Hệ thống đại diện ở Hàn Quốc: Những vấn đề của lịch sử

Minh Thy 14/05/2010 00:00

Hệ thống đại diện ở Hàn Quốc đã từng chịu tác động từ các vấn đề khác nhau trong nhiều năm. Trong đó, tham nhũng là hệ quả đầu tiên của tình trạng tư hữu hoá chính trị của các đảng ở Hàn Quốc.

Các đời tổng thống và các nhà lãnh đạo chính trị thường xuyên vướng vào những vấn đề nghiêm trọng liên quan đến việc huy động và phân bổ các nguồn tiền chính trị. Bản thân tham nhũng là nguyên nhân gây ra tình trạng bất bình đẳng trong chế độ đại diện, bởi lẽ chỉ những ai có tiền mới có cơ hội. Hơn nữa, tham nhũng chính trị đã từng là kênh để huy động cái gọi là “chính trị đường vòng” trong bối cảnh Hàn Quốc. Các cuộc điều tra của Viện công tố thường xảy ra và có những trường hợp dẫn đến xung đột chính trị với hệ quả là sự tham gia của những công tố viên đặc biệt và công tốë viên độc lập. Nhưng ngay cả khi các công tố viên đặc biệåt hoặc công tố viên độc lập đã kết luận chính thức, đó vẫn chưa phải là hồi kết của trò chơi chính trị. Những vụ xét xử hình sự tiếp theo đó cho đến cấp Toà án Tối cao luôn đầy rẫy những toan tính chính trị. Sau khi quá trình xét xử kết thúc, tổng thống thường can thiệp, làm giảm hiệu lực của phán xét của toà án. Cuối cùng, các chính trị gia tham nhũng lại tiếp tục hiện diện tại cuộc bầu cử lần sau với tư cách ứng viên.

Tập quyền cao độ là điểm đặc thù tiếp theo của nền chính trị Hàn Quốc. Chính trị được coi là một cái gì đó của trung ương và có tính trung ương. Chính quyền địa phương phụ thuộc nhiều vào chính quyền trung ương trong việc quyết định và nguồn tài chính để thực hiện vai trò, chức năng, tổ chức, nhân lực, ngân sách. Chức năng chủ yếu của địa phương là thực thi các chính sách và chương trình đã được xác định từ trung ương, dưới sự hướng dẫn của các bộ, các cơ quan trung ương.

Hiến pháp Hàn Quốc có một số điều khoản về chính quyền địa phương và dân chủ cơ sở. Tuy nhiên, lực lượng chóp bu đã trì hoãn việc khởi đầu dân chủ đại diện ở địa phương cho đến tháng 7.1995. Thay vào đó, họ lại chia cắt nền chính trị Hàn Quốc theo hình thức cát cứ, mỗi nhân vật chính trị phụ trách một tỉnh.

Vào tháng 6.1995, Hàn Quốc lần đầu tiên trong 30 năm đã bầu cử các tỉnh trưởng và thị trưởng. Sau đó ba năm, năm 1998, cuộc bầu cử chính quyền địa phương toàn diện lần thứ hai được tổ chức. Từ đây các cuộc bầu cử chính quyền địa phương được tiến hành bốn năm một lần. Tuy nhiên, nền dân chủ đại diện ở địa phương đã chịu ảnh hưởng từ quyền lực tập trung của các chính đảng lớn.

Trong lịch sử chính trị Hàn Quốc từ năm 1948, cho đến cuối thể kỷ XX, quyền lực mạnh của tổng thống, nghị viện yếu, tư hữu hoá nền chính trị đảng, tham nhũng, tập trung hoá cao độ, sự chia cắt chính trị địa phương đã dẫn đến tình trạng bất bình đẳng trong hệ thống đại diện ở Hàn Quốc. Trong lịch sử chính trị Hàn Quốc từ năm 1948, cho đến cuối thể kỷ XX, không một đảng nào của nông dân, người lao động và những nhóm chính trị thiểu số khác giành được số ghế khả quan trong Quốc hội. Nền chính trị chỉ có chỗ cho cánh hữu, giới chóp bu chính trị.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Hệ thống đại diện ở Hàn Quốc: Những vấn đề của lịch sử
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO