Quy định rõ mức trần thù lao theo hợp đồng môi giới

Hết loạn phí

- Thứ Bảy, 08/01/2022, 12:45 - Chia sẻ
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa ban hành Thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Một trong những nội dung đáng chú ý là quy định rõ về mức trần thù lao theo hợp đồng môi giới, doanh nghiệp không được thu vượt quá mức này.

Giảm gánh nặng phí môi giới

Theo đó, mức trần thù lao theo hợp đồng môi giới được theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp dịch vụ với tổ chức, cá nhân trung gian nhưng không được vượt quá 0,5 tháng tiền lương theo hợp đồng của người lao động cho mỗi 12 tháng làm việc. Trường hợp hợp đồng lao động có thời hạn làm việc từ 36 tháng trở lên thì mức trần thù lao theo hợp đồng môi giới không quá 1,5 tháng tiền lương theo hợp đồng của người lao động.

Trước đây, xuất khẩu lao động là một lựa chọn đầy hy vọng đối với những người dân ly nông ở nhiều làng quê của Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế các doanh nghiệp xuất khẩu lao động thường giành giật các hợp đồng bằng việc đua nhau nâng phí môi giới ngoại, đẩy gánh nặng ấy cho người lao động. Thông thường, mỗi lao động có hợp đồng từ 2 - 3 năm, phải mất một năm làm việc đầu tiên mới trả đủ số phí trước khi xuất cảnh… Chính vì vậy, việc quy định mức trần phí môi giới đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là giải pháp để siết chặt quản lý đồng thời đảm bảo quyền lợi cho người lao động khi đi làm việc ở nước ngoài.

Xuất khẩu lao động là lựa chọn của nhiều người 
Nguồn: ITN

Anh Đặng Văn Tiến (Yên Mỹ, Hưng Yên) chuẩn bị nộp hồ sơ đi lần 2 sang Hàn Quốc làm việc chia sẻ, trước đây tôi nộp hồ sơ đi lao động Hàn Quốc, lúc ấy thông tin không được đa chiều và minh bạch như bây giờ. Thời điểm đó, tôi phải mất 6 tháng lương đi làm ở Hàn Quốc mới đủ trả phí môi giới cho công ty. Với quy định mới sẽ đỡ chi phí hơn rất nhiều. 

Đánh giá việc ban hành quy định mức trần phí môi giới, các chuyên gia lao động đều cho rằng, việc quy định mức trần là cần thiết bởi những người lao động phải trả các khoản phí tuyển dụng và chi phí liên quan quá cao có nhiều nguy cơ trở thành nạn nhân bị bóc lột lao động, cưỡng bức lao động, mua bán người. Ông Nilim Baruah, chuyên gia về Di cư lao động của ILO tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương bày tỏ quan điểm, “Khi người lao động lâm vào cảnh nợ nần do chi phí di cư quá cao, có thể họ sẽ hiếm khi nghỉ việc làm trong trường hợp bị lạm dụng, bóc lột hoặc lao động cưỡng bức. Việc loại bỏ phí môi giới khỏi các chi phí được phép thu từ người lao động di cư sẽ góp phần giải quyết rủi ro này."

Đảm bảo di cư lao động an toàn 

Cùng với việc siết chặt công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, các chuyên gia cho rằng cần có những giải pháp để giúp người lao động đi làm việc ở nước ngoài được an toàn. Báo cáo gần đây của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho thấy, hơn 2/3 số lao động di cư ra nước ngoài tập trung tại các nước có thu nhập cao. Cụ thể, có đến 63,8 triệu người (37,7%) làm việc tại châu Âu và Trung Á, 43,3 triệu người (25,6%) làm việc tại châu Mỹ… Tuy nhiên, ILO cũng nhận định, khủng hoảng từ đại dịch Covid-19 sẽ khiến cho đối tượng lao động di cư bị ảnh hưởng nặng nề hơn so với trước. Những người này bị trả lương thấp, làm những công việc đơn giản và ít được tiếp cận với các chế độ an sinh xã hội cũng như ít có lựa chọn đối với các dịch vụ hỗ trợ.

Ở khía cạnh giới, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS), Ts. Khuất Thu Hồng, lao động di cư quốc tế là một hành trình nhọc nhằn, vất vả. Khoảng hơn nửa lao động gặp khó khăn trong quá trình làm việc ở nước ngoài như: bị vi phạm quyền; điều kiện làm việc không an toàn; các vấn đề liên quan đến tiền lương… Bên cạnh đó, điểm đáng chú ý là lao động nữ di cư đang phải đối mặt với nhiều thách thức và rào cản hơn nam giới trong tiến trình di cư. Phụ nữ ít có khả năng thực hiện di cư hợp thức hơn nam giới và chịu nhiều rủi ro bị bạo lực và lạm dụng tình dục do phân biệt đối xử trên cơ sở giới.

Người lao động được học định hướng, kỹ năng nghề trước khi đi làm việc tại nước ngoài. ITN
Người lao động được học định hướng, kỹ năng nghề trước khi đi làm việc tại nước ngoài
Nguồn: ITN

Từ thực tế này, cho thấy để góp phần đảm bảo an toàn cũng như quyền lợi cho người lao động di cư an toàn, cần có thêm những quy định người sử dụng lao động hỗ trợ phúc lợi xã hội cho người lao động nhập cư. Mặt khác, các công ty và dịch vụ môi giới cần tiếp tục chuẩn bị tốt hơn cho người lao động nhập cư về ngôn ngữ, kỹ năng thích ứng xã hội, kỹ năng tìm kiếm thông tin…

Đại dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng đến lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Theo đó, số lao động đi làm việc nước ngoài giảm đáng kể, năm 2020: 78.000 người; năm 2021: 45.000 người. (Nguồn: Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội).

Thái Yến