Hiểu đúng để thực hiện đúng huy động vốn đầu tư

Văn Đức Sơn - Giám Đốc Quỹ Đầu tư phát triển và Bảo lãnh tín dụng tỉnh Vĩnh Phúc 15/11/2020 06:07

Chính phủ quy định Quỹ Đầu tư phát triển địa phương là một tổ chức tài chính nhà nước của địa phương, thực hiện chức năng đầu tư tài chính và đầu tư phát triển, với 3 hoạt động trong đó số một là huy động vốn trung, dài hạn từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Thời gian qua, Quỹ có huy động vốn đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn trong điều kiện vốn điều lệ chưa dùng hết. Có ý kiến phản đối, cho rằng như vậy là thực hiện không đúng, hiệu quả thấp, có ý kiến ngược lại. Do vậy, rất cần được trao đổi tính pháp lý và thực tiễn để Quỹ hoạt động đúng.

Quy định rõ nhiệm vụ huy động vốn

Điều 3, 4, 27 Nghị định số 138/2007/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ Đầu tư phát triển địa phương quy định: Quỹ là một tổ chức tài chính nhà nước của địa phương thực hiện chức năng đầu tư tài chính và đầu tư phát triển. Trong phạm vi hoạt động, nhiệm vụ số một là huy động vốn. Mặt khác, Điều 2, 26 quy định: Vốn hoạt động của Quỹ là tổng số vốn chủ sở hữu và vốn huy động của Quỹ. Điều 32 Nghị định số 37/2013/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 138/2007/NĐ-CP nêu nguyên tắc hoạt động của Quỹ theo mô hình Ngân hàng chính sách; thực hiện tự chủ về tài chính, không vì mục tiêu lợi nhuận, bảo toàn và phát triển vốn; Quỹ chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi nguồn vốn chủ sở hữu của mình.

Hơn nữa, Điều 5 Thông tư số 28/2014/TT-BTC Bộ Tài chính quy định Quỹ được huy động vốn của các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước. Trong đó, quy chế huy động vốn trình Hội đồng quản lý Quỹ phê duyệt phải bao gồm các nội dung cơ bản gồm: Mục đích huy động vốn, các nguồn vốn và hình thức huy động; Quy trình xây dựng và thẩm quyền phê duyệt, phương án huy động; kế hoạch quản lý và sử dụng vốn huy động; kế hoạch và trách nhiệm trả nợ lãi, gốc khi đến hạn. Về tổ chức và hoạt động của Quỹ, không quy định phải sử dụng hết vốn điều lệ mới huy động vốn; không quy định thời gian thực hiện chức năng huy động vốn.

Như vậy, Nghị định và Thông tư quy định rất rõ nhiệm vụ huy động vốn của Quỹ (là một hình thức đầu tư tài chính được đặt trước hoạt động đầu tư phát triển) và Quỹ được phép thực hiện khi có đầy đủ nội dung theo quy định tại Điều 5 Thông tư số 28/2014/TT-BTC, khi có dự án để thực hiện huy động vốn.

Ban Giám đốc Quỹ Đầu tư phát triển và Bảo lãnh tín dụng tỉnh thường xuyên Ảnh: Hiếu Ánh
Ban Giám đốc Quỹ Đầu tư phát triển và Bảo lãnh tín dụng tỉnh thường xuyên
Ảnh: Hiếu Ánh

Nâng cao hiệu quả kinh tế

Thực tế ở một số nơi như: Cần Thơ, Đà Nẵng, Thái Nguyên… có số dư vốn điều lệ nhưng đã thực hiện huy động vốn thành công đem lại hiệu quả. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến ngày 31.12.2018, cả nước có 20/44 Quỹ đã có hoạt động huy động vốn (Vĩnh Phúc chưa có). Vốn huy động của các Quỹ chiếm 20,7% trong tổng vốn hoạt động.

Ở Vĩnh Phúc, Quỹ Đầu tư phát triển và Bảo lãnh tín dụng thực hiện Hợp đồng hợp tác kinh doanh với 1 Công ty để đầu tư xây dựng thí điểm “Dự án nước uống học đường” bằng hình thức góp vốn và phân chia lợi nhuận theo tỷ lệ góp vốn. Hội đồng quản lý Quỹ đã có Nghị quyết về số vốn hợp tác đầu tư từ vốn chủ sở hữu. Quá trình hoạt động, Nhà trường mở rộng và đề nghị đầu tư bổ sung, Hội đồng quản lý Quỹ quyết định không mở rộng dự án trong khi đó vốn điều lệ của Quỹ còn dư (gửi ngân hàng). Gần một năm, Ban điều hành dự án tìm phương án, cách tháo gỡ dự án bằng các phương án chủ đầu tư bổ sung, Nhà trường tham gia trực tiếp… không được. Cuối năm 2019, Ban Giám đốc Quỹ xin chủ trương, cấp trên cho phép tháo gỡ bằng hình thức huy động vốn của tổ chức. Đến nay dự án hoạt động tốt, doanh thu tăng, đáp ứng được nhu cầu cho nhà trường, đơn vị hưởng thụ.

Quỹ Đầu tư phát triển Vĩnh Phúc được hình thành từ cuối năm 2012 trên cơ sở từ Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trên cơ sở thí điểm huy động vốn năm 2019 và nhu cầu đăng ký của các tổ chức kinh tế. Năm 2020, Quỹ được tỉnh thông qua kế hoạch hoạt động, trong đó có nhiệm vụ huy động vốn. Với phương châm triển khai thực hiện đồng bộ chức năng, nhiệm vụ của Quỹ theo hướng thận trọng, từng bước rút kinh nghiệm. Sau hơn 2 tháng huy động vốn để cho vay đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân, người có thu nhập thấp trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên, Quỹ đã kêu gọi được 1 doanh nghiệp, 45 cá nhân có vốn nhàn rỗi tham gia đạt trên 62% so với kế hoạch. Dự kiến nhà đầu tư sử dụng vốn Quỹ sẽ huy động đạt mục tiêu kế hoạch đặt ra.

Qua hoạt động huy động vốn, bước đầu cho thấy có nhiều ưu điểm: Vốn ngân sách cấp cho Quỹ sử dụng đã thực hiện được nhiệm vụ đầu tư tài chính (mục đích số 1 Chính phủ đặt ra); đã huy động được nguồn vốn ngoài xã hội tham gia cùng vốn Nhà nước để đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh đặt ra; tạo điều kiện để Quỹ tăng thêm nguồn vốn hoạt động; vốn chủ sở hữu có kế hoạch sử dụng được thêm các dự án khác khi vốn huy động được tăng; thông qua huy động vốn đã tăng cường thêm trách nhiệm của các phòng chuyên môn, cán bộ nhân viên trong tổ chức triển khai, thực hiện kế hoạch hoạt động của năm; bước đầu, Quỹ đã có được nguồn thu từ hoạt động huy động vốn.

Như vậy, có thể khẳng định rằng Quỹ có chức năng huy động vốn ngay từ khi được thành lập nếu có dự án và có đầy đủ Quy chế huy động vốn theo quy định. Quá trình xem xét, thẩm định dự án chặt chẽ, đúng pháp luật, tin chắc rằng hoạt động huy động vốn sẽ hiệu quả.

Tuy nhiên, việc sử dụng vốn chủ sở hữu theo kế hoạch trong hoạt động cho vay, đầu tư trực tiếp, góp vốn thành lập doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào dự án, chủ đầu tư sử dụng vốn. Theo hợp đồng, trong năm sử dụng hết vốn cam kết nhưng có dự án cuối tháng 12 chưa sử dụng phải chuyển sang năm sau nên vốn kế hoạch giải ngân cho dự án phải gửi ngân hàng với lãi suất thấp hơn so với lãi suất huy động vốn. Nếu linh hoạt trong phương án huy động: Cho phép sử dụng vốn nhàn rỗi (chưa giải ngân theo cam kết) vào nguồn vốn huy động thì Quỹ có thêm thu nhập chênh lệch lãi suất giữa huy động vốn với ngân hàng trả lãi trong thời gian dự án chưa dùng vốn.

Để thực hiện được đòi hỏi trên, Quỹ phải có một hệ thống huy động vốn “nhanh nhạy”, sẵn sàng đáp ứng được kịp thời nguồn vốn khi chủ đầu tư sử dụng vốn mà Quỹ cam kết. Trong điều kiện năm đầu tiên thực hiện chức năng huy động vốn, rất cần thận trọng, chủ động để đáp ứng mục đích, không làm ảnh hưởng đến các hoạt động đầu tư khác. Sau một đến hai năm hoạt động thu hút được đông các tổ chức, cá nhân tham gia, với sự linh hoạt trong việc sử dụng vốn, hiệu quả kinh tế của Quỹ sẽ được nâng thêm và thực hiện hiệu quả mục đích tỉnh đặt ra.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Hiểu đúng để thực hiện đúng huy động vốn đầu tư
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO