Hiến pháp dân chủ - nhìn từ một cuộc hội thảo
65 năm qua, tư tưởng xuyên suốt trong các bản hiến pháp của nước ta đều là tư tưởng dân chủ, mọi quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân. Tại Hội thảo khoa học “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về hiến pháp ở Việt Nam và kinh nghiệm của nước ngoài” vừa qua, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu lập pháp, các nhà lập pháp... đều thống nhất cho rằng, sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cần tiếp tục khẳng định tư tưởng tiến bộ này. Điều quan trọng là, phải giải mã cho được nguyên tắc mọi quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân trong điều kiện một Đảng lãnh đạo toàn diện đất nước.
Hiến pháp năm 1946, theo các nhà khoa học, có thể xem là bản hiến pháp mẫu mực nhất trong số các bản hiến pháp đã được ban hành về tính dân chủ. Theo nguyên ĐBQH Khóa XI, Giáo sư Trần Ngọc Đường, nét nổi bật nhất, xuyên suốt toàn bộ nội dung của Hiến pháp năm 1946 là tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân với một chính thể dân chủ rộng rãi, một bộ máy nhà nước mạnh mẽ và sáng suốt, đề cao và tôn trọng quyền con người, quyền công dân. Thậm chí, ngay cả quy định về thủ tục ban hành và sửa đổi hiến pháp của Hiến pháp năm 1946 cũng đã thể hiện sâu sắc tư tưởng quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Điều 21, Hiến pháp năm 1946 quy định, nhân dân có quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia. Theo đó, QH do nhân dân bầu ra ngày 6.1.1946 là QH lập hiến, có nhiệm vụ thông qua Hiến pháp, sau đó, Hiến pháp sẽ được đưa ra để toàn dân phúc quyết. Sau khi nhân dân phúc quyết, QH lập hiến sẽ giải tán để bầu ra QH mới theo Hiến pháp đã được nhân dân phúc quyết. Bằng phương thức này, nhân dân thực sự là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước, nhân dân giao quyền, ủy quyền quyền lực nhà nước của mình cho các cơ quan nhà nước, làm cho tổ chức quyền lực nhà nước mang sức mạnh của nhân dân và buộc quyền lực nhà nước phải tuân theo Hiến pháp trong tổ chức và hoạt động của mình.
Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân, nhân dân là chủ thể tối thượng của quyền lực nhà nước. 65 năm qua, tư tưởng tiến bộ này đã liên tục được khẳng định trong các bản Hiến pháp của Việt Nam, cho dù đó là Hiến pháp của thời kỳ kháng chiến cứu nước, thời kỳ hòa bình hay thời kỳ đổi mới, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Và có lẽ, nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, nhân dân thực hiện quyền làm chủ thông qua hai hình thức bầu cử trực tiếp và gián tiếp, tức là ủy quyền cho các cơ quan nhà nước thực hiện quyền lực nhà nước thì ai cũng thuộc làu cả. Nhưng theo nguyên Phó chủ tịch QH Nguyễn Văn Yểu, việc thực hiện nguyên tắc này trên thực tế chưa phải đã đầy đủ, nếu không muốn nói là cũng còn một số khiếm khuyết. Đơn cử như quy định về việc nhân dân giao cho QH thực hiện quyền bãi, miễn các thành viên Chính phủ, kể từ khi quy định này được ban hành đến nay cũng đã khá lâu nhưng vẫn chưa thực hiện được. Trong khi đó, quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân vừa qua chủ yếu là quyền bầu cử ĐBQH và bầu cử đại biểu HĐND các cấp. Nguyên Phó chủ tịch QH cũng cho rằng, quy định này đã dẫn đến một nghịch lý là, nhân dân làm chủ quyền lực nhà nước, nhân dân bầu ra QH và ủy quyền cho QH thành lập các cơ quan trong bộ máy chính quyền nhưng nhiều khi, quan chức, cán bộ của bộ máy chính quyền đó lại đứng trên dân, không những không phải là công bộc của dân mà còn hành dân, nhũng nhiễu dân. Có cùng quan điểm này, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho rằng, điều cốt lõi khi sửa đổi Hiến pháp lần này là phải giải mã cho được nguyên tắc mọi quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân trong điều kiện một Đảng lãnh đạo toàn diện nhà nước và xã hội. Cần lấy lại tư tưởng tiến bộ của bản hiến pháp đầu tiên là hiến định quyền phúc quyết của nhân dân, không chỉ là phúc quyết hiến pháp mà cần ghi nhận trong Hiến pháp những nội dung gì phải được nhân dân phúc quyết hoặc giao cho QH trước khi quyết định phải trưng cầu ý kiến của nhân dân. Hiến pháp sửa đổi lần này cần có cơ chế để nhân dân thực hiện quyền lực của mình thông qua hình thức dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện chứ không chỉ là việc nhân dân sử dụng quyền lực của mình thông qua các cơ quan đại diện là QH và HĐND các cấp. Theo đó, việc thiết kế các điều khoản quy định về trưng cầu ý kiến của nhân dân cũng cần được xử lý cho phù hợp trong hiến pháp mới. Việc Hiến pháp hiện hành giao cho QH quyết định việc trưng cầu dân ý, theo nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận, sự ủy quyền này dường như đã đi hơi quá xa, bởi lẽ, nhân dân hơn ai hết thông qua hiến pháp phải xác lập được về cơ bản những nội dung gì bắt buộc phải thực hiện trưng cầu dân ý (chẳng hạn như việc sửa đổi Hiến pháp, những vấn đề liên quan đến chủ quyền biên giới quốc gia, lãnh thổ...), những nội dung gì QH quyết định việc trưng cầu dân ý (chẳng hạn như những vấn đề quan trọng của đất nước trong từng thời điểm cụ thể) và giao cho QH quy định về trình tự, thủ tục, phạm vi cụ thể của các vấn đề QH quyết định việc trưng cầu dân ý. Có như vậy mới có thể bảo đảm được tinh thần của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở hai đặc trưng cơ bản là tính dân chủ và quyền lực nhà nước thống nhất thuộc về nhân dân.
Giải tỏa băn khoăn của một số nhà khoa học về việc hiến định những vấn đề nào do nhân dân trực tiếp phúc quyết và những vấn đề nào do nhân dân ủy quyền cho QH phúc quyết có ảnh hưởng gì tới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng hay không? – nguyên Chủ nhiệm Nguyễn Văn Thuận cho rằng, trên thực tế, nguyên tắc tất cả quyền lực thuộc về nhân dân chính là nguyên tắc cơ bản giúp giải quyết mối quan hệ giữa quyền lực chính trị (một Đảng lãnh đạo toàn diện nhà nước và xã hội), quyền lực nhà nước và quyền lực nhân dân. Theo đó, quyền lực chính trị luôn luôn nắm giữ quyền lực nhà nước để vận hành, chi phối xã hội. Không có bất cứ quốc gia nào trên thế giới mà đằng sau quyền lực nhà nước lại không có một quyền lực chính trị chi phối. Tuy nhiên, để nắm được quyền lực nhà nước thì phải thông qua quyền lực nhân dân, nhân dân là người quyết định đảng chính trị đó có được nắm quyền lực nhà nước hay không. Trong điều kiện một Đảng lãnh đạo như của ta thì việc đưa Hiến pháp ra để nhân dân phúc quyết là cần thiết và chỉ có lợi hơn, làm cho nhân dân tin tưởng hơn vào Đảng, vào QH, vào các ĐBQH mà thôi.
Kế thừa tư tưởng mọi quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân của các bản hiến pháp trước đây trong quá trình sửa đổi Hiến pháp năm 1992 như thế nào? Chế định cụ thể quyền lực nhân dân trong Hiến pháp mới ra sao? Nhân dân trao quyền lực của mình cho các cơ quan nhà nước như thế nào?... – là một trong rất nhiều nội dung mà Ban chủ nhiệm Đề tài độc lập cấp nhà nước Cơ sở lý luận và thực tiễn sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 phù hợp với tình hình mới đang tiến hành lấy ý kiến của các chuyên gia lập pháp, các nhà nghiên cứu khoa học chính trị, khoa học pháp lý để phục vụ cho Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 nghiên cứu sửa đổi các nội dung cụ thể của hiến pháp. Phó chủ tịch QH, Phó chủ tịch Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đồng thời là Chủ nhiệm Đề tài Uông Chu Lưu khẳng định, những ý kiến, những đề xuất tại Hội thảo này sẽ được chuyển tải đầy đủ đến Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Với cách làm khoa học, nghiêm túc và cẩn trọng như vậy, tin rằng, việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 sẽ thực sự đáp ứng được ý nguyện của nhân dân.
Nguyên Phó chủ tịch QH Nguyễn Văn Yểu: Cần tiếp tục hoàn thiện thiết chế dân chủ đại diện Sửa đổi Hiến pháp lần này cần rà soát lại tất cả các chế định về dân chủ, quy định ngắn gọn, súc tích nhưng phải mạch lạc, rõ ràng trong Hiến pháp để nhân dân có thể thực hiện được trên thực tế. Đối với thiết chế dân chủ đại diện cần tiếp tục hoàn thiện để dân thực hiện được quyền của mình chứ không phải ủy quyền rồi là hết quyền, thậm chí quan chức, cán bộ do cơ quan được nhân dân ủy quyền bầu ra lại đứng trên đầu dân là không được. Cần có quy định trong Hiến pháp về trưng cầu dân ý để thực hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh mọi quyền bính nhà nước đều thuộc về nhân dân. Mặt khác, phải xác định rõ mô hình kiểm soát quyền lực nhà nước và phải thuyết minh được vì sao lại có cơ chế này và cơ chế này có phù hợp với điều kiện cụ thể của nước ta hay không? Có hai hình thức bảo hiến hoặc là Tòa án hiến pháp hoặc là Ủy ban bảo vệ hiến pháp. Có ý kiến cho rằng tổ chức cơ chế bảo hiến như vậy sẽ xâm hại quyền lãnh đạo của Đảng. Nói như vậy là không đúng. Cơ chế bảo hiến đó cũng chính là cơ chế bảo vệ quyền lãnh đạo của Đảng. Lâu nay, hình như chúng ta hơi thoải mái khi nói rằng, cái này, cái kia Bộ Chính trị đã quyết định rồi, Trung ương đã quyết định rồi. Nói thế là chết rồi... Phó Viện trưởng Viện Chính trị học, Học viện Chính trị hành chính quốc gia Hồ Chí Minh Phan Xuân Sơn: Xây dựng Hiến pháp dân chủ theo ý nguyện của nhân dân Các nước có kiểu làm Hiến pháp rất khác nhau. Khía cạnh chính trị học, Hiến pháp là khế ước xã hội, bản hợp đồng về những vấn đề cơ bản nhất trong xã hội giữa một bên là nhân dân của một nước với một bên là những người được nhân dân ủy quyền trong việc sử dụng quyền lực của nhân dân được tổ chức thành nhà nước. Cũng là nhân dân cả, một bên là nhân dân không giữ chức vụ gì, một bên là nhân dân được ủy nhiệm để vận hành bộ máy nhà nước. Điều kiện để tạo nên một bản Hiến pháp là tính thỏa thuận, tính khế ước xã hội, chịu chi phối bởi hai yếu tố: thứ nhất là nhà nước dân chủ, nếu không muốn dân chủ thì không ai đi xây dựng hiến pháp làm gì; thứ hai là nhân dân trong nhà nước đó mong muốn xây dựng một nhà nước dân chủ. Vấn đề đặt ra ở đây là xây dựng hiến pháp dân chủ ngay từ đầu theo ý nguyện của nhân dân. Và khi đã có nền tảng dân chủ rồi thì làm hiến pháp dân chủ hơn, thực sự dân chủ. Chúng ta đã có một nhà nước dân chủ, giai đoạn hiện nay sửa đổi hiến pháp phải bảo đảm xây dựng một nhà nước dân chủ hơn nữa, một nhà nước dân chủ thực sự. Tư tưởng chủ quyền nhân dân là tối thượng phải được thể hiện trong Hiến pháp. Các cơ quan nhà nước được nhân dân ủy quyền chỉ thực hiện ý chí và chủ quyền mà nhân dân ủy quyền thôi. |