Hệ thống e-GP: Bước tiến lớn trong mua sắm Chính phủ
Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đang cùng các bên liên quan nỗ lực để đưa Hệ thống ứng dụng thương mại điện tử trong mua sắm chính phủ (Hệ thống e-GP) vận hành vào đầu năm tới. Với nhiều tiện ích vượt trội, Hệ thống mới được kỳ vọng mang lại nhiều lợi ích trong mua sắm Chính phủ và tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ trong hoạt động đấu thầu.

Thống nhất quản lý
Đại diện Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, Hệ thống e-GP được xây dựng nhằm mục tiêu quản lý thống nhất thông tin về đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, lựa chọn nhà đầu tư và thực hiện đấu thầu qua mạng trên cơ sở bảo đảm yêu cầu cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế, an toàn thông tin, hạn chế tối đa tiêu cực và mang lại lợi ích cho các nhà thầu, chủ đầu tư, bên mời thầu và xã hội.
Hệ thống mới được thiết kế, xây dựng gồm 11 phân hệ thành phần giúp mở rộng phạm vi đấu thầu qua mạng, bao gồm: Cổng thông tin, Quản lý người dùng, Hỗ trợ người dùng, Ðấu thầu điện tử, Mua sắm điện tử, Quản lý hợp đồng qua mạng, Thanh toán điện tử, Danh mục sản phẩm, Văn bản điện tử, Quản lý năng lực nhà thầu, nhà đầu tư, Bảo lãnh điện tử.
Hệ thống hướng tới quản lý xuyên suốt quá trình mua sắm công điện tử từ cập nhật thông tin dự án, kế hoạch lựa chọn nhà thầu/nhà đầu tư, phát hành hồ sơ mời thầu, nộp hồ sơ dự thầu, mở thầu, đánh giá xếp hạng nhà thầu, công khai kết quả đấu thầu đến việc thương thảo, ký kết hợp đồng trực tuyến, theo dõi quản lý quá trình thực hiện hợp đồng và kết nối với các cơ quan nhà nước có liên quan, ngân hàng để nhận và quản lý kết quả thực hiện giải ngân.
Nhiều tiện ích vượt trội
Đại diện nhà đầu tư (Công ty TNHH Hệ thống thông tin FPT) cho biết, Hệ thống e-GP có nhiều thay đổi và tiện ích vượt trội với môi trường thân thiện dễ sử dụng, thao tác và quản lý, giúp mang lại nhiều lợi ích trong hoạt động mua sắm Chính phủ.
Ví dụ, Hệ thống bổ sung vai trò tham gia của chủ đầu tư, bên mời thầu, nhà thầu, nhà đầu tư, cơ sở đào tạo, đơn vị quản lý đấu thầu để thực hiện các nghiệp vụ liên quan. Mỗi đơn vị, tổ chức tham gia Hệ thống là duy nhất và được định danh theo bộ thông tin (mã số thuế, mã quan hệ ngân sách, tên đơn vị).
Theo kế hoạch, Hệ thống sẽ được kết nối theo lộ trình với nhiều hệ thống thông tin như: Hệ thống thông tin Quản lý đăng ký kinh doanh, Cổng dịch vụ công của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Hệ thống quản lý thuế, báo cáo tài chính của Tổng cục Thuế; Hệ thống thông tin quản lý chi ngân sách của Kho bạc Nhà nước… Qua đó, giúp bảo đảm thông tin chính xác cho hoạt động quản lý, thanh tra và báo cáo thống kê trong quản lý nhà nước về đấu thầu, tránh gian lận trong đấu thầu, đơn giản cho các tổ chức tham gia và đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội…
Ngoài ra, Hệ thống còn kết nối với các ngân hàng, cổng thanh toán để hỗ trợ cho các đơn vị, tổ chức thực hiện các nghiệp vụ liên quan trực tiếp trên Hệ thống như thanh toán trực tuyến, bảo đảm dự thầu, bảo đảm thực hiện hợp đồng qua mạng.
Bên cạnh chức năng tự kê khai thông tin, Hệ thống e-GP được xây dựng theo hướng đưa các thông tin đã được xác minh vào hồ sơ năng lực của nhà thầu, nhà đầu tư thông qua việc trích xuất dữ liệu từ các phân hệ thành phần hoặc hệ thống kết nối bên ngoài khác nhằm bảo đảm tính chính xác của hồ sơ năng lực và giảm thiểu gánh nặng kê khai của nhà thầu, nhà đầu tư. Theo đó, Hệ thống có thể nhận thông tin đăng ký kinh doanh và năng lực tài chính của nhà thầu, nhà đầu tư từ Hệ thống của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Tổng cục Thuế… qua đó giảm thiểu việc kê khai thông tin thiếu trung thực, bảo đảm sự minh bạch hạn chế những tiêu cực trong quá trình thực hiện mua sắm, đấu thầu, một số thông tin trong hồ sơ năng lực của nhà thầu trên Cổng thông tin của Hệ thống e-GP.
Tạo thay đổi toàn diện
Hiện nay, Cục Quản lý đấu thầu đang phối hợp với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và các bên liên quan nhằm nỗ lực hoàn thiện Hệ thống để đưa vào vận hành chính thức vào đầu năm 2022.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu cho biết, những tiện ích của Hệ thống e-GP được kỳ vọng sẽ tác động mạnh mẽ đến hoạt động đấu thầu, góp phần quan trọng để công tác đấu thầu ở nước ta bước vào giai đoạn mới với sự thay đổi toàn diện cả về chất và lượng, tạo lập môi trường đấu thầu thực sự công bằng, minh bạch, cạnh tranh và hiệu quả kinh tế, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng Chính phủ số, phát triển kinh tế số, vì một Việt Nam hùng cường.