Hiểu đúng về cắt giảm chi tiêu công

Lê Bình 05/05/2011 07:38

Cắt giảm chi tiêu công đã được xác định là giải pháp quan trọng để thực hiện Nghị quyết số 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Nhưng giảm chi tiêu không chỉ là phép trừ đơn thuần, quan trọng nhất vẫn phải bảo đảm sự lan tỏa đến nền kinh tế và chăm lo tốt cho cuộc sống của người dân.

Hiểu đúng về cắt giảm chi tiêu công ảnh 1
Nguồn: sucsongmoi.net

Việc triển khai Nghị quyết số 11 của Chính phủ đã có một số kết quả tốt như đưa giá vàng trong nước xuống dưới giá quốc tế, từ đó ngăn chặn việc cư dân gom góp đô la để nhập vàng lậu từ biên giới; các giải pháp ổn định tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước làm tăng giá trị tiền đồng. Tuy nhiên, các giải pháp này chỉ có tác dụng trong ngắn hạn. Bởi nếu giá trị tiền đồng tăng thì sẽ kích thích nhập khẩu hàng hóa để hưởng lợi từ diễn biến mới của thị trường tiền tệ. Nếu giá vàng trong nước thấp hơn giá vàng quốc tế sẽ khuyến khích xuất lậu vàng và tiền đó tiếp tục được dùng để nhập khẩu hàng hóa. Và kết quả này chỉ đáp ứng một phần mục tiêu lớn hơn của Nghị quyết 11 là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Bởi cơ quan có trách nhiệm hiện chưa kiểm soát được tình trạng đầu cơ trục lợi trong phân phối hàng hóa. Điều này khiến trong khi nguồn cung trong nước phong phú, nhưng giá bán lẻ tăng theo diễn biến thế giới, gây tâm lý lo lắng cho người dân. Ngoài ra, diễn biến của thị trường thế giới cho thấy sẽ có nhiều biến động trong thời gian tới. Giá vàng đã vượt lên trên 1.500 USD/ounce phản ánh nhiều yếu tố mới: vàng là phương tiện trú ẩn tài chính quan trọng khi tình hình tiếp tục bất ổn ở Trung Đông và Bắc Phi; ảnh hưởng của sự kiện mức tín nhiệm về tín dụng của Mỹ vừa bị hạ thấp; giá dầu thế giới lại tăng cao trên mức 110 USD/thùng; nhu cầu giữ vàng của Trung Quốc được dự đoán tăng cao cả từ phía ngân hàng trung ương và dân chúng. Như vậy, chỉ số lạm phát sẽ khó giảm trong thời gian tới nếu không sử dụng thêm các biện pháp khác.

Để giải quyết căn cơ thách thức giữ ổn kinh tế vĩ mô của nước ta, một số ý kiến cho rằng không thể đi ra ngoài xu hướng thắt lưng buộc bụng. Giải pháp này đòi hỏi phải kiên quyết hơn nữa trong cắt giảm chi thường xuyên, đầu tư công (hay còn gọi là chi tiêu công) đã được xác định trong Nghị quyết số 11. Nguyên nhân do đầu tư dàn trải, thiếu hiệu quả trong thời gian qua đã làm tổng lượng cung tiền tăng, gây khó khăn cho quá trình kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị, không cắt giảm chi tiêu công cào bằng giữa mọi nhu cầu. Bởi tiết kiệm hiểu đến cùng là sử dụng hợp lý và hiệu quả nhất những nguồn lực để phục vụ sản xuất, đời sống. Như vậy, số vốn đầu tư công được cắt giảm trong quý I.2011 chỉ đạt tương đương 1% GDP không phải đáng lo hay nên mừng. Cần nhìn vào các công trình, dự án được cắt giảm vốn đầu tư có thực sự giúp sử dụng hợp lý và hiệu quả nhất nguồn lực của đất nước hay không?

Tại một số địa phương đã có tình trạng bỏ những dự án liên quan mật thiết đến cuộc sống của người dân khi xem xét cắt giảm vốn đầu tư công. Điều này khiến lượng vốn ngân sách chỉ tập trung cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế, chưa quan tâm đến bảo đảm an sinh xã hội. Trong khi, đây là một yêu cầu được xác định cần chú ý hơn tăng trưởng kinh tế do góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Ngoài ra, đầu tư cơ sở vật chất cần thiết để cán bộ, công chức có thể phục vụ nhân dân tốt nhất cũng sẽ tạo nhiều lợi ích. Do vậy, lựa chọn dự án sẽ cắt giảm chi tiêu công không chỉ là phép trừ đơn thuần để làm đúng với mục tiêu đã đưa ra. Quan trọng nhất là phải có tính lan tỏa đến nền kinh tế và chăm lo tốt cho cuộc sống của người dân. Và bảo đảm phân bổ kinh phí công khai, đúng người, đúng việc để tạo lợi ích cao nhất trong mỗi khoản đầu tư công.

Trong điều kiện của nước ta hiện nay, việc cắt giảm chi tiêu công là một giải pháp phù hợp. Nhưng cũng không nên chú trọng vào cắt giảm một cách cơ học. Quan trọng là nguồn lực phải được phân bổ vào nơi đạt hiệu quả cao nhất và có tác động lan tỏa nhiều nhất đối với kinh tế – xã hội. Và phải xác định các thứ tự ưu tiên, cần phân loại các dự án đầu tư công sẽ cắt giảm. Hơn nữa, khi miếng bánh ngân sách chỉ có hạn, thì cần tính toán, sử dụng cho ra tấm, ra món để đồng vốn Nhà nước được sử dụng hiệu quả và hợp lý nhất.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Hiểu đúng về cắt giảm chi tiêu công
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO