Hiệp định Paris - Đỉnh cao chói lọi của ngoại giao cách mạng Việt Nam

- Thứ Ba, 01/01/2013, 10:07 - Chia sẻ
Theo PGS, NGND LÊ MẬU HÃN, NGUYÊN CHỦ NHIỆM KHOA LỊCH SỬ, TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHXH VÀ NV, ĐHQG HÀ NỘI, Hiệp định Paris là đỉnh cao chói lọi của cuộc đấu tranh cam go nhất, lâu dài nhất trong lịch sử ngoại giao cách mạng Việt Nam. Việc ký Hiệp định Paris là thắng lợi vô cùng to lớn, tạo thế và lực cho cuộc đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

- Hiệp định Paris được xem là cuộc đấu trí kéo dài giữa nền ngoại giao cách mạng non trẻ của Việt Nam với nền ngoại giao nhà nghề của Mỹ, trong đó có tới 202 cuộc họp công khai và 24 cuộc gặp riêng. Ông đánh giá về sự kiện này như thế nào?

- Thắng lợi của Hội nghị Paris là một thắng lợi to lớn với dân tộc ta, chấm dứt cuộc chiến tranh dài nhất trong thế kỷ XX. Cuộc chiến tranh diễn ra trên phạm vi một nước nhưng lại là tiêu điểm của những mâu thuẫn và xung đột mang tính thời đại: giữa độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội với chủ nghĩa đế quốc, các thế lực phản động; giữa chiến tranh và hòa bình. đó là cuộc đối thoại giữa hai thế lực đối đầu trên chiến trường, một bên là lực lượng xâm lược có thế mạnh vượt trội về quân sự và kinh tế nhưng lại có thế yếu về chính trị, tinh thần; một bên là lực lượng bảo vệ Tổ quốc, tuy có điểm yếu tương đối về quân sự và kinh tế nhưng lại có thế mạnh tuyệt đối về chính trị, chính nghĩa. Đây là cuộc đối chọi giữa hai nền ngoại giao, một bên là nền ngoại giao nhà nghề của một siêu cường; một bên là nền ngoại giao của một nhà nước cách mạng còn non trẻ. Ở Paris đã diễn ra một cuộc đấu quyết liệt giữa hai ý chí, hai trí tuệ, hai loại pháp lý và đạo lý, hai thứ mưu lược khác nhau. Trong quá trình đàm phán, phía Mỹ đã có những thủ đoạn tỏ rõ nền ngoại giao nhà nghề của họ, nên cuộc đấu tranh đó là cuộc đấu tranh từng bước trên cơ sở thắng lợi ở chiến trường mà chúng ta đã giành được.


Toàn cảnh lễ ký kết Hiệp định Paris về Việt Nam, 27.1.1973
Cuộc đàm phán kéo dài tới 202 phiên họp công khai và 24 cuộc họp riêng mới đi đến kết quả cuối cùng. Điều này đã nói lên tính chất quyết liệt của nó, sự cương quyết không chịu nhượng bộ của ta. Việc ký Hiệp định Paris là một thắng lợi vô cùng to lớn, là đỉnh cao chói lọi của nền ngoại giao cách mạng non trẻ của Việt Nam. Bởi đây là văn kiện pháp lý có tính quốc tế mà phía Mỹ phải công nhận độc lập, toàn vẹn chủ quyền và thống nhất của dân tộc ta; tạo nên thế và lực cho việc kết thúc cuộc chiến tranh kéo dài suốt 21 năm của nhân dân ta là giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam, giang sơn thu về một mối. Sự kiện này đã một lần nữa khẳng định chân lý “không có gì quý hơn độc lập tự do” mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn. Đây là kết quả  sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc và dựa trên các yếu tố về chính trị, quân sự và ngoại giao.

- Trong quá trình đàm phán, Mỹ luôn gây khó khăn cho ta khi đưa ra những điều khoản có lợi cho chúng hoặc đơn phương rút khỏi bàn Hội nghị. Việc làm đó có phải Mỹ muốn chờ sự thay đổi có lợi trên chiến trường, thưa Ông?

- Trong quá trình xâm lược Việt Nam, Mỹ luôn thay đổi các chiến lược chiến tranh như chiến tranh đặc biệt; chiến tranh cục bộ; Việt Nam hóa chiến tranh… Tuy nhiên, sự thay đổi nhằm gây sức ép với ta trên chiến trường đã không mang lại hiệu quả trên bàn Hội nghị mà còn bị tổn thất, vì việc Mỹ gây khó khăn cũng không nằm ngoài ý định thăm dò ý đồ của ta. Nhưng các chiến lược này không tạo thay đổi có lợi cho chúng. Trong khi đó, điều chúng ta làm được là buộc Mỹ phải rút quân. Vì vậy, dù có gây khó khăn cho ta hay đơn phương rút khỏi bàn Hội nghị thì Mỹ vẫn không thay đổi được những thắng lợi trên chiến trường của ta.

- Với chủ trương vừa đánh vừa đàm, vừa đàm vừa đánh, tại Hội nghị Paris đâu là yếu tố để ta nắm quyền chủ động, thưa Ông?

- Chủ trương vừa đánh vừa đàm, vừa đàm vừa đánh đã diễn ra trong suốt cả cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đó là việc đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang trước khi chúng ta chuyển sang chống lại các chiến lược quân sự mới của Mỹ. Đặc biệt, cuộc tiến công Mậu Thân năm 1968 khi ta đánh vào nội đô Sài Gòn đã thể hiện sức mạnh quân sự của ta. Sự kiện này tạo ra thế dẫn đến việc đánh để đàm và buộc Mỹ phải xuống thang. Ngoài ra, các cuộc tấn công quân sự khác cũng đã tạo đà cho việc đàm phán ngoại giao tiến lên, nhất là những thắng lợi trên chiến trường trong năm 1972. Vì vậy, việc vừa đánh vừa đàm, vừa đàm vừa đánh thì những thắng lợi về quân sự là yếu tố cơ bản tạo đà cho các bước phát triển của ngoại giao. Bên cạnh đó, những thắng lợi trên mặt trận ngoại giao cũng góp phần tạo thế và lực cho sự phát triển của quân sự.

- Như Ông vừa nói, chiến thắng trên chiến trường có ảnh hưởng lớn đến cục diện bàn đàm phán. Vậy những thắng lợi của ta từ cuối năm 1971 và trong năm 1972 có phải là điều tiên quyết trong thắng lợi của Hiệp định Paris không?

- Năm 1972, cả Việt Nam và Mỹ đều nhận định là năm quyết định cho cuộc chiến tranh. Vì vậy, các cuộc đàm phán dần đi vào thực chất, càng về cuối càng có những chuyển biến quan trọng. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm, hai bên vẫn chưa thực sự đi vào đàm phán, vẫn nỗ lực trên chiến trường và thăm dò nhau trên bàn hội nghị. Cuộc gặp riêng từ ngày 8 - 12.10.1972 là mốc đánh dấu bước chuyển căn bản của cuộc đàm phán. Trong đó, phía Việt Nam đưa ra văn bản Dự thảo hiệp định hoàn chỉnh và đề nghị Mỹ ký ngay Hiệp định. Trên chiến trường, Mỹ tiến hành bình định quyết liệt, đồng thời mở rộng chiến tranh sang Campuchia và Lào nhằm ngăn chặn tiếp tế của miền Bắc vào miền Nam, cô lập lực lượng cách mạng miền Nam từ bên ngoài. Về ngoại giao, chính quyền Nixon xây dựng một chiến lược toàn cầu mới trong khuôn khổ “học thuyết Nixon”, tìm cách lợi dụng mâu thuẫn Xô - Trung trong quan hệ với Việt Nam, tìm kiếm một giải pháp thương lượng theo điều kiện có lợi cho Mỹ. Những năm 1969 - 1972 là những năm giằng co quyết liệt giữa hai bên trên chiến trường cũng như trên bàn đàm phán. đàm phán thực chất chỉ diễn ra sau khi Mỹ đã cảm nhận được thất bại của chính sách “Việt Nam hóa chiến tranh”, nhất là sau thắng lợi của ta ở đường 9 - Nam Lào và trong Chiến dịch đông - Xuân 1971 -1972, chiến thắng ở thành cổ Quảng Trị, giải phóng thêm được nhiều vùng rộng lớn. Không chỉ có những chiến thắng trên chiến trường cuối năm 1971 và năm 1972 mà tác động của những chiến thắng trên khắp chiến trường đã xuất hiện từ năm 1968. Bởi nếu không, chúng ta sẽ không thể kéo Mỹ ngồi vào bàn Hội nghị Paris. Tuy nhiên, chiến thắng về mặt quân sự là gốc quyết định và có tác động vô cùng mạnh mẽ đến ngoại giao để chúng ta giành được thắng lợi. Vì sau những thất bại đó, Mỹ đã nhận ra rằng không thể thắng được chúng ta bằng sức mạnh quân sự ở trên chiến trường. 

- Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Thực lực là cái chiêng, ngoại giao là cái tiếng, chiêng có to thì tiếng mới mạnh”. Ông đánh giá thế nào về ý nghĩa  thắng lợi của Hiệp định Paris?

- Câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là tư tưởng cốt lõi của ngoại giao cách mạng nước ta. Ở đây Người muốn nói đến sức mạnh của đấu tranh trên chiến trường chính là thực lực có tác động mạnh mẽ trong đấu tranh ngoại giao. Với việc ta luôn giành được những thắng lợi to lớn về mặt quân sự đã giúp cho việc đàm phán đi đến thành công. Cội nguồn của thắng lợi Hội nghị Paris là tinh thần quyết chiến quyết thắng, là ý chí quật cường đấu tranh bền bỉ bảo vệ cho chân lý, giành độc lập, tự do của cả dân tộc Việt Nam. Cuộc đấu tranh này phản ánh đầy đủ sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trí tuệ của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam, dựa vào chính nghĩa của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Thành công của cuộc đàm phán đưa tới Hiệp định Paris gắn liền với phong trào của nhân dân thế giới đoàn kết và ủng hộ Việt Nam. Sự ủng hộ đó đã thể hiện phương châm kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh dân tộc với sức mạnh quốc tế, kết hợp ngoại giao nhà nước với ngoại giao nhân dân.

- Xin cám ơn Ông!

 Tóm tắt nội dung Hiệp định về chấm dứt chiến tranh,
lập lại hòa bình ở Việt Nam
(ký tại Paris ngày 27.1.1973)

- Tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam như được công nhận bởi Hiệp định Geneve.

- Ngừng bắn trên toàn Việt Nam từ 1h ngày 28.1.1973. Trong vòng 60 ngày, sẽ có cuộc rút lui hoàn toàn của quân đội Mỹ và đồng minh cùng các nhân viên quân sự Mỹ ra khỏi Việt Nam Cộng hòa. Mỹ không tiếp tục can thiệp quân sự vào “các vấn đề nội bộ” của Nam Việt Nam.

- Tất cả tù binh chiến tranh của các bên sẽ được trao trả không điều kiện trong vòng 60 ngày. Các tù nhân chính trị sẽ được trả tự do sau đó theo thỏa thuận chi tiết của các phía Việt Nam.

- Tái thống nhất Việt Nam sẽ được thực hiện từng bước bằng các biện pháp hòa bình.

- Để giám sát việc thực hiện hiệp định, thành lập ủy ban kiểm soát và Giám sát quốc tế và Phái đoàn quân sự liên hợp bốn bên.

- Mỹ có nghĩa vụ giúp đỡ việc tái thiết sau chiến tranh, đặc biệt là ở miền Bắc Việt Nam và trên toàn Đông Dương, để hàn gắn các thiệt hại do chiến tranh.

Thanh Bình thực hiện