Hoàn thiện khung pháp luật bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm

- Thứ Sáu, 20/11/2020, 14:47 - Chia sẻ
Sáng 20.11, tại Hà Nội, Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phối hợp với Mạng lưới giám sát buôn bán động, thực vật hoang dã toàn cầu (TRAFFIC) tổ chức Tọa đàm khoa học “Hoàn thiện khung pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm” nhằm chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng chính sách pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã quý, hiếm; cung cấp thông tin hỗ trợ đại biểu Quốc hội trong quá trình xem xét, thông qua các dự án luật có liên quan cũng như giám sát trách nhiệm quản lý nhà nước của các Bộ ngành, địa phương trong lĩnh vực bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm.

Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Đặng Xuân Phương và Giám đốc Văn phòng Dự án tổ chức TRAFFIC tại Việt Nam Sarah Ferguson đồng chủ trì tọa đàm.

Phó trưởng Ban Công tác đại biểu Đặng Xuân Phương phát biểu tại Tọa đàm  

Thời gian qua, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ trong việc ban hành các công cụ pháp lý để phòng, chống nạn buôn bán động vật hoang dã. Tuy nhiên, các đại biểu dự tọa đàm đều nhấn mạnh yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và vận động tuyên truyền để giảm nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm liên quan đến động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm để từ đó tăng cường khả năng bảo vệ các loài động vật này.

Thảo luận về các nội dung cụ thể, các đại biểu cho rằng, cần tăng cường công tác truyền thông để thay đổi nhận thức, từ đó khuyến khích người sử dụng thay đổi hành vi tiến tới ngừng tiêu dùng sản phẩm từ động vật hoang dã. Trong đó, cần có kế hoạch tuyên truyền liên tục, tạo dựng mối liên kết giữa nhà nước và người dân trong bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm. Đồng thời, cần tuyên truyền tới từng cá nhân, từng cộng đồng bằng các phương tiện truyền thông đa phương tiện và các phương pháp tiếp cận trực tiếp. 

 Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa ​​phát biểu tại buổi tọa đàm  

Đối với những hành vi săn, bắt, giết, nuôi nhốt, vận chuyển hay mua bán, theo đánh giá của các đại biểu, pháp luật nước ta hiện nay đã có quy định rất chặt chẽ, cụ thể ở nhiều văn bản như Bộ luật Hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Đa dạng sinh học, Luật Lâm nghiệp… Đặc biệt, Bộ luật Hình sự năm 2015 lần đầu tiên quy định về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã nhằm thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các cam kết của Việt Nam khi tham gia ký kết các Điều ước quốc tế về bảo vệ động vật hoang dã. So với Bộ luật Hình sự năm 1999 thì Bộ luật Hình sự năm 2015 đã cụ thể hóa về số lượng, khối lượng, giá trị tang vật hoặc mức tiền thu lợi bất chính nên đã tạo được thuận lợi trong việc áp dụng pháp luật để xử lý hình sự và định khung hình phạt. Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng lần đầu tiên quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội đối với một số tội phạm, trong đó có tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã.

Toàn cảnh Tọa đàm  

Những đạo luật này cũng xác định chế tài rất nghiêm khắc đối với các hành vi buôn bán động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho biết, các hành vi tiêu thụ và sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã, các bộ phận không thể tách rời từ động vật hoang dã hiện vẫn chưa có quy định để xử lý. Chúng ta mới chủ yếu dựa vào tuyên truyền, phổ biến giáo dục, thuyết phục… Trong khi đó, số liệu thống kê của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên cho thấy, 6 tháng đầu năm nay đã xảy ra 1.744 vụ buôn bán, tàng trữ, săn bắt động vật hoang dã nhưng tỷ lệ xử lý hành chính, hình sự và các loại xử lý khác mới chỉ đạt 49%. Trước thực tế này, các đại biểu đề nghị, cần rà soát thật kỹ các văn bản pháp luật hiện hành, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý để xử lý được các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ động vật hoang dã, quý, hiếm.   

Hồ Long