Hiện thực hóa quyền của phụ nữ khuyết tật

- Thứ Tư, 01/07/2020, 07:36 - Chia sẻ
Sau khi tham gia các Công ước CEDAW về xóa bỏ mọi kỳ thị đối với phụ nữ, Việt Nam đã từng bước nội luật hóa các quy định của công ước... Theo đó, nhiều văn bản quy phạm pháp luật tạo điều kiện nâng cao năng lực cho phụ nữ nói chung, phụ nữ khuyết tật nói riêng đã được ban hành... Tuy vậy, trên thực tế vẫn còn một số quy định chỉ tồn tại trên giấy.

Bài 1: Những con số biết nói

Mặc dù “bạo lực trên cơ sở giới” là một trong những hành vi bị nghiêm cấm, song hiện nay, các vụ bạo lực với phụ nữ, trẻ em gái nói chung, phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật ở Việt Nam nói riêng không có chiều hướng giảm. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này đó là do định kiến giới. 

Nạn nhân của mọi hình thức bạo lực 

Theo thống kê, Việt Nam có khoảng hơn 6,2 triệu người khuyết tật, chiếm hơn 7% dân số từ 2 tuổi trở lên, trong đó 5,8% là nữ giới và 1,2 triệu trẻ em gái khuyết tật. Theo Công ước CEDAW - công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, trong đó có phụ nữ khuyết tật mà Việt Nam đã tham gia, song bạo lực giới vẫn là một hiện tượng phổ biến và phức tạp, thể hiện dưới nhiều hình thức, từ bạo lực gia đình đến quấy rối tình dục. Nhất là đối với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật càng có nguy cơ trở thành nạn nhân của mọi hình thức bạo lực (bạo lực tinh thần, bạo lực thể chất, bạo lực kinh tế và bạo lực tình dục).

Rào cản về mặt tiếp cận tư pháp là một trong những nguyên nhân khiến phụ nữ khuyết tật không dám lên tiếng

Dẫn chứng số liệu nghiên cứu của Hội Trợ giúp người khuyết tật Việt Nam (VNAH), Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Hành động vì sự phát triển hòa nhập (IDEA) Nguyễn Hồng Oanh cho biết, từ năm 2013, có tới 29% người khuyết tật tham gia nghiên cứu từng bị bạo lực bởi người lạ, 36% từng bị bạo lực bởi người quen và 25% từng bị bạo lực bởi các thành viên trong gia đình. Mới đây nhất, nghiên cứu của Trung tâm Hành động vì sự phát triển cộng đồng tại huyện Ba Vì (Hà Nội) và quận Thanh Khê (Đà Nẵng) cũng cho thấy, cứ 10 phụ nữ khuyết tật thì có 4 người đã từng bị ít nhất một hình thức bạo lực tình dục...

“Tỷ lệ này cho thấy tình trạng bị bạo lực giới trong nhóm người khuyết tật cao hơn nhóm không khuyết tật. Hơn nữa, phụ nữ khuyết tật thường gặp nhiều rủi ro, dễ bị lạm dụng lao động và tình dục hơn so với những phụ nữ không khuyết tật, các quyền về sức khỏe sinh sản của họ ít được quan tâm và bảo đảm” - bà Oanh nhấn mạnh.

Tủi phận vì bị kỳ thị 

Mặc dù là một trong số ít phụ nữ khuyết tật mạnh mẽ, tự tin, vượt lên số phận để có thể đứng vững trên đôi chân của mình trong cuộc sống cũng như trong hoạt động công tác xã hội, song chị Kim T. Đ xã Kim Bài, Ba Vì, Hà Nội cũng không khỏi có những lúc chạnh lòng bởi sự kỳ thị của chính người thân và xã hội. Chị Đ tâm sự: Tôi sinh ra vốn lành lặn, nhưng số phận thật trớ trêu, trong một lần đang lao động sản xuất thì bàn tay phải của tôi đã bị cưa đứt phăng. Ban đầu cũng tủi thân lắm, anh em họ hàng làng xóm ái ngại cho tôi bởi giờ cụt mất tay, làm gì nên ăn đây? Nhưng với sự quyết tâm của bản thân, tôi đã rèn luyện để tay còn lại có thể làm được tất cả các việc. Nhưng không phải như vậy đã xong, trước đây làm công tác hội phụ nữ, thì sau khi bị tật, chồng tôi ngăn cản không cho tôi tham gia công tác xã hội nữa, anh cũng như nhiều người khác luôn có định kiến.

Theo thống kê hiện nay, nước ta có khoảng 3,5 triệu phụ nữ khuyết tật, 1,2 triệu trẻ em gái khuyết tật. Theo các chuyên gia về giới, phụ nữ khuyết tật gặp rất nhiều định kiến, khó khăn và có nguy cơ trở thành nạn nhân của bạo lực giới. Đây là những đối tượng phải chịu sự phân biệt đối xử “kép” vì lý do khuyết tật và giới.

Tương tự, chị Vũ T. N. ở thôn Vân Sa, xã Tản Hồng, huyện Ba Vì, mặc dù chị chưa bị chồng bạo lực về thể xác, nhưng lại thường xuyên bạo lực tinh thần khiến chị thường xuyên bị ức chế, trầm cảm, tủi phận, nhưng cũng đành im lặng, không dám kêu than nửa lời bởi chị biết thân phận mình khuyết tật. Chị N. tâm sự: Cũng chỉ bởi khuyết tật tay, lại thêm cơ thể yếu không làm được việc gì nên em chỉ loanh quanh ở nhà trông con, sống hoàn toàn phụ thuộc vào chồng. Nhiều khi vì áp lực, gánh nặng cơm áo gạo tiền đè lên cả đôi vai, nhất là trong đại dịch Covid-19 vừa rồi, chồng em bất đắc dĩ phải nghỉ việc thợ xây nên có lúc cáu bẳn, nhiếc móc coi em là gánh nặng... Những lời nói đay nghiến của anh ấy như muôn vàn lưỡi dao, muôn vàn cái roi cứa vào da thịt, nhiều hôm bị chửi mà em uất nghẹn, chỉ muốn kết thúc cuộc đời cho khỏi khổ...

Chia sẻ những nguyên nhân dẫn đến nguy cơ bạo lực giới đối với phụ nữ khuyết tật, các chuyên gia về giới nhận định: Phần lớn người khuyết tật sống ở vùng nông thôn, có gia cảnh nghèo khó, thậm chí rất nghèo. Những yếu tố đó khiến người khuyết tật thường mang trong mình cảm giác tự ti và còn nhiều bất cập, thách thức với sự thích ứng trong cuộc sống do khó khăn về kinh nghiệm sống, về sức khỏe và khả năng thu nhập. Đây chính là những rào cản khiến người khuyết tật khó hòa nhập cộng đồng, thậm chí không có tiếng nói ngay trong gia đình mình. Đặc biệt là phụ nữ và trẻ em khuyết tật thường là những nhóm bị gạt ra ngoài lề xã hội và phải đối mặt với nhiều thách thức về quyền. Bên cạnh đó, nhiều chị em phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật chưa được tiếp cận với kiến thức cũng như dịch vụ tư pháp, nên khi xảy ra sự cố bị bạo lực, họ thường im lặng nên vô hình trung đánh mất quyền của mình.

 

Bài và ảnh: Bảo Hân