Văn bản mang số hiệu 105/HHG-VP, ngày 4.4, do Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) Cao Chí Công ký, nêu rõ: Hội nghị các quốc gia thành viên Công ước về buôn bán quốc tế các loài động thực vật hoang dã lần thứ 19 (CITES-COP19) diễn ra từ 14 – 25.11.2022. Sau Hội nghị, Ban Thư ký đã ra thông báo về việc sửa đổi, bổ sung các loài động thực vật thuộc các phụ lục CITES; trong đó quy định kể từ ngày 23.2.2023, các loài thực vật được bổ sung bao gồm các loài thuộc chi gõ, hương và xà cừ phân bố ở châu Phi.
Trong thời gian 90 ngày chờ hiệu lực, thương mại các loài gỗ này vẫn thực hiện bình thường và được coi là thương mại các mẫu vật tiền Công ước. Trên thực tế, các doanh nghiệp nhập khẩu gỗ của Việt Nam đã ký hợp đồng và gỗ rời cảng nước xuất khẩu để về các cảng đích của Việt Nam trước ngày thông báo hiệu lực.
Theo quy định tại Điểm đ, Khoản 2, Điều 25 của Nghị định 06/2019/NĐ-CP quy định về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thì hồ sơ đề nghị cấp phép CITES nhập khẩu đối với mẫu vật tiền Công ước gồm có: Đề nghị cấp giấy phép theo Mẫu số 12 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 06; bản sao hồ sơ chứng minh mẫu vật tiền Công ước hoặc bản sao giấy phép, chứng chỉ của Cơ quan quản lý CITES nước xuất khẩu cấp đối với mẫu vật tiền Công ước; hoặc bản sao giấy phép CITES xuất khẩu, giấy chứng nhận mẫu vật săn bắn do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp đối với mẫu vật săn bắn.
“Theo phản ánh của một số doanh nghiệp, sau ngày 23.2.2023, khi đơn vị nộp hồ sơ xin giấy phép CITES nhập khẩu, trong đó đã có đơn đề nghị cấp phép và giấy phép CITES tiền Công ước do nước xuất khẩu cấp theo đúng quy định trên, nhưng không được Cơ quan quản lý CITES Việt Nam chấp nhận với lý do hồ sơ còn thiếu giấy phép CITES xuất khẩu của nước xuất khẩu. Chính vì vậy, hiện nay, gỗ đã cập cảng nhưng không thể thông quan do thiếu giấy phép CITES nhập khẩu. Do đó, doanh nghiệp vốn đã gặp rất nhiều khó khăn vì giá gỗ suy giảm nay lại phải trả thêm các loại phí lưu container, lưu bãi…”, văn bản cho biết.
Trên cơ sở báo cáo và kiến nghị của doanh nghiệp, VIFOREST đề nghị Tổng cục Lâm nghiệp chỉ đạo Cơ quan quản lý CITES Việt Nam tổ chức đối thoại với doanh nghiệp để hướng dẫn thống nhất thực hiện tốt theo quy định của pháp luật; đồng thời xem xét, cấp giấy phép CITES nhập khẩu cho các doanh nghiệp có sản phẩm gỗ trong đối tượng tiền Công ước đã bảo đảm hồ sơ theo quy định tại Điểm đ, Khoản 2, Điều 25 Nghị định số 06, qua đó giúp các doanh nghiệp thông quan hàng hóa.
Trước đó, như Báo Đại biểu Nhân dân đã phản ánh, một số doanh nghiệp nhập khẩu gỗ từ châu Phi về Việt Nam gặp khó khăn trong xin cấp giấy phép CITES nhập khẩu khiến hàng không thể thông quan. Các doanh nghiệp cho rằng đây là mẫu vật tiền Công ước nên được nộp kèm giấy chứng nhận tiền Công ước do nước xuất khẩu (ở châu Phi) cấp, hoặc vận tải đơn, giấy kiểm dịch thực vật để chứng minh là hàng rời cảng về Việt Nam trước ngày Công ước có hiệu lực. Tuy nhiên, CITES Việt Nam không chấp thuận.
Hệ quả là, doanh nghiệp không thể thông quan hàng hóa, buộc phải lưu container trong nhiều ngày, bị phát sinh chi phí.