chia sẻ, Tổ hợp tác sầu riêng xã Xuân Quế ký hợp đồng tiêu thụ với Công ty Toàn Thắng (huyện Cẩm Mỹ), doanh nghiệp bao tiêu cả vườn, thu mua toàn bộ trái với giá hợp lý. Đây là cái lợi rất lớn, giúp người dân tiêu thụ hết lượng trái trong vườn. Khi thành lập tổ hợp tác, người dân được tham gia lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc sầu riêng do nhà nước tổ chức. Nhờ chăm sóc đúng cách, sử dụng phân hữu cơ nên cây sầu riêng bền, chống chịu sâu bệnh tốt hơn, chất lượng quả được bảo đảm.
Thực tế trên địa bàn tỉnh Đồng Nai cho thấy, chuỗi liên kết đã giúp các HTX và doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí sản xuất, từ đó sản phẩm có giá thành cạnh tranh so với các sản phẩm cùng loại. Chuỗi liên kết cũng giúp doanh nghiệp đa dạng sản phẩm cũng như đa dạng hóa nguồn lực trong phát triển kinh tế nông nghiệp.