Hiến pháp được thông qua với đồng thuận cao là tất yếu dân chủ, là kết quả của chân lý ý Đảng lòng dân

- Thứ Năm, 28/11/2013, 22:35 - Chia sẻ
Ngay sau khi Quốc hội thông qua bản Hiến pháp (sửa đổi), TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG đã dành riêng cho Báo ĐBND sự chia sẻ nồng nhiệt và ân tình. ĐBND trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời.

(Điều 1 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi) năm 2013)

Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

(Trích Điều 2 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi) năm 2013)

Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

(Trích Điều 4 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi) năm 2013)

PV: Thưa Tổng bí thư, 9h54 phút ngày 28.11.2013, QH biểu quyết thông qua bản Hiến pháp (sửa đổi) với tỷ lệ 97,59% tổng số ĐBQH tán thành. Ngay sau đó, tất cả ĐBQH và khách mời đã đứng dậy vỗ tay chào mừng bản Hiến pháp mới. Xin Tổng bí thư cho biết cảm xúc về sự kiện này?

TBT NGUYỄN PHÚ TRỌNG: Cảm xúc, cảm tưởng thì có nhiều. Nói ngắn gọn là tôi thật sự vui mừng, xúc động nhưng không bất ngờ.

Vui mừng, xúc động là vì thấy QH bày tỏ chính kiến của mình thống nhất rất cao với bản Hiến pháp (sửa đổi). Sự thống nhất của các ĐBQH phản ánh tâm nguyện, ý chí của từng ĐBQH, phản ánh ý chí của đại đa số nhân dân, của cử tri và phản ánh tính đồng thuận của cả hệ thống chính trị theo đúng định hướng, tư tưởng chỉ đạo của Đảng. Nói rộng ra, đây cũng là thể hiện một tinh thần, một sức mạnh đại đoàn kết toàn dân ngay trong một công việc cụ thể là sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Sửa đổi Hiến pháp là vấn đề rất lớn, hệ trọng và thiêng liêng. Bản Hiến pháp (sửa đổi) lần này đã đạt được sự đồng thuận rất cao của QH, gần như tuyệt đối, chỉ có 2 vị ĐBQH không biểu quyết và không có ĐBQH nào không tán thành. Cho nên, nói vui mừng và xúc động là vì thế.

Còn không bất ngờ, vì đây là kết quả tất yếu của cả một quá trình làm việc hết sức công phu, nghiêm túc, bài bản, thật sự dân chủ. Có lẽ trong lịch sử làm luật, làm Hiến pháp và trong sinh hoạt chính trị của chúng ta, hiếm có cuộc nào dân chủ sâu rộng và thực chất như thế này. Chuẩn bị rất kỹ, rất công phu. Tính riêng từ khi thành lập Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là hai năm rưỡi. Nói xa hơn thì trước đó từ cuối nhiệm kỳ QH Khóa XII, khi làm Chủ tịch QH, tôi nhớ là đã giao chuẩn bị bộ phận tổng kết thực hiện Hiến pháp năm 1992. Cho nên cả một quá trình lâu dài từ lấy ý kiến toàn dân, phát huy được ý chí, nguyện vọng của nhân dân; cử tri và nhân dân góp ý kiến tâm huyết đến ĐBQH phát biểu ý kiến, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 giải trình, tiếp thu. Lúc đầu thì ý kiến phát biểu rất rộng, sau đó thu hẹp dần các vấn đề khác nhau và cuối cùng đã tìm được tiếng nói chung. Làm việc tốt như thế thì kết quả tất yếu là bản Hiến pháp được thông qua với tỷ lệ đồng thuận cao.

PV: Thưa Tổng bí thư, ngay sau khi biểu quyết thông qua bản Hiến pháp (sửa đổi), nhiều ĐBQH đã xúc động: đây là bản Hiến pháp của ý Đảng, lòng dân...?

TBT NGUYỄN PHÚ TRỌNG: Như tôi đã nói, biểu quyết thông qua Hiến pháp lần này là sự thống nhất của cả Quốc hội, phản ánh ý chí của nhân dân và sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị theo đúng tư tưởng, định hướng chỉ đạo của Trung ương, của Đảng. Chỉ đạo rất chặt chẽ và có định hướng nhưng không gò ép, áp đặt, hoàn toàn thoải mái, thảo luận dân chủ. Như thế là có sự gặp nhau rất lớn ở ý tưởng về sửa đổi Hiến pháp lần này. Cho nên, nói ý Đảng, lòng dân là rất đúng, hoàn toàn phù hợp, không gượng ép. Đảng không ép và dân rất thoải mái chấp nhận bởi vì nó hợp lý - là chân lý thì mọi người đều chấp nhận.

PV: Trong Điều 4 của Hiến pháp lần này, QH có bổ sung một điểm mới, đó là Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Tổng bí thư đánh giá như thế nào về sự bổ sung này?

TBT NGUYỄN PHÚ TRỌNG: Sự bổ sung đó là cần thiết. Thực ra điều này không phải là mới mà nó phản ánh thực tế lâu nay: Đảng ta luôn luôn gắn bó mật thiết với nhân dân. Điều này không ghi trong Hiến pháp thì cũng được ghi trong Cương lĩnh của Đảng, Điều lệ của Đảng. Cho nên, ngay câu: Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và của cả dân tộc đã thể hiện điều đó. Đảng không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân. Cho nên Đảng ra đời là vì dân, xuất phát từ dân và phục vụ nhân dân. Bác Hồ nói, người lãnh đạo là đầy tớ trung thành của nhân dân. Cho nên, việc khẳng định Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, Đảng gắn bó với dân đó là quy luật tồn tại, phát triển của Đảng. Cho nên lần này sự thể hiện trong Hiến pháp về mối liên hệ gắn bó giữa Đảng với dân là tất yếu. Thực tế là chúng ta luật pháp hóa, thể chế hóa điều mà lâu nay Đảng ta đã nói, đã làm và đang làm.

Vế thứ hai, đã gắn bó với nhân dân thì Đảng phải chịu trách nhiệm trước nhân dân. Bác Hồ còn nói là Đảng phải chịu trách nhiệm, không chỉ những cái lớn mà từ những cái như “tương, cà, mắm, muối”, “cái kim, sợi chỉ”. Một người dân đói là Đảng phải chịu trách nhiệm. Dân ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, Đảng phải chịu trách nhiệm. Cho nên, việc thể hiện trong Hiến pháp lần này là bước tiến so với Hiến pháp hiện hành.

PV: Xin chân thành cám ơn Tổng bí thư!

Thanh Tâm thực hiện; Ảnh: Lâm Hiển