Ngày 22.1 vừa qua, Trường Đại học Ngoại thương đã có thông tin về các phương thức tuyển sinh đại học chính quy năm 2025, với tổng chỉ tiêu tuyển sinh là 4.150 sinh viên.
Để làm rõ hơn các thông tin liên quan đến phương án tuyển sinh của nhà trường năm nay, cũng như những lưu ý tới thí sinh khi đăng ký xét tuyển vào trường, Báo Đại biểu Nhân dân đã có trao đổi với PGS.TS Phạm Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương.
Cơ bản giữ ổn định các phương thức xét tuyển
- Thưa PGS.TS Phạm Thu Hương, ngày 22.1 vừa qua, Trường Đại học Ngoại thương đã thông tin về các phương thức tuyển sinh đại học chính quy năm 2025. Bà có thể cho biết phương án tuyển sinh năm nay của nhà trường có điều chỉnh gì so với năm trước hay không?
PGS.TS Phạm Thu Hương: Căn cứ trên những điểm mới trong Quy chế tuyển sinh dự kiến của Bộ GD-ĐT sẽ được ban hành trong năm 2025, Trường Đại học Ngoại thương cơ bản giữ ổn định các phương thức xét tuyển của mình để không làm ảnh hưởng đến tâm lý thí sinh, giúp các em có thời gian chuẩn bị lâu nhất cho lựa chọn của mình. Chúng tôi chỉ có một vài điều chỉnh nhỏ để đảm bảo thuận lợi cho các em khi đăng ký xét tuyển.
Riêng với các điều kiện đảm bảo chất lượng, Trường Đại học Ngoại Thương có điều chỉnh tăng một số điều kiện tại một số phương thức xét tuyển, trên cơ sở kết quả xét tuyển của các năm trước.

Trên thực tế, ngay khi nắm bắt được xu hướng thay đổi trong các kỳ thi THPT cũng như sự đổi mới trong giáo dục phổ thông, Trường Đại học Ngoại thương đã thực hiện đa dạng, đổi mới trong các phương thức xét tuyển của mình từ rất sớm. Vì vậy những năm trở lại đây, mặc dù có những thay đổi trong Quy chế chung nhưng chúng tôi vẫn giữ các phương thức xét tuyển của mình ổn định. Thí sinh yên tâm rằng khi đăng ký xét tuyển vào Trường Đại học Ngoại thương năm nay sẽ không có nhiều thay đổi so với những năm trước.
Nhà trường tiếp tục giữ các phương thức xét tuyển kết hợp giữa kết quả học tập cũng như các chứng chỉ quốc tế. Căn cứ trên yêu cầu của từng chương trình đào tạo, chúng tôi sẽ xác định phương thức xét tuyển phù hợp để làm thế nào tuyển sinh được các sinh viên phù hợp với chương trình.
Đối với các chương trình đào tạo được giảng dạy bằng Tiếng Anh và có tính tích hợp quốc tế cao, Trường Đại học Ngoại thương sẽ sử dụng phương thức kết hợp giữa đánh giá năng lực và khả năng sử dụng ngoại ngữ trong học tập. Đây là lý do chúng tôi có phương thức xét tuyển dựa trên kết quả học tập cũng như kết hợp kết quả học tập với các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.
Đồng thời, chúng tôi cũng sử dụng các kết quả đánh giá năng lực đối với thí sinh trong nước cũng như quốc tế. Ở chương trình giảng dạy bằng Tiếng Việt sẽ sử dụng các kết quả đánh giá năng lực của Việt Nam còn chương trình giảng dạy bằng ngoại ngữ (Tiếng Anh), chúng tôi sẽ sử dụng các kết quả đánh giá năng lực quốc tế như SAT, ACT hay A-Level.
Về ngành học, Trường Đại học Ngoại thương đã có lộ trình để mở rộng lĩnh vực cũng như mở ngành đào tạo mới. Năm 2025, chúng tôi tiếp tục tập trung cho các chương trình, các ngành đã mở trong năm 2024 và có những chính sách ưu đãi đối với các ngành mới này. Đối với các ngành mới tiếp theo, chúng tôi dự kiến sẽ mở vào năm 2026 và những năm tiếp theo trong quá trình phát triển của mình.
Thí sinh nếu mong muốn theo đuổi các chương trình đào tạo của Trường Đại học Ngoại thương có thể tìm hiểu kỹ các chương trình hỗ trợ của trường. Chúng tôi đang cấp học bổng 30% cho tất cả sinh viên theo học các ngành mới và có những chính sách hỗ trợ khác dành cho các em, với sự tham gia, đồng hành của nhiều chủ thể khác nhau.
- Theo bà, các bạn thí sinh đáp ứng những điều kiện nào sẽ có lợi thế trong việc đăng ký xét tuyển vào Trường Đại học Ngoại Thương năm nay?
PGS.TS Phạm Thu Hương: Như tôi vừa đề cập, đối với mỗi chương trình đào tạo, chúng tôi lựa chọn phương thức xét tuyển căn cứ trên việc nghiên cứu rất nghiêm túc về giáo dục phổ thông, cũng như các kỳ thi đánh giá năng lực. Với mỗi đối tượng, chúng tôi lại áp dụng các phương thức xét tuyển phù hợp để đưa vào các chương trình đào tạo.
Do đó, thí sinh ứng với các chương trình đào tạo đều có cơ hội như nhau khi đăng ký xét tuyển. Chúng tôi đã cụ thể hóa, đa dạng hóa khi thực hiện xét tuyển để phù hợp với các chương trình đào tạo nên các em có thể yên tâm rằng sẽ không có sự ưu ái đối một đối tượng cụ thể nào khi chúng ta cùng xét tuyển vào chương trình đào tạo.

Chương trình đào tạo ngành Khoa học máy tính có gì đặc biệt so với trường đại học khác?
- Bước vào mùa tuyển sinh, các trường đại học luôn có phương thức hỗ trợ giúp phụ huynh và thí sinh hiểu rõ hơn về cách thức xét tuyển của trường, cũng như lựa chọn ngành sao cho phù hợp. Với Trường Đại học Ngoại thương, thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường năm nay có thể tìm kiếm những thông tin này qua hình thức nào, thưa PGS.TS Phạm Thu Hương?
PGS.TS Phạm Thu Hương: Trên những trang thông tin chính thống của Trường Đại học Ngoại thương như website hay fanpage, nhà trường đã đăng tải rất cụ thể về các ngành học cũng như phương thức xét tuyển vào các chương trình đào tạo.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng xây dựng một nhóm dành riêng cho thí sinh xét tuyển năm 2025 vào Trường Đại học Ngoại thương. Nhóm này có các thầy cô và anh chị sinh viên khóa trên cùng đồng hành, giải đáp chi tiết tất cả thắc mắc của các em. Với những thắc mắc liên quan đến ngành, chương trình đào tạo, các thầy cô rất sẵn sàng hướng dẫn thí sinh cách tiếp cận hay những yêu cầu cần có để các em theo đuổi ngành này. Hay những thắc mắc nhỏ liên quan đến vấn đề cách giải tỏa căng thẳng, giữ vững tâm lý trong giai đoạn ôn thi, đăng ký xét tuyển thế nào,... thì với kinh nghiệm đã trải qua, anh chị sinh viên khóa trước cũng sẽ giúp các em giải đáp.
Hiện nay, các kênh này đã được mở ra rất rộng. Tất cả sinh viên Trường Đại học Ngoại thương từng học ở trường phổ thông của các em, chúng tôi coi đó chính là những “đại sứ” của nhà trường, sẵn sàng đồng hành cùng các em trong quá trình xét tuyển vào Trường Đại học Ngoại thương.
- PGS.TS Phạm Thu Hương có thể cho biết hiện nay đâu là những ngành học được xem là “hot” nhất, thu hút nhiều nhất sự quan tâm của thí sinh khi đăng ký xét tuyển vào Trường Đại học Ngoại thương? Với ngành học mới nhà trường vừa triển khai đào tạo năm 2024 là Khoa học máy tính, chương trình học có gì đặc biệt so với những trường đại học khác?
PGS.TS Phạm Thu Hương: Trường Đại học Ngoại thương mong muốn có điều kiện đảm bảo chất lượng chung cho toàn bộ thí sinh đăng ký xét tuyển và theo đuổi học tập tại trường. Bởi vậy nếu nhìn vào kết quả tuyển sinh của nhà trường qua các năm, chúng ta sẽ thấy rằng điều kiện đảm bảo chất lượng đầu vào luôn ở ngưỡng cao và sự chênh lệch điểm xét tuyển giữa các ngành không nhiều. Về mặt bằng chung, chúng tôi xác định trong khoảng trúng tuyển của các ngành thì cơ bản thí sinh đáp ứng được các yêu cầu, điều kiện cũng như chất lượng như nhau.
Do đó, để trả lời ngành học nào là “hot” nhất có lẽ rất khó. Bởi bản chất câu chuyện là các em đi theo định hướng nghề nghiệp, mục tiêu nghề nghiệp của mình để lựa chọn ngành phù hợp. Còn khi đã vào Trường Đại học Ngoại thương, các ngành không có sự chênh lệch quá nhiều về điều kiện điểm đầu vào; năng lực, tố chất cũng tương đối tương đồng. Các em đã trở thành sinh viên Trường Đại học Ngoại thương thì chúng tôi cam kết theo triết lý giáo dục của mình và đồng hành cùng các em để đạt được mục tiêu phát triển nghề nghiệp.

Với ngành Khoa học máy tính, chắc chắn chúng tôi cũng sẽ đảm bảo được những kiến thức nền tảng, căn bản để cho sinh viên có được điều kiện rất vững chắc khi theo đuổi nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh phát triển như hiện nay, đồng thời trong sự tác động của khoa học công nghệ, có thể thấy rằng câu chuyện không chỉ đơn thuần là chúng ta tìm giải pháp cho một bài toán được đặt ra, mà sẽ là làm thế nào để tìm ra bài toán đó, tìm ra được câu hỏi mà xã hội cần. Đây cũng là câu chuyện Trường Đại học Ngoại thương tiếp cận khi phát triển ngành Khoa học máy tính. Chúng tôi đặt vấn đề ứng dụng trên thực tiễn, thông qua kết nối giữa khoa học máy tính, khoa học dữ liệu trong kinh tế và kinh doanh.
Ngay trong thiết kế chương trình học, từ năm thứ nhất, chúng tôi đã đưa các học phần về thiết kế tư duy, để người học có thể hình thành được tư duy tìm kiếm những vấn đề hiện nay xã hội cần và sẽ cần. Điều đó rất quan trọng. Khi đã tìm được vấn đề và hiểu sâu về nó, chúng ta bắt đầu tìm kiếm các giải pháp để giải quyết vấn đề này. Đây là điểm mà chúng tôi cho rằng rất cần trong thế hệ mới: không chỉ câu chuyện giải bài toán mà phải đặt ra bài toán và cùng đồng hành với quá trình giải bài toán. Chỉ như vậy, chúng ta mới có giải pháp toàn diện trên yêu cầu phát triển thực tiễn hiện nay, đồng hành cùng với phát triển của công nghệ.
Nhiều chính sách học bổng hỗ trợ sinh viên
- Hiện nay, các chính sách học bổng cho sinh viên đang được Trường Đại học Ngoại thương triển khai như thế nào, thưa bà?
PGS.TS Phạm Thu Hương: Bên cạnh việc sinh viên khi theo học các ngành học mới sẽ được giảm 30% học phí, Trường Đại học Ngoại thương cũng triển khai nhiều chương trình học bổng khác.
Đối với sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, hiện nhà trường có chương trình hỗ trợ tài chính, với sự đồng hành của Quỹ học bổng Quốc tế Mabuchi - FTU thuộc Tập đoàn Mabuchi Nhật Bản trong nhiều năm. Theo đó, hàng năm, chúng tôi cấp học bổng, cho vay học bổng đối với sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Sự đồng hành này có rất nhiều điều kiện được xây dựng trên cơ sở thế hệ đi trước hỗ trợ thế hệ đi sau. Sinh viên được hỗ trợ bởi nhà trường và Tập đoàn Mabuchi, sau này khi đã bước trên con đường sự nghiệp, đã có điều kiện rồi, các em sẽ quay trở lại hỗ trợ thế hệ tiếp theo. Ngoài ra, chúng tôi có học bổng từ chính các nguồn tài chính của Trường Đại học Ngoại thương dành cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn nỗ lực vươn lên trong học tập.
Trường Đại học Ngoại thương cũng có nhiều chương trình học bổng khuyến khích học tập dành cho sinh viên tài năng và chương trình học bổng được đồng hành bởi các tổ chức, doanh nghiệp. Chúng tôi rất tự hào khi có sự đồng hành của hơn 500 tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Các tổ chức, doanh nghiệp luôn đồng hành cùng người học trong quá trình học tập, dưới góc độ hỗ trợ chuyên môn cũng như hỗ trợ tài chính.
- Trường Đại học Ngoại thương là một trong những cơ sở giáo dục đại học có sự hợp tác rất mạnh với các cơ sở giáo dục đại học và tổ chức, công ty nước ngoài để nâng cao chất lượng đào tạo. Bà có thể chia sẻ cụ thể hơn về những sự hợp tác này?
PGS.TS Phạm Thu Hương: Trường Đại học Ngoại thương hiện có 3 cơ sở, ngoài trụ sở chính tại Hà Nội, chúng tôi cũng có cơ sở II TP. Hồ Chí Minh và cơ sở Quảng Ninh. Tất cả chương trình đào tạo đều được áp dụng một cách thống nhất, có sự tích hợp chương trình đào tạo của các đối tác quốc tế có uy tín và đồng hành lâu năm với nhà trường.
Có lẽ trước đây, chúng ta nghe nhiều đến câu chuyện “nhập khẩu” các chương trình đào tạo của nước ngoài để thực hiện tại Việt Nam nhưng hiện nay đã phát triển lên một mức độ mới là phát triển chương trình của chính chúng ta, với sự đồng hành của đối tác nước ngoài và sự công nhận lẫn nhau, vai trò khá cân bằng. Trường Đại học Ngoại thương rất tự hào khi phát triển được các chương trình đào tạo có sự công nhận bởi các trường đại học trên thế giới.
Hiện nay, chương trình đào tạo của chúng tôi đã có được thỏa thuận công nhận với gần 120 trường trên thế giới, có nghĩa sinh viên học tại Trường Đại học Ngoại thương sẽ được công nhận bởi các trường đại học đối tác và được ghi nhận tín chỉ tương đương như các trường đối tác. Đồng thời, trong quá trình giảng dạy, chúng tôi thúc đẩy rất mạnh mẽ chương trình trao đổi sinh viên, trao đổi giảng viên. Do đó sinh viên khi vào Trường Đại học Ngoại thương, ngoài học tập tại 3 cơ sở của nhà trường, các em cũng có cơ hội học tập tại các trường đối tác, học cùng các giáo sư của trường đối tác.
Môi trường học tập của chúng tôi có tính quốc tế rất cao và tính linh hoạt cũng rất mạnh mẽ. Tính quốc tế hóa được thấm nhuần trong mọi hoạt động giáo dục của nhà trường, từ thiết kế chương trình đào tạo đến việc tổ chức triển khai chương trình, cũng như nguồn lực đồng hành cùng nhà trường khi triển khai chương trình đào tạo.
- Mùa tuyển sinh năm 2025 đã khởi động. Năm 2025 là thời điểm lứa học sinh đầu tiên của chương trình giáo dục phổ thông 2018 tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, do đó nhiều thí sinh không tránh khỏi lo lắng. Bà có lời động viên, nhắn nhủ gì muốn gửi tới các em ở thời điểm này, đặc biệt với các thí sinh mong muốn đăng ký xét tuyển vào Trường Đại học Ngoại thương?
PGS.TS Phạm Thu Hương: Thực tế, các em đã chuẩn bị trong một thời gian không phải là ngắn và chỉ còn chưa đầy 5 tháng nữa sẽ đến kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tôi cho rằng điều quan trọng nhất là thí sinh phải giữ gìn sức khỏe, luôn giữ một tâm thế sẵn sàng, bình tĩnh, từng bước chuẩn bị.
Trước hết, các em cần rà soát lại toàn bộ điều kiện xem bản thân có đáp ứng được yêu cầu của các trường đại học mình mong muốn xét tuyển hay không. Bên cạnh đó, các em cần giữ sự tự tin, yên tâm chuẩn bị tốt nhất các điều kiện đăng ký xét tuyển bởi cho dù có những điều chỉnh trong Quy chế tuyển sinh thì Bộ GD-ĐT và các trường đại học sẽ luôn có giải pháp để tạo điều kiện tốt nhất, thuận lợi nhất cho các em.
Với những thí sinh yêu thích Trường Đại học Ngoại thương, mong muốn trở thành sinh viên của nhà trường, tôi khuyên các em trước hết phải xác định được mục tiêu nghề nghiệp của mình trong tương lai là gì, từ đó lựa chọn ngành đào tạo phù hợp.
Trường Đại học Ngoại thương khi thiết kế các chương trình, các ngành đào tạo đều tiếp cận theo 3 nguyên tắc: căn bản, mở và linh hoạt. Với nguyên tắc “căn bản”, chúng tôi mong muốn người học có được một nền tảng để có thể tiếp cận dưới diện rộng và đáp ứng, thích nghi được trong bối cảnh thay đổi liên tục. Tính “linh hoạt” cho phép người học có thể có những điều chỉnh hay theo đuổi chuyên sâu hơn khi học tập ở mức độ cao hơn. Tính “mở” để kết nối được sự tham gia, đưa yêu cầu của các chủ thể trong thị trường vào chương trình đào tạo để người học đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động, đặc biệt là thị trường lao động quốc tế. Chúng tôi tự tin tất cả chương trình và ngành đào tạo của Trường Đại học Ngoại thương đều giúp sinh viên có được sự tiếp cận như trên.
Đặc trưng trong môi trường năng động như Đại học Ngoại thương, với hơn 90 câu lạc bộ cùng rất nhiều hoạt động ngoại khóa đồng hành trong suốt 4 năm học được xây dựng dựa trên các yêu cầu về kỹ năng nghề nghiệp, sinh viên cũng sẽ có được sự hỗ trợ tốt nhất để đạt mục tiêu phát triển nghề nghiệp. Do đó, quan trọng là các em xác định được mục tiêu nghề nghiệp và trên cơ sở này lựa chọn ngành mình mong muốn theo đuổi.
- Trân trọng cảm ơn PGS.TS Phạm Thu Hương đã chia sẻ!