Hiến pháp vì dân: Tạo niềm tin của dân vào cơ chế hiến định
Trên thế giới có những Hiến pháp được đánh giá rất cao nhờ tính chất vì dân. Tính chất vì dân thể hiện rõ nhất trong ý đồ, thiết kế, nội dung, cấu trúc nhằm bảo vệ các quyền của con người, kể cả các quy định về chính quyền.
![]() Người dân Ai Cập trưng cầu dân ý về Hiến pháp hôm 19.3.2011 |
Cũng trên phương diện ghi nhận và bảo vệ các quyền và tự do của con người, Hiến pháp 1949 của Liên bang Đức có cách tiếp cận khác. Hiến pháp Đức sắp xếp thứ tự các quyền như sau: trước hết là nhân phẩm (không được thể hiện trực tiếp trong Hiến pháp Mỹ), tiếp đó là tự do và bình đẳng; sau nữa là các quyền khác. Để tránh những bài học cay đắng từ quá khứ, các nhà lập hiến Đức nhấn mạnh sự bất khả xâm phạm của nhân phẩm, và coi các quyền con người không phải do nhà nước ban cho, mà vốn có từ lúc sinh ra, chính các quyền đó tạo ra giới hạn hành động của nhà nước.
Hiến pháp ở các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng rất chú trọng đến việc ghi nhận, bảo vệ quyền con người. Trong 103 điều của Hiến pháp Nhật Bản có tới 31 điều nói về quyền và nghĩa vụ của nhân dân, mô tả chi tiết và phản ánh cam kết tôn trọng các quyền cơ bản của con người một cách rõ ràng. Còn ở Hàn Quốc, Chương II của Hiến pháp (từ Điều 10 đến Điều 39) được coi như đạo luật về quyền con người. Hiến pháp Hàn Quốc mặc dù sửa nhiều lần, nhưng chương về quyền gần như được giữ nguyên.
Không những ghi nhận, một Hiến pháp vì dân cũng thường có những cơ chế bảo vệ hiến pháp, bảo đảm quyền tự do của công dân không bị xâm phạm, để một công dân đều cảm nhận được vị thế lớn lao của mình. Cảm giác của người dân rất quan trọng, vì nói như Montesquieu, “tự do (của người dân) xuất phát từ niềm tin rằng (họ) được sống trong sự an toàn”. Hiến pháp vì dân sẽ tạo ra niềm tin ấy, rằng họ có thể trông cậy vào các cơ chế hiến định để bảo vệ các quyền, tự do của mình, để được sống trong sự an toàn.n