TÍNH CHÍNH DANH CỦA HIẾN PHÁP

Hiến pháp sống với đời

- Thứ Sáu, 29/11/2013, 08:43 - Chia sẻ
Cải cách Hiến pháp không phải là một sự việc nhất thời, mà là một hành trình diễn ra liên tục, trong đó Hiến pháp phải là một thực thể sống, và sức sống đó được trui rèn qua những lần sửa đổi, qua hoạt động lập pháp của Nghị viện và qua tinh thần áp dụng Hiến pháp trong thực tiễn.

Ở các nước thuộc hệ thống thông luật, thẩm quyền của các thiết chế tài phán bảo hiến đã làm nên sức sống lâu dài của Hiến pháp, vì qua mỗi vụ việc, cách giải thích Hiến pháp trong các phán quyết của tòa án liên quan đến các vấn đề hiến định đã thường xuyên bồi đắp nền tảng do bản Hiến pháp tạo ra, như những lớp phù sa qua hàng trăm năm bồi đắp bãi ven sông, là “sự tích tụ xuyên thế hệ”, khi các giá trị Hiến pháp của thế hệ này hòa quyện với các giá trị của thế hệ trước, mà có thể cách giải thích Hiến pháp của thế hệ sau không chấp nhận được đối với thế hệ lập hiến, nhưng lại hợp lệ trong một hệ thống các giá trị của những người hậu thế. Hiến pháp thông luật đó vừa “sống với đời” hiểu theo nghĩa thích ứng, thay đổi theo thời cuộc, đồng thời vừa bảo vệ những nguyên tắc, giá trị căn bản trước sức ép của những quan niệm, ý chí chủ quan nhất thời, không cho phép một ai có thể thao túng, diễn giải theo ý niệm của riêng mình. Trong lịch sử lập hiến của Mỹ, Anh, Canada, Australia… đã có nhiều trường hợp Tòa án giải thích, áp dụng Hiến pháp và phán quyết không theo cách hiểu nguyên thủy thời Hiến pháp được ban hành.

Không những ở các nước thông luật, thực tiễn ở các nước dân luật cho thấy, vai trò của tài phán hiến pháp, cụ thể là của Tòa án bảo hiến rất lớn trong việc cập nhật Hiến pháp, làm cho Hiến pháp đáp ứng những thay đổi trong xã hội. Mặc dù trong hơn 60 năm qua, Hiến pháp Đức được sửa đổi 57 lần, và chỉ còn một nửa trong tổng số các điều là còn giữ nguyên như năm 1949, nhưng hầu hết những thay đổi quan trọng của Hiến pháp Đức không thể tìm thấy trong bản văn, mà chính là nhờ các phán quyết của Tòa án Hiến pháp nước này. Thay vì chỉ bám vào câu chữ, Tòa đã sử dụng phương pháp giải thích Hiến pháp sáng tạo, rộng mở để mang lại sức sống đời thường cho các nguyên tắc hiến định căn bản. Sau 1949, nhất là với vai trò của Tòa án Hiến pháp, dù giải quyết vấn đề gì của chính quyền, người ta đều giở Hiến pháp ra và tìm đến các phán quyết của Tòa án Hiến pháp, theo giới hạn của Hiến pháp đặt ra, mà các quyền hiến định là giới hạn quan trọng nhất. Thực tiễn này là bằng chứng không thể thuyết phục hơn về sức sống của Hiến pháp trong đời sống xã hội Đức.

Còn ở Pháp, từ năm 1971, thẩm quyền của Hội đồng hiến pháp được mở rộng sang lĩnh vực quyền và tự do công dân được nhắc đến trong Lời nói đầu của Hiến pháp 1958, theo đó Hội đồng kiểm tra sự phù hợp của luật không chỉ đối với các quy phạm của Hiến pháp, mà còn đối với Lời nói đầu. Động thái này của Hội đồng bảo hiến đã làm cho Hiến pháp 1958 có sức sống hơn trên hai phương diện: thứ nhất, bảo vệ quyền và tự do công dân; thứ hai, coi Lời nói đầu vốn có tính chất tuyên ngôn có hiệu lực áp dụng trực tiếp như những quy phạm hiến pháp khác.

Kỹ thuật lập hiến cũng là yếu tố then chốt làm nên sức sống của Hiến pháp. Dù có những điểm khác nhau, nhưng các bản Hiến pháp hay được viện dẫn thường có kỹ thuật thể hiện ngắn gọn, cô đọng, khái quát cao, tập trung thể hiện những nguyên tắc cơ bản, phổ quát, nhưng không mơ hồ, và đặc biệt là có tính hiệu lực trực tiếp, ràng buộc nghĩa vụ pháp lý của chính quyền.

Nguyên Lâm