75 ngày đêm đàm phán với 31 phiên họp
Ngay từ khi thực dân Pháp quay lại xâm lược Đông Dương, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương ngăn chặn chiến tranh, giải quyết các vấn đề bằng biện pháp hòa bình. Chính phủ Việt Nam đã ký với Chính phủ Pháp Hiệp định Sơ bộ ngày 6.3.1946 và Tạm ước ngày 14.9.1946.
Thế nhưng, với bản chất hiếu chiến, thực dân Pháp đã liên tiếp lấn tới, đẩy mạnh chiến tranh, buộc nhân dân Việt Nam phải đứng lên tiến hành cuộc kháng chiến toàn quốc để bảo vệ nền độc lập tự do vừa giành được. Với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, ý chí quật cường, quân và dân ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn, vừa kháng chiến vừa kiến quốc, huy động mọi nguồn lực quyết tâm đánh thắng chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp.
Cuối năm 1953, phối hợp với cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954, Trung ương Đảng quyết định mở mặt trận đấu tranh ngoại giao.
Ngày 26.11.1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: “Nếu thực dân Pháp tiếp tục cuộc chiến tranh xâm lược thì nhân dân Việt Nam quyết tâm tiếp tục cuộc chiến tranh ái quốc đến thắng lợi cuối cùng. Nhưng nếu Chính phủ Pháp đã rút được bài học trong cuộc chiến tranh mấy năm nay, muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam bằng cách thương lượng và giải quyết vấn đề Việt Nam theo lối hòa bình thì nhân dân và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng tiếp ý muốn đó”[1]; “Cơ sở của việc đình chiến ở Việt Nam là Chính phủ Pháp thật thà tôn trọng nền độc lập thật sự của nước Việt Nam”[2]; “… Việc thương lượng đình chiến chủ yếu là một việc giữa Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với Chính phủ Pháp”[3].
Thế giới đầu những năm 1950, trong xu thế hòa hoãn, các nước lớn bắt đầu thỏa hiệp, muốn giải quyết các xung đột và chiến tranh bằng thương lượng hòa bình. Ngày 25.1.1954, Hội nghị Ngoại trưởng các nước Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp họp tại Berlin (Đức); ngày 18.2.1954, các bên thỏa thuận sẽ triệu tập Hội nghị quốc tế ở Geneva (Thụy Sĩ) để giải quyết vấn đề Triều Tiên và lập lại hòa bình ở Đông Dương với sự ủng hộ của nhiều nước lớn.
Tại Pháp, từ tháng 10.1953, Quốc hội Pháp biểu quyết ủng hộ Chính phủ giải quyết chiến tranh bằng thương lượng, đàm phán trực tiếp với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhưng trên thế mạnh. Tuy nhiên, sau những thất bại liên tiếp trên chiến trường Đông Dương, Chính phủ Pháp ngày càng lúng túng, phong trào phản chiến ở Pháp dâng cao. Thủ tướng Pháp Laniel và Ngoại trưởng Bidault phải từ bỏ chủ trương thương lượng trên thế mạnh; nội bộ giới cầm quyền Pháp phân hóa sâu sắc.
Ngày 26.4.1954, Hội nghị Geneva khai mạc và bàn về một giải pháp chính trị ở Triều Tiên. Đây cũng là thời điểm quân và dân ta chuẩn bị kết thúc thắng lợi đợt hai của Chiến dịch Điện Biên Phủ; quân Pháp ở Tập đoàn cứ điểm lâm vào tình thế nguy khốn. Tuy nhiên, cho đến lúc này, các nước phương Tây vẫn chưa chấp nhận sự tham gia Hội nghị của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 1.5.1954, Quân đội nhân dân Việt Nam mở đợt tấn công cuối cùng vào Điện Biên Phủ. Trước thất bại không thể cứu vãn, ngày 2.5.1954, Anh, Pháp, Mỹ thông qua qua Liên Xô chấp nhận sự có mặt chính thức của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị.
Ngày 7.5.1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Một ngày sau đó, ngày 8.5.1954, Hội nghị bắt đầu thảo luận về vấn đề Đông Dương.
Trải qua 75 ngày đêm đàm phán với 31 phiên họp, trong đó có các phiên họp toàn thể, phiên họp cấp trưởng đoàn cùng nhiều cuộc tiếp xúc song phương và đa phương, Hiệp định Geneva đã được ký kết với các nội dung liên quan đến Thỏa thuận chung cho ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia và đối với riêng Việt Nam.
Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam cùng với Hiệp định Sơ bộ ngày 6.3.1946 và Hiệp định Paris năm 1973 đã trở thành 3 văn kiện ngoại giao quan trọng nhất trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc ta.
Hiệp định Geneva đánh dấu sự kết thúc một chặng đường trong quá trình đấu tranh lâu dài và gian khổ để đi tới độc lập tự do của dân tộc. Việc ký kết dựa trên căn cứ và phần nào phản ánh đúng tương quan lực lượng giữa ta và địch trên chiến trường, song “ký Hiệp định Geneva là đúng lúc, kết thúc kháng chiến chống Pháp là phù hợp, phản ánh đúng so sánh lực lượng trên chiến trường và hoàn cảnh quốc tế lúc bấy giờ”[4].
Hiệp định Geneva là văn bản pháp lý quốc tế quan trọng. Lần đầu tiên các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam được các nước lớn công nhận tại một hội nghị đa phương. Pháp và các nước tham gia hội nghị “cam kết tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ”, “tuyệt đối không can thiệp vào công việc nội trị” của Việt Nam, Lào và Campuchia. Pháp buộc phải đình chỉ chiến sự và rút hoàn toàn quân đội khỏi lãnh thổ 3 nước Đông Dương. Gần 20 năm sau Hiệp định Paris năm 1973 đã khẳng định lại những cơ sở pháp lý quan trọng này: “Hoa Kỳ và các nước khác tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam như Hiệp định Geneva năm 1954 về Việt Nam đã công nhận.
Cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Geneva đã kết thúc cuộc kháng chiến lâu dài và anh dũng của Nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ, giải phóng miền Bắc nước ta, tạo điều kiện xây dựng miền Bắc trở thành hậu phương lớn, vững mạnh cho công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975.
Hiệp định Geneva đã thể hiện bản lĩnh của nền ngoại giao Cách mạng Việt Nam. Lần đầu tiên tham gia vào một hội nghị đa phương trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, các nước lớn tham gia hội nghị đều có mục tiêu và lợi ích riêng, nhưng đoàn đàm phán của ta đã phát huy chiến thắng trên chiến trường, phát huy sức mạnh chính nghĩa của dân tộc, kiên định về nguyên tắc, nhưng mềm dẻo về sách lược để giành được những kết quả quan trọng trên bàn Hội nghị.
Nhiều bài học quý cho hôm nay và mai sau
70 năm trôi qua, tình hình quốc tế và khu vực có nhiều thay đổi, nhưng Hội nghị Geneva vẫn để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho chúng ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau. Nhiều bài học quý từ Hiệp định Geneva cần tiếp tục được nghiên cứu, đánh giá và tổng kết để kế thừa, vận dụng và phát triển trong xây dựng trường phái đối ngoại và ngoại giao mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”.
Đó là, trong tình hình quốc tế hết sức phức tạp, chịu sự chi phối của các nước lớn, cần nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; kiên định về nguyên tắc, linh hoạt, mềm dẻo về sách lược, “dĩ bất biến, ứng vạn biến”; biết giành thắng lợi từng bước trong cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ, vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Đó là, tăng cường tiềm lực, nâng cao sức mạnh tổng hợp của đất nước là nhân tố bên trong có ý nghĩa quyết định, tạo cơ sở vững chắc cho hoạt động đối ngoại để bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, duy trì hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Đó là, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; tranh thủ sự ủng hộ của các lực lượng tiến bộ, yêu chuộng hòa bình và công lý cũng như Nhân dân thế giới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đó là, phát huy vai trò của công tác đối ngoại, tăng cường đối thoại, sử dụng biện pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp, xung đột trong quan hệ với các nước, bảo đảm phù hợp với luật pháp quốc tế; ra sức giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định vì lợi ích của Nhân dân Việt Nam và Nhân dân thế giới.
Nhìn lại 7 thập kỷ kể từ ngày Hiệp định Geneva được ký kết, có thể thấy, với bản Hiệp định này, chúng ta đã thể hiện sáng ngời tâm thế, bản lĩnh và bản sắc ngoại giao Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, khẳng định mạnh mẽ thông điệp về một nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, trọng công lý và lẽ phải; có ý chí quật cường bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; sẵn sàng hợp tác hữu nghị với mọi quốc gia, dân tộc trên thế giới.
Phát huy bài học kinh nghiệm từ việc ký kết Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tiếp tục ra sức phấn đấu, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trên các lĩnh vực. Trong đó, tập trung xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và ngoại giao nhân dân.
Và, trong bất cứ hoàn cảnh nào, cần luôn bình tĩnh, tỉnh táo, nắm bắt thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế[5].
Đồng thời, tiếp tục phát huy vai trò của công tác đối ngoại trong việc giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định; huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín quốc gia, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
__________
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, t.8, tr.340-341
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, t.8, tr.340-341
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, t.8, tr.340-341
[4] Kết luận của Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương năm 1988
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tr.161-162