Hiến pháp - nền móng của tòa nhà Nhà nước pháp quyền phải đặc biệt vững chắc

Minh Vân lược ghi 05/08/2011 10:01

Hiến pháp là đạo luật cơ bản của Nhà nước, là văn kiện chính trị, pháp lý rất quan trọng, thể hiện bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước, của chế độ và của xã hội. Do vậy, trước hết khi sửa đổi Hiến pháp cần làm rõ mục đích, yêu cầu; quan điểm; các định hướng; tổ chức thực hiện và việc thành lập, thành phần Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp...

ĐBQH Trần Thị Dung (Điện Biên): Phải có sự tham gia của Ủy ban Tư pháp

Việc sửa đổi Hiến pháp nên đi vào trọng tâm là việc sửa đổi là bộ máy Nhà nước. Với những định hướng lớn như vậy, tôi đề nghị xem xét lại kế hoạch sơ bộ kèm theo Tờ trình và đặc biệt là thời gian để tổ chức tổng kết Hiến pháp trong 4 tháng, như vậy thời gian này có thể bảo đảm đánh giá được một quá trình thực hiện Hiến pháp hay không? Thứ hai là thời gian trình QH dự thảo lần thứ nhất vào tháng 10.2012. Như vậy đã đủ để chuẩn bị cho một dự thảo Hiến pháp với những định hướng sửa lớn như vậy ra trước QH hay chưa?.

Về vấn đề thành phần tham gia sửa đổi Hiến pháp tôi cũng nhất trí với Tờ trình. Tuy nhiên, do việc sửa Hiến pháp lần này có liên quan đến quy định trong Hiến pháp những nguyên tắc cơ bản về tổ chức hoạt động của các cơ quan tư pháp, vậy thì thành phần của Ủy ban dự thảo Hiến pháp này cần phải được bổ sung Ủy ban Tư pháp. Bởi vì căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ thì Ủy ban này có nhiệm vụ giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp.

ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội): Hiến pháp 1992 đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ

Hiến pháp là đạo luật gốc, đạo luật cơ bản trong hệ thống pháp luật của quốc gia, chứa đựng những quy phạm mang tính ổn định lâu dài và tạo cơ sở pháp lý để định hướng phát triển đất nước trong những giai đoạn nhất định. Do tác động của Hiến pháp năm 1992 trong 20 năm qua tình hình KT - XH của đất nước cũng đã có nhiều thay đổi, có thể nói Hiến pháp năm 1992 cho đến nay cũng cơ bản hoàn thành nhiệm vụ thúc đẩy quá trình đổi mới và đưa đất nước đi vào con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Hiện nay trước yêu cầu đổi mới, theo cương lĩnh phát triển đất nước và nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, trước yêu cầu đẩy mạnh sự nghiệp CNH - HĐH, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 đặt ra bây giờ là hết sức cần thiết.

Về một số định hướng lớn sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, tôi tán thành với việc sửa đổi, bổ sung nhiều vấn đề về chế độ chính trị, chế độ kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, vấn đề bảo vệ Tổ quốc, quyền con người và quyền công dân cũng như tổ chức bộ máy Nhà nước. Bởi lẽ tất cả những nội dung này trong 20 năm qua có những vấn đề mà thực tiễn kiểm nghiệm là tốt, cần tiếp tục khẳng định trong Hiến pháp. Và có những vấn đề mà thực tiễn đã thay đổi thì cũng cần có những bổ sung, cập nhật. Đặc biệt ở đây lần sửa đổi này cần phải tiếp tục khẳng định sự lãnh đạo toàn diện của Đảng cộng sản Việt Nam đối với toàn bộ bộ máy Nhà nước và xã hội.

ĐBQH Tô Văn Tám (Kon Tum): Yêu cầu về tính ổn định lâu dài của Hiếp pháp đặc biệt quan trọng

Yêu cầu về tính ổn định lâu dài của pháp luật là hết sức quan trọng và đối với Hiến pháp - đạo luật cơ bản của Nhà nước thì yêu cầu đó càng lớn hơn. Do vậy, việc tiến hành sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này nên bám sát yêu cầu này. Phải thận trọng, toàn diện, làm sao bảo đảm tính ổn định lâu dài của Hiến pháp.

Trong mục đích sửa đổi Hiến pháp năm 1992 ở điểm thứ nhất, đề nghị không chỉ phát huy dân chủ mà nên đặt cả vấn đề mở rộng dân chủ vào trong Hiến pháp để càng ngày càng mở rộng dân chủ và phát huy. Không dừng lại phát huy, mà đặt luôn cả vấn đề mở rộng dân chủ và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa. Vấn đề thứ hai, về tổ chức bộ máy, mối quan hệ giữa Đảng và Nhà nước mà cụ thể mối quan hệ giữa Chủ tịch Nước với Đảng như thế nào cần phải làm rõ. Tôi thấy một mặt chúng ta khẳng định sự lãnh đạo của Đảng đối với xã hội là tất yếu, là tuyệt đối, đó là vấn đề không phải bàn cãi. Nhưng trong quá trình lãnh đạo, tôi nghĩ Đảng cần hóa thân vào Nhà nước và Nhà nước hóa thân vào Đảng. Tôi nghĩ rằng việc này không có gì sai về mặt lý luận, bởi vì đại biểu cũng mang bản chất trung thành của giai cấp, nhân dân, dân tộc; về mặt lý luận thì bản chất của Nhà nước ta cũng là mang bản chất giai cấp, bản chất nhân dân và dân tộc.

ĐBQH Hồ Trọng Ngũ (Vĩnh Long): Hiến pháp là nền móng của tòa nhà Nhà nước pháp quyền...

Hiến pháp là đạo luật cơ bản của Nhà nước, các nhà lý luận có thể bàn một cách thâm sâu, nhưng có thể hiểu cơ bản, một cách rất dân dã đấy là nền móng. Cũng giống như chúng ta xây nhà phải thiết kế móng làm sao cho bền vững, xây dựng Nhà nước cũng vậy, cũng phải xây dựng nền móng bền vững. Điều quan trọng Hiến pháp là nền móng của tòa nhà Nhà nước pháp quyền mà chúng ta định xây dựng. Vì thế cho nên đặt vấn đề xây dựng nền móng của Nhà nước pháp quyền thế nào để cho bền vững phù hợp với những ý tưởng, những tư tưởng thiết kế mà Đảng ta đã đề ra trong cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ cũng như trong Đại hội XI đòi hỏi đặc biệt quan tâm những vấn đề có tính nguyên lý.

Chúng tôi rất nhất trí với tinh thần của dự án là nghiên cứu, trước hết phải khẩn trương nghiên cứu. Đảng ta chỉ ra là khẩn trương nghiên cứu rồi mới quyết định được, mới đi đến một kết luận là sửa đổi hay không sửa đổi, sửa đổi thế nào, sửa đổi Hiến pháp một cách căn bản, toàn diện hay sửa đổi một số điều? Vì thế cho nên trong chương trình đặt ra cũng cần tránh những định hướng, những cái mặc định trước là phải sửa đổi một số điều hay là một số vấn đề gì đấy mà đòi hỏi phải tổng kết một cách sâu sắc, toàn diện. Ở đây đề nghị QH và ĐBQH đặc biệt quan tâm đến tính hệ thống, tính nhất quán và sự tuân thủ về cấu trúc hệ thống, tuân thủ những nguyên lý về kiến trúc và kết cấu để làm có một nền móng của Nhà nước pháp quyền bền vững, ổn định và bảo đảm tuân thủ đường lối phát triển bền vững. Bên cạnh đó phải lấy những quan điểm lớn, những tư tưởng lớn có tính chất ổn định lâu dài làm nguyên tắc. Những tư tưởng, nguyên tắc này đã được tổng kết trong cương lĩnh, không nên câu nệ một số chủ trương chính sách có vai trò hoặc có ý nghĩa thời đoạn hay ý nghĩa sách lược mà phải tính đến những quan điểm lớn có tính chiến lược.

Qua những phân tích trên tôi kiến nghị: thứ nhất, trong quá trình triển khai nghiên cứu cần tuân thủ triệt để những tư tưởng chỉ đạo của Đại hội XI; thứ hai, dành thời gian thích đáng để tổng kết và đánh giá một cách sâu sắc các bản hiến văn trước đây một cách toàn diện; thứ ba, trong chủ trương của Đảng có nêu khẩn trương nghiên cứu để sửa đổi bổ sung Hiến pháp năm 1992 phù hợp với tình hình mới, nhưng trong tờ trình vẫn chưa lượng hóa được tình hình mới cả về yếu tố định tính cũng như về thời gian, tức là tình hình mới được tính đến các yếu tố tác động nào vào khoảng thời gian nào thì cũng phải cần được có một ý tưởng thể hiện trong Tờ trình của UBTVQH. 

ĐBQH Nguyễn Quốc Cường (Bắc Giang): Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp là việc rất kịp thời, hợp lý và cần thiết

Việc Kỳ họp thứ nhất QH Khóa XIII Quốc hội đặt vấn đề sửa đổi, bổ sung Hiến pháp là việc rất kịp thời, hợp lý và cần thiết.

Về một số định hướng lớn đối với việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, thể chế chính trị nước ta có đặc điểm khác nhiều so với các nước trên thế giới. Chúng ta có hệ thống chính trị, từ khi lập nước đến nay hệ thống chính trị nói chung và các tổ chức trong hệ thống chính trị đều được khẳng định, ổn định và phát huy tốt chức năng của mình trong các thời kỳ cách mạng. Lần này sửa đổi, bổ sung Hiến pháp đề nghị UBTVQH xem xét, thể hiện rõ và đủ trong định hướng về hệ thống chính trị. Nói rõ về chức năng, vai trò cũng như các mối quan hệ cơ bản của Đảng, Nhà nước và của các tổ chức chính trị xã hội.

Trong định hướng gồm 7 nhóm định hướng, định hướng thứ 3.6 về tổ chức bộ máy nhà nước chỉ nhấn mạnh riêng về tổ chức bộ máy nhà nước thì chưa đầy đủ. Nếu làm rõ và đủ trong Hiến pháp, trước hết là những tổ chức quan trọng như Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể thì càng khẳng định vị trí, vai trò, cũng như khẳng định địa vị pháp lý của các tổ chức trong hệ thống chính trị. Trong quá trình thực hiện sau này rất nhiều thuận lợi.

ĐBQH Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội): Định hướng cơ bản nhất là sửa đổi về bộ máy Nhà nước

Quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã trải qua 4 bản Hiến pháp là Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp 1959, Hiến pháp 1980 và Hiến pháp năm 1992. Tuy nhiên, 2 bản Hiến pháp được các nhà nghiên cứu về Nhà nước và pháp luật mổ xẻ và nghiên cứu nhiều nhất đó là bản Hiến pháp năm 1946 và bản Hiến pháp năm 1992. Hiến pháp năm 1946 được coi là bản Hiến pháp của thời kỳ lập nước và bản Hiến pháp năm 1992 được coi là bản Hiến pháp của thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước.

Đối với bản Hiến pháp năm 1992 mà chúng ta đang chuẩn bị nghiên cứu sửa đổi, bổ sung tuy nói là bản Hiến pháp đổi mới toàn diện đất nước, nhưng qua nghiên cứu cho thấy rằng bản Hiến pháp năm 1992 chủ yếu đổi mới toàn diện về chế độ kinh tế, văn hóa, xã hội, về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Về bộ máy Nhà nước cơ bản vẫn giữ theo những mô hình của những Hiến pháp trước đó. Cho nên, trong định hướng sửa đổi Hiến pháp năm 1992 nêu ra những định hướng sửa đổi về chế độ chính trị, chế độ kinh tế, chế độ văn hóa, xã hội, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân... Nhưng tôi cho rằng trong những định hướng sửa đổi Hiến pháp năm 1992 phải có những định hướng cơ bản nhất đó là sửa đổi về bộ máy Nhà nước. Phải giải mã được nguyên tắc quyền lực Nhà nước là tập trung thống nhất và thuộc về nhân dân, có sự phân công phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện 3 quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Phải giải mã được cái đó một cách rõ ràng trong Hiến pháp...

Về thành phần của Ủy ban sửa đổi Hiến pháp, việc sửa đổi Hiến pháp lần này có rất nhiều vấn đề liên quan đến sửa đổi về quyền lực tư pháp trong quá trình xây dựng các luật liên quan đến tư pháp vướng ở Hiến pháp rất nhiều. Tuy nhiên, trong thành phần sửa đổi Hiến pháp lại không thấy có thành phần của Ủy ban Tư pháp. Tôi đề nghị QH xem xét để bổ sung thành phần trong đó có Ủy ban Tư pháp tham gia Ủy ban sửa đổi Hiến pháp.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Hiến pháp - nền móng của tòa nhà Nhà nước pháp quyền phải đặc biệt vững chắc
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO