ĐBQH, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm

Hiểu đúng giáo lý nhà Phật

Đốt vàng mã, dâng sao giải hạn đầu năm đi kèm với nhiều hành động phung phí, gây nhức nhối xã hội những năm gần đây. Trao đổi với PV Báo Đại biểu Nhân dân, ĐBQH, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Thành hội Phật giáo TP Hà Nội khẳng định, trong giáo lý Phật giáo, không đề cập đến những tục này.

Hiểu đúng giáo lý nhà Phật ảnh 1Không có trong giáo lý nhà Phật

- Từ bao giờ dâng sao giải hạn, đốt vàng mã đã trở thành một “tục” của người Việt. Không biết tục này có nằm trong giáo lý nhà Phật không, thưa Hòa thượng?

- Tất cả giáo lý kinh điển của Phật giáo, Bắc truyền hay Nam truyền, Đại thừa hay Tiểu thừa, đều không đề cập chuyện gì về vấn đề đốt vàng mã cũng như quy định về việc dâng sao giải hạn, càng không đề cập đến hoạt động đó trong các chùa. Chỉ có con người sau này làm, đưa vào, chứ trong truyền thống Phật giáo không có.

- Thế nhưng hoạt động đó lại đang ngày càng phổ biến, nhất là vào các dịp đầu xuân năm mới…

- Dâng sao giải hạn thực chất là tên gọi nghi lễ của Đạo giáo, bắt đầu từ quan niệm mỗi một năm, một tuổi ứng vào của người nam hoặc người nữ với sao chiếu mệnh khác nhau. Giải hạn là cắt sao xấu, đón sao tốt, cầu mong bình an. Trong khi đó, Phật giáo lại có nghi lễ cầu an trong các chùa, cũng là cầu cho con người được an lành, không gặp phải điều xấu trong cuộc sống. Sau này dân gian cứ quen miệng gọi liền, nói nhiều thành ra quen, cho rằng dâng sao giải hạn cũng là nghi lễ trong chùa. Như nhiều người đến chùa tôi trụ trì dịp đầu năm, có khi chỉ thấy cúng Phật, tụng Kinh cầu an thôi, nhưng vẫn cho đó là dâng sao giải hạn.

- Hòa thượng nhận định thế nào trước một số ý kiến cho rằng nhìn ở một khía cạnh nào đấy, tục dâng sao giải hạn hay đốt vàng mã cũng hàm ẩn nét đẹp riêng?

- Chẳng hạn về tục đốt vàng mã, người đời quan niệm trần sao âm vậy, sống thế nào thì chết cũng như vậy, cho nên đốt vàng mã cho người chết. Đó cũng là một khía cạnh của lòng hiếu thảo. Con cái nghĩ rằng cha mẹ lúc sống để lại cho của cải, đến khi cha mẹ mất đi không còn gì thì nghĩ cách đó để mà đền đáp. Cái đó không tuyệt đối là xấu, nhưng nếu muốn khai thác ở khía cạnh nào tích cực thì chỉ là lòng hiếu thảo, quy vào chữ hiếu.

Hóa giải dần dần

- Vậy là theo một nghĩa nhất định, tục đốt vàng mã vẫn có thể duy trì, vẫn nên duy trì sao, thưa Hòa thượng?

- Không. Tôi không nói là duy trì mà phải tùy vào trường hợp nào đó, hoàn cảnh nào đó. Đứng ở góc độ đạo hiếu thì việc đốt vàng mã cũng chỉ nên tiến hành vào dịp tháng bảy hay ngày giỗ của người quá cố thôi và với mức độ phù hợp. Trong cuộc sống sẽ có những hoàn cảnh buộc người ta phải làm, trong Phật giáo gọi đó là phương tiện để thực hiện cho người sống bớt đau khổ tinh thần, chứ không nên duy trì, phổ biến.

Vào dịp đầu năm, hàng nghìn người thường tập trung tại tổ đình Phúc Khánh (Hà Nội) để dự lễ dâng sao giải hạn Nguồn: ITN
Vào dịp đầu năm, hàng nghìn người thường tập trung tại tổ đình Phúc Khánh (Hà Nội) để dự lễ dâng sao giải hạn
Nguồn: ITN

- Như Hòa thượng vừa nói, không nên duy trì nhưng làm sao bỏ được?

- Mình phải giải thích cho người ta, rồi dần dần tất cả các tầng lớp phải vào cuộc, vì cái này đã ăn sâu vào tiềm thức con người. Chùa chiền đúng là nơi phục vụ tín ngưỡng, nhưng cái gì chính đáng thì phục vụ, cái gì không phải thuần phong, là tập tục không đẹp, thì hóa giải dần dần. Vàng mã trong chùa chiền cần cấm nhưng cũng có chỗ không quá khắt khe. Ví dụ trong hoàn cảnh gia đình người ta có người mất, hay người con làm tròn đạo với cha mẹ, thì sao đến để cấm, để nói được.

- Vấn đề ở chỗ hiện nay nhiều người dân vẫn thường tìm đến đền, chùa để dâng vàng mã, cúng bái giải hạn…

- Việc dâng sao, cúng bái giải hạn đừng nói là ở các chùa, mà chủ yếu trong đình, phủ, miếu mạo, nơi các ông thầy, bà cốt cúng lễ. Nhiều người hiện nay cứ lạm dùng từ “chùa” để nói về nhiều điểm tiến hành nghi lễ. Đốt vàng mã hiện nay cũng diễn ra nhiều nhất ở các nơi người ta cầu đạo, những điểm như đền phủ người ta đến cầu vay mượn, chứ chùa không có mấy.

- Hòa thượng có kỳ vọng về kết quả Công văn số 31 của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị hướng dẫn người dân loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo?

- Mong muốn của Giáo hội là các chùa thông qua các vị tăng ni, Phật tử hãy giữ đúng tinh thần chính pháp của Phật giáo. Trên tinh thần đó mong mọi người đừng nên làm những điều phung phí, tránh làm ảnh hưởng đến cuộc sống của những người xung quanh. Chính pháp của Phật giáo không cấm ai làm gì mà chỉ khuyên bảo người ta hiểu nhẽ. Nếu mình ngăn được những việc phung phí, giáo hóa được hành vi của người ta thì là cái tốt, cái phúc rồi.

- Xin cảm ơn Hòa thượng!

Văn hóa

50 năm văn học, nghệ thuật đồng hành với đất nước
Văn hóa - Thể thao

50 năm văn học, nghệ thuật đồng hành với đất nước

Có lẽ trong mọi điều sâu thẳm và bền bỉ nhất mà một quốc gia có thể gìn giữ suốt hành trình phát triển là văn học, nghệ thuật. Nhìn lại 50 năm đất nước thống nhất, văn học nghệ thuật đã không chỉ song hành, mà còn là lực đẩy tinh thần đặc biệt, nâng bước dân tộc qua những năm tháng đầy biến động.

Kết nối ký ức hào hùng
Văn hóa - Thể thao

Kết nối ký ức hào hùng

Nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, những thước phim truyện khắc họa cuộc kháng chiến cứu nước của quân và dân ta vẫn vẹn nguyên giá trị lịch sử và nghệ thuật, là di sản tinh thần vô giá của dân tộc. Làm tốt công tác bảo tồn, khơi dậy sức sống mạnh mẽ cho di sản này sẽ góp phần lan tỏa những câu chuyện hào hùng đến các thế hệ sau.

Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác quốc tế phát triển nhạc kịch
Văn hóa

Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác quốc tế phát triển nhạc kịch

Mới đây, tại Nhà hát Nghệ thuật thành phố Guri - Hàn Quốc đã diễn ra buổi diễn đọc kịch bản vở nhạc kịch "Giấc mơ của em" (My dream), kết quả giai đoạn đầu tiên của dự án hợp tác nghệ thuật giữa Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát Sangsangmaru kéo dài trong hai năm 2025 - 2026.

Bộ đội Trường Sơn đẩy mạnh công tác hậu cần cho chiến trường miền Nam chống Mỹ, cứu nước
Văn hóa - Thể thao

Tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh, công tác bảo đảm hậu cần đóng vai trò quan trọng; lần đầu tiên trong lịch sử, Quân đội ta huy động lực lượng lớn, hiệp đồng quân, binh chủng tham gia chiến dịch trên 5 hướng tiến công.