PGS.TS. ĐỖ CHÍ NGHĨA, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục:
Rà soát thể chế, nâng chế tài xử phạt
Bảo vệ bản quyền tác giả trong lĩnh vực báo chí trong thời đại số hiện nay là rất cấp thiết. Muốn làm được điều này, trước tiên, cần phải rà soát xem thể chế đã đủ chưa, Luật Báo chí có cần sửa đổi không, chế tài xử lý cũng phải nâng lên vì hiện mới chỉ bằng 1/10 khu vực (theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trước Quốc hội). Đồng thời, cần sự vào cuộc tích cực hơn nữa của các cơ quan báo chí. Báo chí cần dày công, sắc sảo, cảnh báo rõ hơn nữa để đấu tranh chống lại hành vi vi phạm bản quyền. Và, muốn người ta ngay ngắn thì mình phải ngay ngắn, tức chính các cơ quan báo chí cũng phải thực hiện đúng vấn đề bản quyền để không vi phạm.
Bên cạnh pháp luật là vấn đề đạo đức nên vai trò của các hội nghề nghiệp, đặc biệt là Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Truyền thông số Việt Nam hết sức quan trọng, vì nhiều hành vi quy định về mặt pháp luật khó định danh nhưng về mặt đạo đức thì thấy rất rõ. Những chế tài mềm rất quan trọng để ngăn chặn biến tướng của việc vi phạm bản quyền trong thời đại công nghệ số!
Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch PHẠM THỊ KIM OANH:
Thúc đẩy thành lập liên minh bảo vệ bản quyền
Với vai trò cơ quan quản lý, Cục đã tham mưu trình Chính phủ và trình Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (Luật số 07/2022/QH15), trong đó có những nội dung quan trọng về bảo vệ bản quyền trong môi trường số.
Báo chí là một trong những đơn vị được bảo vệ bản quyền tại Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ. Nghị định 17/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan cũng quy định về cơ chế thông báo gỡ bỏ, đó là hành lang pháp lý quan trọng để các bên bảo vệ quyền của mình. Các cơ quan báo chí cần chủ động nghiên cứu thêm Điều 198b của Luật Sở hữu trí tuệ và Điều 110 - 114 Nghị định 17/2023/NĐ-CP. Nghị định này cũng đã có phần riêng về cách thức thực thi bản quyền, cách thức nộp đơn ra sao.
Chúng ta cần sự chủ động, liên kết với nhau để bảo vệ bản quyền, sớm thúc đẩy thành lập Liên minh hoặc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả, tác phẩm báo chí. Cục Bản quyền tác giả sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ cá nhân, tổ chức để thực thi vấn đề bản quyền, đặc biệt là trên môi trường số. Về phía các cơ quan báo chí, cần chấn chỉnh tình trạng phóng viên lấy bài của người khác, đó là vi phạm bản quyền và vi phạm đạo đức nhà báo.
Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông ĐẶNG THỊ PHƯƠNG THẢO:
Sẽ xây dựng quy trình đấu tranh vi phạm bản quyền
Tại hội thảo, các đại biểu quan tâm nhiều đến xây dựng quy trình chuẩn để đấu tranh vi phạm bản quyền báo chí, chúng tôi sẽ tham mưu cho lãnh đạo Bộ về vấn đề này. Cục cũng đang tiếp tục tham mưu Chính phủ, Quốc hội sửa Luật Báo chí và bổ sung các quy định về báo chí trên môi trường số.
Về thực thi pháp luật, các cơ quan báo chí chính thống đều ý thức được câu chuyện bản quyền; vấn đề nằm ở các trang thông tin điện tử và trang ngoài luồng. Thời gian qua, Bộ đã xử lý rất nhiều trang thông tin điện tử và mạng xã hội vi phạm bản quyền báo chí, song thực tế cơ quan báo chí vẫn chưa thực sự vào cuộc. Do đó, mong các cơ quan báo chí tích cực hơn nữa trong vấn đề này.
Hiện tại, Cục đang quản lý Trung tâm Lưu chiểu dữ liệu truyền thông số quốc gia, đây là big data, là bộ dữ liệu gốc và chúng tôi sẵn sàng hợp tác với các cơ quan chức năng để chia sẻ dữ liệu, ứng dụng các giải pháp công nghệ để nhận diện vi phạm về bản quyền.
Tổng Biên tập Báo Vietnamnet NGUYỄN VĂN BÁ:
Công nghệ giúp bảo vệ bản quyền dễ dàng hơn
Công nghệ giúp các cơ quan báo chí bảo vệ bản quyền dễ dàng hơn trước đây. Tại Vietnamnet, chúng tôi đã đầu tư hệ thống công nghệ tương đối tốt để giám sát nội dung của mình có bị vi phạm bản quyền không. Hệ thống CMS rà quét để biết bài báo của mình bị các báo, các trang nào lấy. Chúng tôi cũng có hệ thống AI để nhận dạng nội dung, thậm chí ảnh được phóng viên sử dụng có liên quan bản quyền không, có liên quan báo khác không. Nếu phát hiện ra trang nào lấy bài của mình chạy quảng cáo, chúng tôi sẽ gửi lên Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử và được Cục đưa trang đó vào danh sách đen, giúp các nhãn hàng nhận biết và không chạy quảng cáo trên trang đó.
Quan sát cho thấy, hầu hết các báo lớn ít khi vi phạm bản quyền của nhau. Sự vi phạm thường ở trang không chính thống, mở ra làm nội dung chủ yếu để lấy quảng cáo và thường rất khó để tìm chủ sở hữu của những trang đó vì nhiều khi họ ở nước ngoài. Để bảo vệ bản quyền báo chí, cùng với đầu tư công nghệ, các cơ quan báo chí, các nhà báo cần quán triệt việc giữ bản quyền của mình, bảo đảm không xâm phạm của người khác thì yếu tố xâm phạm bản quyền sẽ giảm đi nhiều.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông NGUYỄN QUANG ĐỒNG:
Sử dụng thiết chế tập thể để bảo vệ
Hai năm qua, chúng tôi có chương trình liên quan đến kinh doanh báo chí trên môi trường số. Theo đó, thách thức về mặt kinh doanh báo chí rất lớn. Một mặt chúng ta sẽ phải hướng đến bán sản phẩm để thu phí, nhưng nếu sản phẩm được đầu tư công phu song chỉ cần một động tác sao chép là sẽ mất toàn bộ bản quyền thì làm sao kinh doanh được? Chính vì vậy, bảo vệ bản quyền là nền tảng cho kinh doanh báo chí một cách dài hạn trong tương lai.
Về mặt kinh tế, các cơ quan báo chí cần đặc biệt quan tâm ở hai khía cạnh. Thứ nhất là chặn dòng tiền từ quảng cáo đối với những trang vi phạm. Việc này cần phải làm quyết liệt hơn, thậm chí công khai danh mục những trang dùng nhiều sản phẩm vi phạm bản quyền. Khi đó, không nhãn hàng nào đổ tiền vào trang vi phạm đó. Thứ hai, các cơ quan báo chí cần sử dụng thiết chế về mặt tập thể đại diện cho quyền lợi của mình thay vì đấu tranh riêng lẻ trong việc bảo vệ bản quyền.
Hiện, hệ thống pháp lý về bảo vệ bản quyền rất đầy đủ, đặc biệt là Nghị định 17/2023/NĐ-CP có quy trình xử lý rõ ràng. Tuy nhiên, không thể không nhắc đến vai trò của tòa án trong xử lý tranh chấp liên quan bản quyền báo chí. Có những tranh chấp về mặt bản quyền rất phức tạp, kéo dài hàng tháng trời. Do đó, về lâu dài, hệ thống tòa án phải đi cùng để xử lý vấn đề này.
Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin của Mobifone VŨ GIA LUYỆN:
Cần ứng dụng công nghệ để chống vi phạm bản quyền
Ứng dụng công nghệ để chống vi phạm bản quyền trong lĩnh vực báo chí là rất cần thiết. Với cơ quan truyền hình, cần có công cụ DAM (Digital arrive management) để bảo vệ liên quan đến sóng, tiếp sóng qua các ứng dụng OTT, chỉ đơn vị nào được cấp quyền thì mới sáng màn hình. Cơ quan báo chí cần ứng dụng công nghệ số trong tác nghiệp của phóng viên, lên bài, xuất bản thì có giải pháp là tòa soạn hội tụ. Khi có các công cụ số hóa hoàn chỉnh, quản lý được dữ liệu, thì có thể ứng dụng công nghệ Social Listening để xem tin bài được sử dụng ở đâu, thậm chí hiện lên cả hình ảnh, trang của mình ở phương tiện khác không.
Đối với các cơ quan chức năng, việc rất cần quan tâm là có báo cáo về các hoạt động vi phạm bản quyền; báo cáo có bao nhiêu trang báo bị phát tán thông tin khi chưa có sự cho phép; có bao nhiêu fanpage, bao nhiêu tài khoản trên mạng xã hội đang sử dụng trái phép; những đơn vị nào bị ảnh hưởng. Từ đó, cơ quan quản lý có thể hỗ trợ, ra chế tài, tổng hợp hình thức xử lý mạnh hơn khi có đủ dữ liệu.