Hiện tượng văn xuôi Ấn Độ: Cuộc đối thoại giữa hai đại thụ

Hồ Anh Thái 11/02/2010 00:00

Việc tiểu thuyết Cọp trắng của Aravind Adiga đoạt giải Man Booker 2008 thêm một lần khẳng định rằng dòng văn xuôi tiếng Anh của Ấn Độ đang phát huy ảnh hưởng trên thế giới.

Hiện tượng văn xuôi Ấn Độ: Cuộc đối thoại giữa hai đại thụ ảnh 1

Đóng góp của một dòng văn học

Cọp trắng là tác phẩm thứ tư của các nhà văn Ấn Độ đoạt giải thưởng của khối những nước nói tiếng Anh, mức độ danh giá có lẽ chỉ đứng sau giải Nobel văn học mà thôi. Ba tác phẩm đoạt giải trước đó là Lũ trẻ sinh ra lúc nửa đêm, 1981 (nhà văn gốc Ấn Salman Rushdie), Trùm chuyện vặt, 1997 (nữ văn sĩ Arundhati Roy, bản dịch tiếng Việt là Chúa trời của những chuyện vụn vặt), Di sản của mất mát, 2006 (nữ văn sĩ Kiran Desai). Kể thêm tác giả Jhumpa Lahiri (tập truyện Người dịch bệnh) với giải Pulitzer Mỹ năm 2000, hoặc một đội ngũ những tác giả Ấn Độ nổi danh thế giới như Anita Desai với Bị giam giữ (In Custody), Vikram Seth với Chú rể tốt (A suitable boy), Amitabh Gosh với Hình bóng (The Shadow lines), Khuswant Singh với Delhi, Bharati Mukherjee với Hoa nhài (Jasmine), Manil Suri với Cái chết của Vishnu (The death of Vishnu), Vikas Swarup với Triệu phú khu ổ chuột... thì người ta có thể nói đến một hiện tượng văn học Ấn Độ - tràn đầy hơi thở đời sống, thấm đẫm bản sắc, và độc đáo hiếm thấy. Hiện tượng này cũng góp phần tạo ra một thứ tiếng Anh mới, sinh động và khác lạ. Rất nhiều khái niệm văn hóa và đời sống tưởng như dị biệt đã được bổ sung vào tiếng Anh, ban đầu là chữ nghiêng rồi dần dần bình thường hóa, không in nghiêng nữa. Nhiều từ tiếng Anh ta sử dụng hiện nay có nguồn gốc Ấn Độ, đấy là công sức không nhỏ của dòng văn học Ấn viết tiếng Anh. Không còn là chuyện lạ, trong những hiệu sách Âu Mỹ, đã và đang có nhiều người mọt sách bước chân vào để tìm mua tiểu thuyết Ấn Độ.

Lịch sử văn học Ấn Độ ghi nhận tác phẩm viết bằng tiếng Anh đầu tiên là Dean Mahomet du ký (Travels of Dean Mahomet) của Sake Dean Mahomet, xuất bản năm 1793 ở Anh. Đại văn hào Rabindranath Tagore (giải Nobel văn học năm 1913) viết bằng tiếng Bengali và tiếng Anh, đồng thời dịch những tác phẩm tiếng Bengali của mình ra tiếng Anh. Còn R. K. Narayan (1906-2001), ngay từ những tác phẩm đầu tay đã được nhà văn Anh Graham Green giới thiệu cho một nhà xuất bản ở Anh và Narayan đã viết bằng tiếng Anh suốt cuộc đời gần một thế kỷ của mình.

Ấn Độ qua cái nhìn Âu Mỹ?

Xin hãy thử khảo sát những yếu tố thành công của văn xuôi Ấn Độ qua cuốn tiểu thuyết Cọp trắng của Aravind Adiga (bản tiếng Việt của nxb Trẻ và DT Books, 2009). Cuốn tiểu thuyết thành công nhờ một số điểm: chạm đến những vấn đề cốt lõi của nhân sinh, chọn được hình thức kể chuyện phù hợp, và sử dụng một thứ ngôn ngữ thật đặc sắc.

Không chỉ là cái nhìn về đất nước Ấn Độ hiện đại, tác giả cho thấy một cõi nhân sinh giống như cái chuồng gà giữa chợ: lũ gà “thấy ruột gan của anh em mình la liệt xung quanh. Chúng biết tiếp theo sẽ đến lượt chúng. Nhưng chúng không nổi loạn. Chúng không tìm cách thoát khỏi chuồng”. Hình ảnh cõi vô minh tăm tối này chỉ có thể được thay đổi bằng quyết tâm giải phóng khỏi kiếp giam cầm, tự mình phải là một con cọp trắng “loài vật mà trong rừng mỗi thế hệ chỉ có một con”. Sự vượt thoát, trớ trêu thay, lại cũng phải đè đầu cưỡi cổ người khác, thậm chí phải tiêu diệt sinh mạng khác. Sự thức tỉnh đương đại, xem ra cũng là giễu cợt khi tác giả dẫn lời một người Bà La Môn hỏi xem Đức Phật là người hay là thần, và Người đã trả lời: “Không là gì cả. Ta chỉ là kẻ thức tỉnh trong khi các người còn say ngủ”.

Vấn đề tham nhũng, vấn đề đẳng cấp, giàu nghèo, và những xung đột về sắc tộc, tôn giáo... không chỉ là hình ảnh về một nước Ấn Độ hiện đại. Đúng hơn, nó là hình ảnh Ấn Độ theo cái nhìn phương Tây. Điều này là có lý, Aravind Adiga và những nhà văn Ấn Độ viết tiếng Anh đều là những người “Tây học” và “ Âu hóa”, xuất thân trung lưu, họ không thể tránh được cái gọi là “bóng ma so sánh” – khái niệm của giáo sư chính trị học Mỹ Benedict Anderson: chủ nghĩa thực dân đã ra đi từ lâu, nhưng bóng ma so sánh vẫn ám ảnh giới trí thức bản địa. Họ nhìn đời sống đất nước mình trong sự so sánh theo những chuẩn mực Âu Mỹ. Không thể trách, và cũng có thể hiểu được trong thời đại toàn cầu hóa.

Vì sao tác giả lại để cho nhân vật Balram trong bảy đêm viết thư cho thủ tướng Trung Quốc? Đêm, bởi vì đó là lúc như anh ta dẫn lời Phật, thế gian đều say ngủ, chỉ duy nhất anh ta là người tỉnh thức (giác ngộ). Cho thủ tướng Trung Quốc, bởi đây là khao khát đối thoại giữa hai cổ thụ văn hóa, hai nền văn minh sớm bậc nhất của loài người. Phép so sánh Ấn Độ với Trung Quốc được tác giả coi là sự cứu rỗi, hay cũng là sự giễu cợt và sẽ chẳng đi đến đâu cả? Mỗi độc giả sẽ có cách lý giải của mình. Phép so sánh này gợi nhớ chuyện khác: một thanh niên ấn đã lên mạng so sánh Ấn Độ với sự tiến bộ của Thái Lan (được coi là nền văn hóa có yếu tố phái sinh từ Ấn Độ, một nhánh nhỏ) và việc so đo khập khiễng này chứng tỏ sự sốt ruột và bất bình trước tốc độ chuyển mình của đất nước.

Bản dịch Cọp trắng của Thi Trúc thanh thoát, lột tả được thứ văn hoạt, tự nhiên, hòa trộn giữa ngôn ngữ dân dã và cách lập luận trí thức, sự hài hước vừa ấn vừa Âu của Arvinda Adiga. Dịch giả Nham Hoa cũng đã làm được điều này với tiểu thuyết Di sản của mất mát của Kiran Desai (nxb Văn Học và Nhã Nam 2008). Như vậy là độc giả Việt Nam có được may mắn, nhờ công phu ngôn ngữ của các dịch giả, mặc dù khó có thể bàn đến ngôn ngữ của tác phẩm dịch vì dịch là mất văn (lost in translation). Nhưng từ đây cũng có thể thấy cá tính ngôn ngữ của các nhà văn ấn mạnh mẽ đến mức có thể tràn qua công đoạn chuyển dịch để khi sang một ngôn ngữ khác vẫn giữ được ấn tượng.

Ảnh hưởng toàn cầu

Ở Ấn Độ, tiếng Anh là ngôn ngữ của công sở, nhưng đất nước này có hàng trăm ngôn ngữ, trong đó 19 thứ tiếng phổ biến được công nhận là ngôn ngữ chính. Dòng văn học đa ngôn ngữ này được coi là sức sống của nền văn học Ấn, nhưng ảnh hưởng của nó khó vượt qua hàng rào ngôn ngữ. Văn học tiếng Anh (Indo-Anglian literature), có thể bị kêu là văn học của giới trung lưu và sặc mùi bơ sữa phương Tây, lại đồng thời lớn mạnh không ngừng, có được người đọc trong hàng trăm triệu người trung lưu trên tiểu lục địa Ấn Độ, và bây giờ có uy tín trên khắp thế giới.

Salman Rushdie sau khi đoạt giải Booker năm 1981 đã liên tục xuất bản những cuốn sách có chất lượng và gây được dư luận, trở thành ứng cử viên nhiều năm liền của giải Nobel văn học. Trong khi chiều kích tiểu thuyết nhiều khi tưởng là hữu hạn, Kiran Desai với Di sản của mất mát lại có thể chạm đến những góc sâu tinh tế đến như vậy của tâm hồn. Triệu phú khu ổ chuột thì được đạo diễn người Anh Danny Boyle chuyển thể thành bộ phim vang danh toàn cầu và đoạt tám giải Oscar 2009. Còn Arundhati Roy, được tạp chí People bình chọn là một trong 50 người đẹp toàn cầu, đã trở thành nhà hoạt động xã hội nổi bật ở Ấn Độ và cây bút tiểu luận hàng đầu trên thế giới. Tiểu luận Chiến tranh là hòa bình (War is Peace) của chị làm xôn xao báo chí Âu Mỹ vào thời điểm xảy ra vụ 11.9.2001 và chiến tranh ở Afghanistan.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Hiện tượng văn xuôi Ấn Độ: Cuộc đối thoại giữa hai đại thụ
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO