Hiện thực hóa khát vọng hùng cường

- Thứ Tư, 18/11/2020, 06:44 - Chia sẻ
Phát biểu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Mười, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, chúng ta không sợ rơi vào bẫy thu nhập trung bình, không sợ tụt hậu về kinh tế mà sợ nhất chính là thiếu ý chí, khát vọng, thiếu hành động để đạt được mục tiêu phát triển đất nước.

Tôi rất ấn tượng và đồng tình với quan điểm này. Vậy làm thế nào để chúng ta khơi dậy và đưa ý chí, khát vọng trở thành văn hóa, thành động lực và nguồn lực thực sự phát triển đất nước trong giai đoạn tới? Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore đi lên đâu phải bằng nguồn lực vật chất. Họ là những quốc gia toàn đảo, điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên đều khó khăn. Nhưng họ đã đi lên bằng động lực tinh thần, bằng khát vọng, bằng sự phát triển, bằng ý chí hùng cường, thịnh vượng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh trước Quốc hội rằng, “thịnh vượng và phát triển - quyết chí ắt làm nên”. Vậy bây giờ, “quyết chí” bằng cơ chế gì để tạo ra sự đột phá và tạo ra động lực về tinh thần trong xã hội? Có rất nhiều giải pháp để khơi dậy ý chí, khát vọng của Nhân dân, trong đó cần tập trung vào 4 vấn đề quan trọng:

Một là, xây dựng chuẩn giá trị về văn hóa, về xây dựng con người trong giai đoạn mới hiện nay. Trong cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế sâu rộng, sự tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì chuẩn văn hóa của con người Việt Nam phải như thế nào?

Hai là, phải làm tốt công tác giáo dục và nêu gương.

Ba là, phải xử lý hài hòa các lợi ích. Đây là vấn đề cốt lõi bởi lợi ích là động lực thúc đẩy con người hành động trong xã hội. Thời chiến tranh, cán bộ, đảng viên và đồng bào không nghĩ đến quyền lợi của mình, không nghĩ đến sau khi kết thúc chiến tranh sẽ được hưởng chế độ, chính sách gì. Lợi ích trên hết lúc đó là độc lập, tự do. Vì thế, chúng ta quy tụ được sức mạnh toàn dân tộc để giành chiến thắng trong các cuộc chiến khốc liệt, giành lại độc lập, tự do cho đất nước, cho nhân dân.

Trong thời kỳ hòa bình, xây dựng và phát triển hiện nay, vấn đề lợi ích kinh tế phải được giải quyết thỏa đáng bởi chúng ta làm việc và được hưởng thụ thế nào thì sẽ khơi dậy được sự sáng tạo, khơi dậy được ý chí và quyết tâm. Cơ chế xử lý các lợi ích phải hài hòa giữa Nhà nước với người lao động, các doanh nghiệp, người tốt, người không tốt.

Hiện nay, việc xử lý hài hòa các lợi ích vẫn còn nhiều điểm chưa bảo đảm sự công bằng nên chưa tạo ra động lực. Người làm nhiều, cống hiến nhiều nhưng không được gì hoặc được thành quả không tương xứng với sự cống hiến, còn người cống hiến ít lại được thụ hưởng nhiều là không công bằng. Nếu không công bằng thì ai sáng tạo, ai năng động, ai khát vọng để phát triển được? Kể cả trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, hoạt động của các doanh nghiệp cũng tương tự như vậy. Trung ương cần xem xét để xử lý vấn đề này, cải tiến, đổi mới bằng cơ chế, chính sách để thúc đẩy động lực của con người trong xã hội. Tất nhiên, việc này là cả một quá trình nhưng Trung ương cần đầu tư để ra được những quy định cụ thể rồi từng bước hoàn thiện.

Thứ tư, phải có cơ chế khuyến khích người tài, khuyến khích đổi mới sáng tạo, bảo vệ người dám đổi mới và bảo vệ những người đổi mới với mục tiêu trong sáng, lành mạnh. Một thực trạng hiện nay ở nhiều địa phương, nhiều cấp không dám làm vì làm thì sợ sai. Hiện nay, rất nhiều địa phương, rất nhiều ngành, rất nhiều cấp không dám làm, đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai nên làm chậm đi tiến trình thủ tục, chậm thời cơ, mất đi cơ hội của người dân và của doanh nghiệp. Bây giờ quan điểm chỗ này như thế nào để làm sao động viên được sự sáng tạo, động viên sự dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới vì mục tiêu phát triển, vì lợi ích chung?

Muốn khơi dậy và hiện thực hóa ý chí, khát vọng phát triển đất nước trong tất cả các tầng lớp Nhân dân thì phải có cơ chế cụ thể để khuyến khích những người có khát vọng, bảo vệ đổi mới, bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm. Cơ chế này phải thực chất mới tạo ra sự đồng thuận, tạo ra nguồn lực về tinh thần “đào núi và lấp biển - quyết chí ắt làm nên” như Bác Hồ đã căn dặn. Cả dân tộc Việt Nam đã đổ máu để giành lại độc lập tự do thì chắc chắn chúng ta không thể chịu tụt hậu, không thể chịu nghèo nàn mà phải vươn lên sánh vai cùng các nước. 5 năm qua, chúng ta đã đạt được những thành tích rất đáng tự hào và củng cố thêm niềm tin trong Nhân dân. Vì thế, phải làm sao để khát vọng phát triển đất nước thịnh vượng, hùng cường được thể hiện bằng cơ chế, bằng những quy định để hiện thực hóa trong thực tế.

ĐBQH Huỳnh Thanh Cảnh (Bình Thuận)