Hiến pháp nhu tính và cương tính
Một đặc tính của hiến pháp là tính ổn định. Nhưng ổn định không có nghĩa là không thay đổi. Ngược lại, sự thay đổi của hiến pháp lại phải đáp ứng đặc tính ổn định. Việc sửa đổi, bổ sung hiến pháp thường gắn với những thay đổi trong đời sống xã hội hoặc khi mối tương quan lực lượng chính trị thay đổi.
Quy trình đúng trong việc sửa đổi, bổ sung hiến pháp sẽ giúp đáp ứng hai yêu cầu trên. Phương pháp thông dụng nhất và phổ biến nhất là thay thế những quy định cũ bằng những quy định mới hoặc bổ sung quy định mới, bãi bỏ quy định cũ. Phương pháp này được đa số các nước trên thế giới áp dụng. Ưu điểm của phương pháp này là không đòi hỏi người áp dụng Hiến pháp phải đối chiếu quy phạm mới với quy phạm cũ của Hiến pháp để xác định quy định nào còn hiệu lực, quy định nào đã hết hiệu lực.
![]() Một phiên biểu quyết thông qua Hiến pháp sửa đổi tại Nghị viện |
Nguồn: Getty Image |
Phương pháp thứ hai là đưa những sửa đổi, bổ sung vào hiến pháp trở thành một phần không tách rời của hiến pháp mà không loại bỏ những điều khoản, quy định của Hiến pháp trước. Ví dụ 27 tu chính sửa đổi, bổ sung của Hiến pháp Hoa Kỳ là một phần của Hiến pháp hiện hành trong khi Hiến pháp năm 1787 với 7 điều vẫn giữ nguyên không thay đổi suốt hơn 200 năm qua. Nếu so với phương pháp sửa đổi Hiến pháp thứ nhất thì phương pháp này gây khó khăn cho người áp dụng, phải đối chiếu, tra cứu mới biết quy định nào của Hiến pháp đang có hiệu lực, quy định nào đã bị sửa đổi, bổ sung, nhưng điều này đôi khi cần thiết cho việc áp dụng và giải thích Hiến pháp cũng như công tác nghiên cứu Hiến pháp.
Căn cứ vào thủ tục sửa đổi, bổ sung hiến pháp như thủ tục sửa đổi, bổ sung một đạo luật thông thường hay theo một thủ tục đặc biệt, khoa học luật hiến pháp phân loại Hiến pháp thành 2 loại: hiến pháp nhu tính (hay hiến pháp mềm) và hiến pháp cương tính (hay còn gọi là hiến pháp cứng).
Hiến pháp nhu tính là hiến pháp được sửa đổi, bổ sung theo thủ tục thông thường của một đạo luật của nghị viện. Đó là những nước có hiến pháp không thành văn (thực chất và chính xác phải gọi là hiến pháp hỗn hợp) như Anh, New Zealand, Oman, Libya. Ở những nước này, việc ấn định hình thức chính thể, hình thức cấu trúc Nhà nước, tổ chức các cơ quan quyền lực nhà nước tối cao, địa vị pháp lý cá nhân… không nằm trong một văn bản pháp lý duy nhất mà được thể hiện trong nhiều nguồn của pháp luật. Một đạo luật thông thường được nghị viện thông qua cũng có thể có những quy định khác với quy định mang tính hiến pháp trước đó, thực chất luật này đã sửa đổi, bổ sung hiến pháp.
Hiến pháp cương tính là hiến pháp được sửa đổi, bổ sung theo một trình tự, thủ tục đặc biệt và khác hẳn với trình tự, thủ tục sửa đổi, bổ sung các đạo luật thông thường. Về mặt quy trình sửa đổi, hầu như các hiến pháp các nước đều có thể gọi là những hiến pháp cương tính. Tính chất này được thể hiện trên hai phương diện: phương diện vật chất, và phương diện hình thức (quy trình).
Trên bình diện vật chất, người ta nói đến sự giới hạn quyền lực lập hiến về nội dung (đối tượng sửa đổi); về thời gian và bối cảnh sửa đổi. Hiến pháp nhiều nước tuyên bố một số điều khoản hiến định chủ yếu, quan trọng nhất không bị sửa đổi. Thông thường, đó là những điều khoản về các nguyên tắc hiến định tạo nên nền tảng của chế độ hiến pháp; quyền và tự do con người; trình tự sửa đổi hiến pháp. Trong một thời gian nhất định sau khi được thông qua, Hiến pháp không được sửa đổi (Hiến pháp Hy Lạp năm 1975, Bồ Đào Nha năm 1976, Brazil năm 1988 - trong vòng 5 năm). Cấm sửa đổi, bổ sung hiến pháp trong thời gian tình trạng khẩn cấp, tình trạng đặc biệt và thiết quân luật (Brazil, Belarus, Moldova, Estonia, Romania); trong trường hợp sự toàn vẹn lãnh thổ bị đe dọa (Pháp, Congo, Mali).