Kỷ niệm 40 năm ký Hiệp định Paris (27.1.1973 - 27.1.2013)

Hiệp định Paris và tấm lòng bè bạn

- Chủ Nhật, 27/01/2013, 09:22 - Chia sẻ
Trong gần 5 năm đấu tranh gian nan trên bàn đàm phán, ngoài nỗ lực của toàn dân tộc Việt Nam, không thể không kể đến sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế. Những ngày này, hàng chục vị khách quốc tế - nhân chứng của sự kiện 40 năm trước - có mặt tại Hà Nội, cùng nhân dân Việt Nam kỷ niệm 40 năm ký Hiệp định Paris.

Thị trưởng Choisy le Roi Daniel Davise: Choisy le Roi là nơi phái đoàn Việt Nam đã làm việc trong những ngày diễn ra Hội nghị Paris. Tòa nhà trường Đảng Cộng sản Pháp tại phố Maurice Thorez được dành riêng cho phái đoàn Việt Nam ở miễn phí trong gần 5 năm. Chúng tôi đã làm mọi điều có thể, từ việc cử người bảo vệ và nấu ăn cho phái đoàn Việt Nam, trong suốt thời gian đàm phán căng thẳng về lập lại hòa bình, chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam. Nhiều cán bộ của Hội đồng Thị chính Choisy le Roi và các đảng viên Đảng Cộng sản Pháp đã nhiệt tình giúp đỡ cả về tinh thần lẫn vật chất cho 2 phái đoàn Việt Nam...

Hiện nay, các tài liệu, hình ảnh, hiện vật, băng ghi hình... từ các buổi đàm phán tại Hội nghị Paris đều được lưu giữ cẩn thận. Đặc biệt chúng tôi còn có những cuốn phim tài liệu dài về phái đoàn đàm phán Việt Nam. Đến thời điểm này, tại thành phố vẫn còn rất nhiều nhân chứng sống. Căn phòng nơi diễn ra hội nghị cùng những hiện vật trong đó vẫn được giữ gìn nguyên vẹn.


Cô gái Mỹ cắm hoa vào họng súng của lính cảnh vệ Quốc gia như một biểu tượng mong muốn hòa bình ở Việt Nam
Nguyên Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Ramsey Clark: Đây là lần thứ 2 sau năm 1970 chúng tôi đến Việt Nam, bởi trước đó, đến Việt Nam chúng tôi bị coi là phản bội đất nước. Nhưng cần khẳng định một điều, chúng tôi - những người yêu chuộng hòa bình đã luôn đấu tranh để ủng hộ các bạn. Khi Mỹ leo thang chiến tranh ở Việt Nam, thì ở Mỹ cũng có cuộc chiến tranh của những người yêu chuộng hòa bình. Hàng ngàn người Mỹ đã bị bắt và buộc tội vì gây mất trật tự để ủng hộ Việt Nam. Hội nghị Paris kéo dài, chúng tôi đã rất lo lắng. Một số người trong nhóm chúng tôi còn sang tận Paris gặp bà Nguyễn Thị Bình để được thông tin về tình hình đàm phán. Sau khi Hiệp định Paris được ký, chúng tôi cùng các bạn cũng phải mất 2 năm đấu tranh để biến nó thành hiện thực, bao gồm điều khoản cung cấp hỗ trợ để hoàn gắn vết thương chiến tranh, chấm dứt sự hỗ trợ của chính quyền Mỹ cho Thiệu. Chúng tôi đã thông qua nhiều hiệp hội những người bạn của Mỹ đấu tranh, quyên góp ủng hộ các bạn Việt Nam thời kỳ này...

Chủ tịch Hội hữu nghị Pháp - Việt Helene Luc: Trong suốt thời gian diễn ra cuộc đàm phán, rất nhiều người Pháp thuộc nhiều tôn giáo, đảng phái chính trị khác nhau, đặc biệt là những người đấu tranh cho hòa bình đã đến nơi ở của phái đoàn Việt Nam để bày tỏ sự ủng hộ. Có thể nói, Hiệp định Paris là niềm cổ vũ lớn lao đối với nhân dân yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới, những người đã đồng hành ủng hộ, giúp đỡ nhân dân Việt Nam trong suốt cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ. Hiệp định Paris cũng củng cố niềm tin của nhân dân yêu chuộng hòa bình và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới vào sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa; đi vào lịch sử của cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì độc lập, tự do, vì hòa bình và công lý. Sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế trong đó có nhân dân tiến bộ Pháp là một phần của lịch sử kháng chiến chống xâm lược của nhân dân Việt Nam, tiếp tục đồng hành với nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 Nhà ngoại giao Nguyễn Khắc Huỳnh, thành viên đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris: “40 năm đã trôi qua, độ dài thời gian cho phép chúng ta có thể nhìn lại rõ hơn tính chất cuộc đấu tranh tại bàn đàm phán và đánh giá sâu hơn về ý nghĩa của Hiệp định Paris đối với vận mệnh đất nước và sức mạnh ngành ngoại giao Việt Nam. Cuộc đàm phán Paris để lại rất nhiều bài học. Có người coi các bài học này có thể ghi lại thành một pho từ điển. Xin nêu 3 bài học có nhiều ý nghĩa cơ bản và thực tiễn. Thứ nhất, đề cao chính nghĩa dân tộc và ngọn cờ hòa bình, đánh mạnh vào chỗ yếu của đối phương làm chiến tranh phi nghĩa và gây tội ác. Thứ hai, kết hợp đấu tranh ngoại giao với đấu tranh quân sự, gắn đàm phán với chiến trường, với tình hình nội bộ của Mỹ và tình hình quốc tế. Thứ ba, độc lập tự chủ, đoàn kết quốc tế là bảo đảm cơ bản có thành công của ngoại giao và đàm phán”.

PV ghi