Vướng mắc lớn nhất
- Cơ chế tự chủ tại các cơ sở khám, chữa bệnh công lập đã đi vào thực tiễn từ khá lâu song bản chất của chính sách tự chủ không phải lúc nào cũng được hiểu và vận dụng đúng đắn. Xin ông cho biết quan điểm về vấn đề này?
- Để chính sách tự chủ thực sự đi vào thực tiễn và đạt được các mục tiêu như kỳ vọng của Chính phủ và nhân dân thì trước hết phải hiểu đúng về cơ chế tự chủ.
Thực tế cho thấy, tự chủ không có nghĩa là ngân sách nhà nước ngừng hỗ trợ các cơ sở khám, chữa bệnh khiến các bệnh viện phải tự duy trì bộ máy hoạt động, từ đó đẩy giá dịch vụ lên cao, vượt khả năng chi trả của đại bộ phận người dân, đặc biệt là người nghèo, không có điều kiện về tài chính. Theo tôi, cơ chế tự chủ tại các cơ sở khám, chữa bệnh công lập nghĩa là các bệnh viện được chủ động thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình dựa trên cơ sở nguồn lực sẵn có. Ngoài cơ sở vật chất đã được Nhà nước đầu tư, cơ sở khám, chữa bệnh còn có thể chủ động vay ngân hàng để đầu tư mở rộng và chủ động trong việc tạo nguồn thu. Với nguồn chi thường xuyên, ngoài nguồn thu phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ như viện phí, kể cả từ nguồn bảo hiểm y tế (BHYT), các dịch vụ y tế kèm theo, cơ sở khám, chữa bệnh vẫn có thể được ngân sách hỗ trợ trong trường hợp thu không đủ chi. Cơ sở khám, chữa bệnh được quyền chủ động trong tổ chức bộ máy, nhân sự thực hiện các biện pháp theo chức năng, nhiệm vụ được giao nhằm tăng cường các nguồn thu hợp pháp, chính đáng; từ đó tự chủ trong cân đối thu chi, trong đó mọi khoản thu phải trong giới hạn cho phép và phù hợp với các quy định của pháp luật.
- Hạn chế lớn nhất khi áp dụng cơ chế tự chủ với các bệnh viện công lập hiện nay là gì thưa ông?
- Theo tôi, hạn chế lớn nhất là chúng ta chưa hiểu rõ cơ chế tự chủ mà định hướng của Đảng, Nhà nước đưa ra. Do đó, việc hoạch định chính sách, tổ chức thực hiện, thậm chí khâu kiểm tra, kiểm soát còn gặp khó khăn. Các cơ sở y tế công lập cũng chưa hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình dẫn đến chuyện mỗi đơn vị làm một cách, không có sự thống nhất. Để khắc phục, chúng ta cần nghiên cứu kỹ lưỡng, cụ thể, từ đó ban hành cơ chế tự chủ bài bản hơn, rõ ràng, minh bạch hơn để dễ thực hiện, dễ kiểm tra.
- Qua quá trình kiểm toán, ông thấy các bệnh viện thường gặp vướng mắc gì khi thực hiện cơ chế tự chủ?
- Vướng mắc phổ biến chính là thực hiện các nguồn thu. Thu những nguồn thu nào thì cơ chế chưa cụ thể, mới chỉ nói chung chung là được thu theo quy định của pháp luật. Hiện các bệnh viện chủ yếu thu viện phí, dịch vụ khám chữa bệnh, nhưng bên cạnh đó còn có các dịch vụ đi kèm thì các bệnh viện chưa rõ có được thu không. Do đó, mỗi bệnh viện làm một kiểu khác nhau. Ngay cả tranh luận giữa bệnh viện và BHYT cũng là một vấn đề. Khi bệnh nhân khám, chữa bệnh xong, bên BHYT đã giám sát thì sau này vẫn xuất toán, dẫn đến chi phí khám, chữa bệnh thực cho bệnh nhân hưởng BHYT và quyết toán BHYT thực lại chênh lệch nhau, khiến bệnh viện không có nguồn để chi trả. Qua số liệu của báo cáo kiểm toán, riêng bệnh viện thuộc Bộ Y tế quản lý, đến cuối năm 2017, nguồn BHYT nợ các bệnh viện đến 5.000 tỷ đồng, trong khi đó, các bệnh viện lại nợ tiền thuốc, vật tư y tế của các nhà thuốc khoảng 7.000 tỷ đồng. Vậy chỉ riêng khối bệnh viện thuộc Bộ Y tế đã mất cân đối khoảng 2.000 tỷ đồng. Đây là vấn đề mà cơ chế cần giải quyết, nếu không sẽ dẫn tới mất cân đối. Các bệnh viện ở tuyến địa phương chắc cũng đang trong tình trạng tương tự.
Công khai trong hợp tác
- Theo phản ánh của các bệnh viện, hoạt động liên doanh liên kết hợp tác với các đơn vị bên ngoài cũng gặp nhiều vướng mắc. Ông nhận xét vấn đề này thế nào?
- Vướng mắc chủ yếu với các dự án liên doanh, liên kết đầu tư là thực hiện theo quy trình của Luật Đầu tư công thì rất lâu, đôi khi làm mất cơ hội. Chẳng hạn, nhiều dự án có các thiết bị điện tử hiện đại, nhưng từ lúc lập dự án đến phê duyệt dự án thì thiết bị đó đã lạc hậu, do thời gian quá dài.
Hiện nay các cơ quan quản lý nhà nước cũng có lý lẽ bảo vệ chặt chẽ việc liên doanh, liên kết, bởi lẽ, nếu “thả ra” sẽ cơ chế sẽ bị lạm dụng ở chỗ các đơn vị liên doanh liên kết chỉ để phục vụ mình và không quan tâm đến lợi ích lâu dài. Bài toán này chúng ta phải giải với cách thức nào để cho một mặt bảo đảm quyền lợi cho người khám chữa bệnh, để người bệnh có thể thụ hưởng chính sách tốt nhất, nhưng đồng thời phải bảo đảm kiểm soát chặt chẽ.
Để khắc phục được những hạn chế trong hợp tác công - tư, các đơn vị cần chủ động công khai, minh bạch trong chủ trương hợp tác, cơ chế quản lý thu chi, phân chia lợi nhuận. Đồng thời, phải công khai trong lựa chọn nhà đầu tư, xác định giá trị tài sản, trong việc cử viên chức, người lao động của bệnh viện sang thực hiện nhiệm vụ tại khu vực xã hội hóa. Mặt khác, cần có một cơ chế kiểm soát phù hợp và hành lang pháp lý rõ ràng để quản lý cũng như chế tài xử phạt mang tính răn đe đối với những hành vi gian lận, tư lợi cá nhân trong hoạt động liên doanh liên kết, ảnh hưởng đến lợi ích và uy tín của Nhà nước.
- Có ý kiến cho rằng, nếu không dùng quyền sử dụng đất Nhà nước giao thì đơn vị không có vốn để thực hiện liên doanh, liên kết, thưa ông?
- Các nhà đầu tư nước ngoài nếu thực sự là đầu tư chiến lược thì quyền sử dụng đất đai không phải là vấn đề, mà điều quan trọng là chức năng nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là trong giáo dục, y tế thì mới là quan trọng, bởi lẽ nguồn thu là từ thương hiệu lâu đời, từ lượng người đến khám chữa bệnh. Nhưng theo quan sát của chúng tôi, nhiều dự án chủ yếu là các nhà đầu tư trong nước, tập trung vào các nhà đầu tư bất động sản, mục đích lâu dài của họ không phải là làm dịch vụ khám, chữa bệnh mà là đất đai, bất động sản…
- Xin cảm ơn ông!