TÍNH CHÍNH DANH CỦA HIẾN PHÁP

Hiến pháp do dân: Minh chứng của một xã hội dân sự mạnh

- Thứ Sáu, 29/11/2013, 08:43 - Chia sẻ
Hiến pháp do dân hàm ý nhân dân có tham gia vào quá trình hình thành và phát triển của Hiến pháp hay không. Trái với suy nghĩ thông thường coi Hiến pháp ở các nước có nền dân chủ lâu đời là khế ước của xã hội, ra đời một cách dân chủ, sự nghiên cứu sâu hơn cho thấy, Hiến pháp ở các nước đó được hình thành bởi các nhóm thiểu số ưu tú.

Nghị viện Ai Cập bỏ phiếu thông qua Hiến pháp mới
Tuy nhiên, từ sau Đại chiến thế giới lần II, quá trình hình thành Hiến pháp ở các nước thường thu hút sự tham gia rộng rãi hơn của công chúng. Trước hết, ở hầu hết các nước, trưng cầu ý dân hay phúc quyết toàn dân là công đoạn không thể thiếu trong quy trình ban hành hoặc sửa đổi Hiến pháp. Ngoài ra, còn có một số cách thức khác để người dân tham gia đóng góp vào quá trình này như thảo luận toàn dân; trưng cầu ý dân có tính chất tư vấn; thăm dò ý dân...

Giữa sự tham gia của công chúng và khả năng giới hạn quyền lực của chính quyền bởi Hiến pháp có mối liên quan với nhau. Bởi lẽ, nếu sự tham gia đó là thực chất, nó sẽ là một dịp cho nhân dân thảo luận, nhận thức được những giới hạn đối với quyền lực của chính quyền, làm cho nhân dân hiểu rõ hơn có thể sử dụng những cơ chế nào của Hiến pháp để ngăn ngừa hoặc chống lại sự vi phạm giới hạn từ phía chính quyền. Tuy nhiên, một tác giả nhận xét, sự hiện diện các cơ chế như thế chưa đủ, mà cần phải có một xã hội dân sự đủ lớn mạnh để biết và có thể sử dụng các cơ chế đó.

Sự tham gia rộng rãi, thực sự của công chúng vào quá trình hình thành Hiến pháp cũng làm tăng “tuổi thọ” của Hiến pháp, vì khi được tham gia ngay từ giai đoạn hình thành Hiến pháp, các chủ thể trong xã hội sẽ viện đến Hiến pháp nhiều hơn, tuân thủ Hiến pháp tốt hơn, tức là làm cho Hiến pháp có tác dụng trên thực tế, chứ không phải Hiến pháp “chết”. Một trong những ví dụ điển hình được viện dẫn ở đây là Hiến pháp 1996 của Nam Phi cho đến nay vẫn có hiệu lực, trong khi nhiều Hiến pháp của các nước châu Phi khác thì không.

Mức độ người dân tham gia trong quá trình hình thành Hiến pháp cũng ảnh hưởng đến phạm vi, mức độ của các quyền hiến định của công dân. Một nghiên cứu về quy trình ban hành, sửa đổi Hiến pháp ở 12 nước cho thấy, quy trình có tính đại diện và thu hút sự tham gia nhiều hơn thì tạo ra Hiến pháp với những quy định thuận lợi cho bầu cử tự do và công bằng, bình đẳng về chính trị, công bằng xã hội, bảo vệ quyền con người, cơ chế áp đặt trách nhiệm giải trình mạnh hơn.

Mặt khác, sự tham gia của nhân dân trong quá trình soạn thảo, sửa đổi Hiến pháp sẽ không có nhiều ý nghĩa đối với chất lượng Hiến pháp, nếu không có những điều kiện kèm theo. Không phải tất cả những người tham gia đều am hiểu như nhau về những vấn đề được đưa ra trưng cầu ý dân hoặc thảo luận toàn dân, nhất là đối với các cử tri có trình độ thấp không đánh giá đúng mức ý nghĩa chính trị và pháp lý khi bỏ phiếu. Do đó, trưng cầu ý dân về các vấn đề quan trọng, đại sự như Hiến pháp nếu thiếu sự giáo dục, truyền thông, thảo luận công khai tại các nhóm cư dân, tại nghị viện thì kết quả có thể sẽ mang tính tiêu cực. Chính vì vậy, bên cạnh những nước như Nam Phi sự tham gia rộng rãi của công chúng trong quá trình ban hành Hiến pháp dẫn đến việc bảo vệ quyền công dân tốt hơn, hệ thống chính quyền hiệu quả hơn, sự thực thi tốt hơn, có những nước như Thái Lan, Ethiopia sự tham gia của công chúng vào quá trình sửa đổi Hiến pháp không gây ảnh hưởng gì đến hệ thống chính quyền. Ngược lại, Hiến pháp những nước như Đức (1949), Nhật (1947) ra đời từ sự áp đặt của liên minh, hoặc như Hiến pháp các nước Đông Âu là kết quả thương lượng của giới ưu tú, nhưng lại tạo ra trật tự hiến pháp lành mạnh.

Minh Thy