Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã

"Hiệu quả mang lại rất lớn"

- Thứ Sáu, 11/09/2020, 06:59 - Chia sẻ
Sau gần 2 năm triển khai việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, và cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 theo Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021, đến nay cả nước giảm 6 đơn vị hành chính cấp huyện, và 546 đơn vị hành chính cấp xã.

Đã sắp xếp hơn 1.000 đơn vị hành chính

Kết quả báo cáo của Bộ Nội vụ cho thấy, sau gần 2 năm thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, đến nay, 43 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được UBTVQH xem xét, ban hành các nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Số lượng các đơn vị hành chính cấp huyện đã thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2019 - 2021 là 18 đơn vị, theo đó, đã giảm 6 đơn vị hành chính cấp huyện, còn 10 đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện phải sắp xếp, nhưng các địa phương đề nghị chưa tiến hành sắp xếp trong đợt này. Đối với cấp xã, đã tiến hành sắp xếp được 1.027 đơn vị hành chính, theo đó, đã giảm 546 đơn vị hành chính cấp xã.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho rằng, có được kết quả này là nhờ được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp có hiệu quả của các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương. Hiệu quả mang lại từ việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 là rất lớn, đã mở rộng không gian để quy hoạch, tập trung được các nguồn lực về đất đai, dân số, phát huy có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của các địa phương.

Đơn cử tại tỉnh Thanh Hóa - địa phương dẫn đầu cả nước về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, sau sắp xếp, toàn tỉnh đã giảm được 12% số đơn vị hành chính cấp xã và 26% số thôn, tổ dân phố; giảm gần 2.500 cán bộ công chức cấp xã và khoảng 25.600 người hoạt động bán chuyên trách, mỗi năm ngân sách tiết kiệm hơn 463 tỷ đồng. Qua đó góp phần tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền cơ sở; tạo nguồn lực cải cách tiền lương, nâng cao phụ cấp cho người hoạt động bán chuyên trách - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đức Quyền cho biết.

Tương tự tại tỉnh Quảng Ninh, thời gian qua, bám sát các chỉ đạo của Trung ương và căn cứ tình hình thực tế địa phương, Quảng Ninh đã chủ động thực hiện sáp nhập huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long, đồng thời, sắp xếp 100% đơn vị hành chính cấp xã không đủ tiêu chí dân số, diện tích theo quy định.  Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy cho biết, việc sắp xếp được thực hiện đồng bộ, bài bản, thận trọng, đúng trình tự, thủ tục, được nhân dân đồng thuận, đánh giá cao. Sau sáp nhập, tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng lên; giải quyết kịp thời, thỏa đáng đối với số cán bộ, công chức dôi dư.

Không gây phiền hà, phát sinh thủ tục

Mặc dù, đạt nhiều kết quả trong thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện cấp xã theo Nghị quyết của UBTVQH, tuy vậy theo báo cáo của Bộ Nội vụ, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc. Các vướng mắc này khá đa dạng từ việc sắp xếp, bố trí và giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức dôi dư khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã gắn với công tác nhân sự Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025; đến sau sắp xếp địa bàn rộng, việc đi lại của cán bộ, người dân khó khăn hơn trong việc đi làm thủ tục hành chính...

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã dự kiến giảm chi ngân sách nhà nước do giảm chi tiền lương, phụ cấp và chi hoạt động trong 5 năm tới khoảng 1.431 tỷ đồng.

Đơn cử tại Lào Cai, một trong những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh là vấn đề quy mô diện tích, dân số tăng rất nhiều, như xã Quan Hồ Thẩn của huyện Si Ma Cai, xã Võ Lao của huyện Văn Bàn… Những xã sau sáp nhập địa bàn rộng, chia cắt, giao thông đi lại rất khó khăn. Số lượng cán bộ, công chức dôi dư nhiều, bước đầu gặp khó khăn nhất định trong việc ổn định tổ chức, sắp xếp và bố trí công việc.

Tương tự tại tỉnh Cao Bằng, thực hiện đề án sắp xếp các đơn vị hành chính, xã Cần Yên sáp nhập với xã Vị Quang thành xã Cần Yên thuộc huyện Hà Quảng. Đến nay bộ máy hành chính của xã đã đi vào hoạt động tương đối ổn định, nhưng do sau sắp xếp địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn nên đã ảnh hưởng đến hoạt động quản lý hành chính của xã cũng như nhân dân trên địa bàn...

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân lưu ý, trước mắt các địa phương cần ổn định bộ máy sau sắp xếp, chú trọng việc sắp xếp, bố trí biên chế, vị trí việc làm cho cán bộ, công chức, giải quyết chế độ, chính sách đối với những người dôi dư sau khi thực hiện tinh giản. Việc chuyển đổi các loại giấy tờ cho tổ chức, cá nhân khi thay đổi địa giới, đơn vị hành chính cần tạo thuận lợi, không gây phiền hà, phát sinh thủ tục hành chính.

Bảo Hân