Quốc hội và Cử tri

Hiến pháp trong lòng dân - từ nghị trường đến đời sống Bài cuối: Tháo gỡ "điểm nghẽn", bất cập về tổ chức bộ máy

Diệp Anh 20/05/2025 07:17

Nhiều cử tri ở các tỉnh Bắc Trung Bộ kỳ vọng sửa đổi Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương lần này sẽ tháo gỡ những "điểm nghẽn", bất cập về tổ chức bộ máy, bảo đảm quyền lợi của người dân và thúc đẩy sự phát triển bền vững ở cơ sở, hướng tới một nền hành chính phụng sự Nhân dân.

Lấy phục vụ Nhân dân làm trung tâm

Những nội dung được bàn trong phiên thảo luận tại Hội trường Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XV về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương nhanh chóng trở thành chủ đề trò chuyện sôi nổi giữa các tiểu thương ở chợ Đồng Hới (Quảng Bình); bà Trần Thị Dương (người bán hàng lâu năm) chia sẻ: theo dõi trên truyền hình trực tiếp phiên thảo luận của Quốc hội về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương thấy gần gũi. Hiến pháp sửa đổi sẽ là nền tảng pháp lý tạo ra một hệ thống pháp luật minh bạch, dễ hiểu, điều mà người dân buôn bán nhỏ như chúng tôi đặc biệt cần - cử tri kỳ vọng.

Tại huyện Hưng Nguyên (Nghệ An), cô giáo Hoàng Thị Tuyết (giáo viên cấp III) chia sẻ mối quan tâm riêng từ góc nhìn sư phạm: tôi mong bản sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này, bên cạnh tính chặt chẽ về pháp lý sẽ được trình bày gần gũi, dễ hiểu hơn với học sinh. Khi các em hiểu được tinh thần của Hiến pháp, các em sẽ lớn lên cùng ý thức công dân và trách nhiệm với cộng đồng.

z6603661659405_1abe66a10b1869a6258b94ede2561238.jpg
Lực lượng công an Hà Tĩnh hướng dẫn người dân góp ý sửa đổi Hiến pháp. Ảnh: N.Nguyễn

Ông Lê Văn Xế (76 tuổi) ở huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) chia sẻ: các quy định lần này của dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) được trình bày rõ hơn, cụ thể hơn, giúp cho việc thực thi ở cấp xã, cấp huyện sẽ thuận lợi hơn. Người dân cũng dễ giám sát, theo dõi và đồng hành cùng chính quyền… “Tôi mong luật sửa đổi sẽ giúp chính quyền cơ sở hoạt động hiệu quả, thực sự lấy phục vụ Nhân dân làm trung tâm,” ông Xế bày tỏ.

Còn với chị Lê Thanh Trúc (phóng viên theo dõi mảng tin tức thời sự - chính trị, Báo Quảng Trị), điều khiến chị ấn tượng lần này chính là việc các đại biểu đặt ra nhiều vấn đề cốt lõi trong tổ chức bộ máy nhà nước. "Những quy định liên quan đến tổ chức chính quyền địa phương, vai trò của Mặt trận Tổ quốc hay các cơ quan tư pháp… là lĩnh vực chuyên sâu, nhưng lại rất gần với quyền lợi của người dân.

Phản ánh đúng mong mỏi của cử tri, Nhân dân

Nhiều sinh viên, đặc biệt là sinh viên ngành luật cũng dõi theo tiến trình sửa đổi Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; bạn Lê Thanh Bách, sinh viên năm cuối Trường Đại học Luật Hà Nội, quê xã Mai Giang (Thanh Chương, Nghệ An) chia sẻ: theo dõi phiên thảo luận được truyền hình trực tiếp, nhóm chúng em đã tổ chức thảo luận ngay sau đó, quan tâm nhiều đến các vấn đề, như: vai trò chất vấn của đại biểu HĐND, phân cấp trong quản lý địa phương...

Còn với bà Hoàng Thị Thu Trang - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Nghệ An, nhắc lại chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm tại cuộc họp Ban Bí thư ngày 13/5/2025: “Lấy Nhân dân làm trung tâm, phát huy vai trò chủ thể của nhân dân, đa dạng hóa hình thức góp ý; đồng thời đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái liên quan đến việc sửa đổi Hiến pháp”; bà Trang cho rằng, sau khi Hiến pháp được thông qua, cần xây dựng bộ tài liệu phổ biến dễ hiểu; đồng thời, toàn bộ hệ thống pháp luật cần rà soát lại để đồng bộ với Hiến pháp mới…

Trong cuộc trò chuyện tại khu chợ Phuống xã Mai Giang (Thanh Chương, Nghệ An), một tiểu thương chia sẻ giản dị: “Chúng tôi chỉ cần biết mình có quyền gì, ai có nghĩa vụ gì?”. Phiên thảo luận về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp và Luật Tổ chức chính quyền địa phương được phát thanh, truyền hình trực tiếp đã được đông đảo người dân theo dõi, đánh giá cao. Để khoảng cách từ nghị trường đến đời sống hàng ngày được thu hẹp, như nhiều cử tri chia sẻ, rất cần sự vào cuộc đồng bộ và trách nhiệm từ các cấp, các ngành.

Sửa đổi Hiến pháp không chỉ là câu chuyện kỹ thuật lập pháp, mà là khởi đầu cho một sự thay đổi lớn hơn trong cách tổ chức bộ máy, tiếp tục củng cố niềm tin vào một nền hành chính gần dân, phục vụ Nhân dân. Bởi vậy, có lẽ điều cốt lõi nhất lúc này không chỉ là sửa điều nào, bổ sung mục nào, mà là tinh thần lắng nghe, để từng điều chỉnh đều bắt nguồn từ cuộc sống và phản ánh đúng mong mỏi của cử tri, người dân cả nước.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Hiến pháp trong lòng dân - từ nghị trường đến đời sống Bài cuối: Tháo gỡ "điểm nghẽn", bất cập về tổ chức bộ máy
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO