Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương và cơ hội của Việt Nam
Vòng đàm phán thứ 18 trong khuôn khổ Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình dương (TPP) có sự tham gia của Việt Nam đã kết thúc tại Malaysia. Một số chuyên gia cho rằng, khi Hiệp định TPP có hiệu lực, nước ta sẽ có được không ít lợi thế và sẽ nhận được thêm nhiều cơ hội mới.
Thực tế, trong thời gian tới, việc Việt Nam trở thành thành viên chính thức của TPP của nước ta sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước có nhiều lợi thế hơn thông qua tăng cường khả năng cạnh tranh một cách mạnh mẽ hơn. Điều đó sẽ mang lại thêm nhiều việc làm cho lao động trong nước và đồng thời tăng nguồn thu từ xuất khẩu cho nền kinh tế. Tham gia vào TPP chính là tạo thêm một cơ hội lớn để nước ta thực hiện những bước phát triển mạnh mẽ. So với nhiều quốc gia thành viên khác, nước ta có nhiều lợi thế hơn khi tham gia TPP thông qua những tác động từ bên ngoài kích thích nền kinh tế trong nước tăng trưởng.
Theo các chuyên gia kinh tế, sở dĩ nước ta có nhiều lợi thế hơn bởi khi xuất khẩu tăng, dòng chảy hàng hóa tiêu dùng nhập khẩu và FDI vào đầu tư trong nước sẽ mạnh và nhiều hơn. Từ đó tạo ra sự gắn kết chặt chẽ hơn giữa thị trường trong nước với chuỗi cung ứng toàn cầu. TPP không chỉ tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, mà TPP hướng đến một số lĩnh vực mà các doanh nghiệp trong nước đang được bảo hộ như mua sắm công, dịch vụ… Bên cạnh đó, vòng đàm phán thứ 18 tại Malaysia vừa qua đã kết nạp thêm Nhật Bản, tạo nên một thị trường có tổng doanh số chiếm 40% GDP toàn thế giới. Nước ta sẽ bỏ lỡ thị trường lớn và đầy tiềm năng này nếu đứng ngoài cuộc chơi TPP. Bởi một điều tất yếu đó là người tiêu dùng sẽ chọn mua các mặt hàng của các nước thành viên TPP, do hàng hóa sẽ có giá rẻ hơn. Tham gia TPP chính là cơ hội vàng để tiếp cận thị trường các nước TPP và nhận được sự cắt giảm hầu như toàn bộ thuế quan đối với nhiều mặt hàng. Hàng hóa nước ta vào các nước và ngược lại sẽ không còn những rào cản nhất định và các doanh nghiệp trong nước cũng như nước ngoài sẽ có sân chơi rộng rãi và cạnh tranh lành mạnh hơn.
Bên cạnh những yếu tố tích cực trên, khi tham gia vào TPP, Việt Nam sẽ phải đối mặt với không ít thách thức, bởi sân chơi càng lớn, áp lực sẽ không hề nhỏ. Trước hết, các doanh nghiệp trong nước hiện chưa tận dụng được mối quan hệ với đối tác nước ngoài để thúc đẩy hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mình. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp của Mỹ đang có xu hướng chuyển mục tiêu tập trung vào thị trường các nước Đông Nam Á. Các doanh nghiệp cần sớm tìm hiểu và nắm bắt kịp thời cơ hội này để mở rộng hơn nữa hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như nâng cao năng lực sản xuất cho bản thân doanh nghiệp thông qua tăng cường hợp tác đầu tư, thương mại. Hiện chưa có doanh nghiệp trong nước nào có tiềm lực tài chính và năng lực hội nhập đủ mạnh cần có sự hỗ trợ từ bên ngoài. Mặt khác, nguồn nguyên liệu cho sản xuất của các doanh nghiệp nội địa hiện vẫn bị lệ thuộc sâu vào một số nhà cung cấp nướác ngoài TPP như Trung Quốc, Hàn Quốc… Đây là khó khăn trong đáp ứng các chỉ tiêu xuất xứ, bởi TPP chỉ giảm thuế cho những mặt hàng sử dụng nguồn nguyên liệu từ các nước thành viên. Trong khi đó, việc chuyển vùng nguyên liệu không dễ dàng thực hiện trong thời gian ngắn. Thêm vào đó, thách thức đặt ra là TPP chưa hẳn đã là một thị trường mở hoàn toàn bởi TPP sẽ đưa ra danh sách chung cho việc mở cửa ngành dịch vụ mà nước ta hiện chưa sẵn sàng, chưa thực sự muốn mở cửa. Yêu cầu về lao động cũng được TPP quy định tương đối khắt khe: nếu doanh nghiệp không bảo đảm tiêu chuẩn thì khi xuất khẩu sang các nước TPP sẽ không được hưởng ưu đãi thuế quan. Bởi vậy, các doanh nghiệp trong nước nếu không tập trung cải thiện điều kiện sản xuất kinh doanh từ bây giờ thì không những không tận dụng được cơ hội mà còn có khả năng trắng tay trên sân nhà.
Hơn lúc nào hết, tự thân các doanh nghiệp phải nỗ lực hơn nữa trong việc tìm hiểu thông tin về TPP, cùng chia sẻ tìm ra giải pháp để vượt qua khó khăn thách thức, không phó mặc, ỷ lại vào chính sách của Nhà nước. Đồng thời, chủ động tham gia bảo vệ quyền lợi của quốc gia, vận dụng thông tin đã thu thập vào chiến lược hoạt động của doanh nghiệp, bảo đảm có thể thích nghi sau khi nước ta là thành viên của TPP.