Hiến pháp và quá trình hoàn thiện những chức năng cơ bản

Đăng Dung 19/10/2012 08:25

Chức năng của Hiến pháp là vị trí vai trò của Hiến pháp trong xã hội. Trong mỗi điều kiện hoàn cảnh khác nhau, vị trí, vai trò, chức năng của Hiến pháp cũng thay đổi. Nhưng cho dù có thay đổi thế nào thì nó vẫn giữ chức năng căn bản của mình. Nếu chức năng căn bản này không còn thì Hiến pháp không còn là Hiến pháp nữa.

Sau một thời gian ra đời, sang đến thế kỷ XVIII, XIX và XX, Hiến pháp đã mau chóng trở thành đạo luật tối cao mà không một đạo luật nào trong hệ thống pháp luật của quốc gia có quyền mâu thuẫn với nó. Chức năng của Hiến pháp cũng mau chóng vượt ra khỏi phạm vi hạn hẹp ban đầu là giới hạn quyền lực nhà nước, mà hơn thế, Hiến pháp còn góp phần đánh giá bước phát triển của mỗi quốc gia, khẳng định tính chính đáng của nhà nước.

Hiến pháp của các nhà nước chậm phát triển thường được thông qua trong điều kiện thành công của các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giai đoạn mà các quốc gia, dân tộc này còn đang ca khúc khải hoàn với đầy những cảm xúc chiến thắng. Lực lượng thắng thế khẳng định quyền lực thuộc về mình bằng cách thông qua một bản hiến pháp mới, phủ nhận hiến pháp hiện hành của chế độ chính trị đã bị lật đổ. Hiến pháp được thông qua như là một bản văn có nhiệm vụ quan trọng trong việc khẳng định sự chính đáng thắng lợi của lực lượng mới lên, khẳng định quyền lực nhà nước mà họ giành được là không thể thay thế. Chính vì vậy, rất nhiều bản hiến pháp được thông qua ở giai đoạn này đã không có sự suy tính, cân nhắc về những quy định giới hạn quyền lực nhà nước, ban cho lực lượng chiến thắng những quyền lực vô hạn, không khác quyền lực của các chế độ chuyên chế trước đây.

Cuộc chiến quyền lực trong quá trình soạn thảo mới ở Ai Cập
Cuộc chiến quyền lực trong quá trình soạn thảo mới ở Ai Cập

Việc thông qua một bản hiến pháp quy định quyền lực nhà nước trong điều kiện vội vàng như vậy sẽ không thể bảo đảm chức năng cần có của hiến pháp. Điều này thật là tai hại một khi cả hệ thống pháp luật sau này được thông qua phải phù hợp với các quy định của hiến pháp đó. Hegel từng cảnh báo trong tác phẩm “Triết học pháp quyền” của ông, khi ông nhận định về trường hợp Napoléon áp đặt Hiến pháp cho Tây Ban Nha: “Hiến pháp (hay thể chế) của một dân tộc phải xuyên thấm mối quan hệ bên trong nó. Chẳng hạn Napoléon đã cố mang lại cho Tây Ban Nha một hiến pháp theo kiểu áp đặt và kết quả là rất tồi. Vì Hiến pháp không chỉ đơn thuần được “làm ra”; nó là lao động nhiều thế kỷ, là ý niệm và ý thức của cái hợp lý tính (trong chừng mực ý thức ấy đã được phát triển trong một dân tộc). Vì thế, không một thể chế hay Hiến pháp nào có thể được sáng tạo ra một cách thuần túy chủ quan. Những gì mà Napoléon đã mang lại cho người Tây Ban Nha là hợp lý hơn nhiều những gì họ đã có trước đó, nhưng họ đã vất bỏ như cái gì xa lạ, bởi họ chưa được giáo dục đào luyện đến mức đó. Thể chế hay hiến pháp phải thể hiện tình cảm của dân tộc đó về những quyền và về thực trạng (hiện có) của mình; nếu khác đi nó sẽ không có ý nghĩa hay giá trị, cho dù nó có mặt. Thật thế, nhu cầu và khát vọng về một thể chế hay Hiến pháp tốt thường có nơi những cá nhân riêng lẻ, nhưng để cho quảng đại quần chúng của dân tộc ấy thấm nhuần một sự mong mỏi như thế lại là việc hoàn toàn khác, và việc này chỉ diễn ra muộn màng hơn nhiều. Nguyên tắc về luân lý của Socrate hay tính nội tâm của ông là một sản phẩm tất yếu của thời đại ông, nhưng cần có thời gian để nguyên tắc này trở thành Tự - ý thức phổ biến”. (G.W.F.Hegel, Các nguyên lý của triết học pháp quyền).

Với tư cách là một đạo luật, Hiến pháp phải có một đời sống lâu dài, không chỉ cho một lần tổ chức quyền lực nhà nước. Vì vậy, vượt lên trên những tranh chấp chính trị, hiến pháp phải có chức năng giải quyết các tranh chấp quyền lực bằng con đường hòa bình, thay cho việc giải quyết bằng con đường vũ trang. Muốn vậy thì Hiến pháp cần quy định việc phân quyền để giới hạn quyền lực và bảo đảm nhân quyền không bị vi phạm.

Tại các nước Trung Đông, Bắc Phi hiện nay, sở dĩ lực lượng cầm quyền và phe đối lập thường xuyên xảy ra xung đột dẫn đến sự tham chiến của các quốc gia bên ngoài, bởi Hiến pháp của các nhà nước này không có những quy định trù liệu cho việc giải quyết các tranh chấp quyền lực khi chúng xảy ra, hoặc có đi chăng nữa, thì chúng cũng không đủ hiệu lực cho việc giải quyết các tranh chấp. Những quy định trù liệu cho việc giải quyết các tranh chấp thường là một trong những nội dung cơ bản của chức năng giới hạn quyền lực của hiến pháp.

Với tư cách là đạo luật có hiệu lực pháp lý tối cao của mỗi quốc gia, hiến pháp ngày càng có vị trí vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh đời sống chính trị của mỗi quốc gia. Theo từng thời kỳ vai trò của hiến pháp luôn có sự thay đổi. Nhưng cho dù có thay đổi như thế nào đi chăng nữa thì hiến pháp vẫn phải giữ lại chức năng cổ điển vốn có của mình là giới hạn quyền lực nhà nước. Khi sửa đổi hiến pháp, các quốc gia luôn có xu hướng tìm lại chức năng cũ của nó. Chính sự quay trở lại này mới có khả năng làm cho hiến pháp có “đời sống pháp lý” dài hơn và ổn định hơn. Đó chính là mục tiêu chính đáng của bất kỳ sự sửa đổi nào của Hiến pháp các nước đang chuyển đổi.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Hiến pháp và quá trình hoàn thiện những chức năng cơ bản
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO