Hiện thực hóa tỷ lệ che phủ rừng

- Thứ Năm, 12/11/2020, 06:29 - Chia sẻ
Sáng qua, (11.11) với tỷ lệ 89,21% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. Nghị quyết đề ra 12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó, chỉ tiêu về tỷ lệ che phủ rừng là 42%.

Có một điều khá trùng hợp, đó là cách đây đúng 1 năm, vào sáng ngày 11.11.2019, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020. Nghị quyết của Quốc hội cũng đề ra 12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%.

So với năm trước, một số chỉ tiêu của Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 đã có sự thay đổi, tuy nhiên, tỷ lệ về che phủ rừng vẫn được giữ nguyên ở con số 42%. Đây là con số đã được Quốc hội thảo luận, cân nhắc kỹ lưỡng. Bởi theo như Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Nghị quyết này, các chỉ tiêu đã được tính toán trên cơ sở bối cảnh trong nước, quốc tế, cơ sở kết quả thực hiện của năm 2020 và các nguồn lực hiện có để triển khai trong năm 2021.

Liên quan đến chỉ tiêu tỷ lệ che phủ rừng, trong Báo cáo tiếp thu, giải trình cũng cho thấy, trong số các nhiệm vụ đã được bổ sung có nội dung: “Xây dựng và thực hiện chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững, nâng cao tỷ lệ che phủ, chất lượng rừng, đa dạng sinh học và tăng trưởng kinh tế lâm nghiệp”. Điều này cho thấy, vấn đề chất lượng, tỷ lệ che phủ rừng được Quốc hội đặc biệt quan tâm.

Thực tế cho thấy, rừng không chỉ mang lại những giá trị lớn về kinh tế mà còn giúp bảo đảm cân bằng sinh thái nếu giữ được tỷ lệ rừng theo đúng quy định. Một trong những nguyên nhân của những trận lũ lịch sử, gây sạt lở đất, ngoài yếu tố bất thường của biến đổi khí hậu, còn có nguyên nhân từ con người trong việc phá rừng bởi lâm tặc, phá rừng làm nương rẫy... Thời gian qua, miền Trung đã chịu ảnh hưởng nặng nề của mưa lũ và sạt lở đất, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Một lần nữa gióng lên một hồi chuông về sự cần kíp về bảo đảm tỷ lệ che phủ rừng. Có lẽ, đây cũng là một trong những lý do, vấn đề liên quan đến rừng trở nên “rất nóng” tại diễn đàn Kỳ họp thứ Mười ở cả phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, lẫn phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) đã nêu chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng khẳng định chúng ta đã làm tốt công tác bảo vệ rừng với độ che phủ là 42%, tuy nhiên, qua Google Maps có thể thấy rõ chất lượng rừng nhiều nơi ở nước ta rất thấp so với các nước có chung đường biên giới, nhất là Lào và Campuchia. Phải chăng năng lực bảo vệ rừng của chúng ta không tốt bằng các nước trên?

Trả lời chất vấn đại biểu về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã thừa nhận việc theo dõi bản đồ Google Maps cho thấy rừng ở Việt Nam ít hơn Lào, Campuchia là hoàn toàn chính xác. Bởi vì, tỷ lệ che phủ rừng của Lào hiện nay là 58%, của Campuchia hiện nay là 47%, trong khi của Việt Nam thì ít hơn, hiện tỷ lệ che phủ rừng là 41,89%, xấp xỉ 42%.

Rõ ràng, với những thông tin mà Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chia sẻ thì tỷ lệ che phủ rừng của chúng ta mới chỉ gần chạm mốc 42%. Do đó, để thực hiện được chỉ tiêu Nghị quyết Quốc hội giao trong năm 2021, vẫn còn tỷ lệ 0,11% buộc Chính phủ phải nỗ lực để thực hiện. Tuy nhiên, để hiện thực hóa tỷ lệ này cũng cần sự nỗ lực rất lớn từ phía Chính phủ và các bộ, ngành liên quan. Muốn vậy, phải kiên quyết, không chuyển diện tích rừng tự nhiên. Phải tuân thủ nghiêm Luật Lâm nghiệp về chuyển đổi diện tích rừng để hạn chế đến mức thấp nhất những hậu quả có thể xảy ra. Đối với 4,3 triệu hecta rừng trồng nhưng cơ cấu cây trồng chủ yếu là keo chiếm tỷ lệ nhiều, độ che phủ và độ chống chịu thiên tai kém, đã đến lúc chúng ta cần nghiên cứu thay dần các cây gỗ lớn bằng các cây bản địa để vừa bảo đảm tăng giá trị kinh tế, vừa tăng độ che phủ rừng, bảo đảm chất lượng bền vững trước thiên tai.

Ngoài ra, cần có cơ chế chính sách để thu hút người dân tham gia bảo vệ rừng. Đây cũng là một trong những giải pháp quan trọng để thu hút nhân lực tại chỗ trong việc bảo vệ rừng hiệu quả. Cùng với đó, xử lý thật nghiêm tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái phép, trong đó có lực lượng được giao nhiệm vụ quản lý và bảo vệ rừng. Bởi thực tế cho thấy, không có gì phá rừng nhanh bằng việc có sự cấu kết, bắt tay chặt chẽ giữa lực lượng chức năng với các đối tượng “lâm tặc”.

Hà An