Hệ thống đại diện ở Hàn Quốc: Chế độ Tổng thống mạnh
Lịch sử lập hiến Hàn Quốc chứng kiến chế độ tổng thống mạnh. Hệ thống đại nghị chỉ tồn tại trong 10 tháng từ 1960-1961 với tên gọi nền cộng hoà đệ nhị.

Trong cuộc chiến vì dân chủ chống chế độ độc tài, xu hướng nghiêng về chế độ tổng thống lại được củng cố, vì hệ thống đại nghị có vẻ là sự nhân nhượng. Mặc dầu lần sửa đổi Hiến pháp cuối cùng năm 1987 đã phần nào cân bằng quyền lực giữa Tổng thống và nghị viện, nền chính trị Hàn Quốc vẫn chịu ảnh hưởng về huyền thoại một “Tổng thống hùng mạnh”, người có thể khéo léo chèo lái phát triển kinh tế và cải cách chính trị cùng một lúc. Sự thật là Hiến pháp Hàn Quốc có những yếu tố của hệ thống đại nghị, ví dụ thiết chế Thủ tướng. Nhưng trên thực tế Thủ tướng chỉ được coi là tấm lá chắn chính trị tạm thời đỡ cho tổng thống tránh sự chỉ trích của phe đối lập.
Bởi vậy, cho đến cuối thế kỷ trước, Nghị viện Hàn Quốc luôn nằm trong vòng kiểm soát của tổng thống thông qua đảng của mình. Chỉ khi xuất hiện những ứng viên tổng thống quyền thế, nghị viện mới được hưởng chút độc lập đối với tổng thống. Trong bối cảnh đó, nghị viện không hoạt động nhờ mối quan hệ với nhánh hành pháp, mà nhờ quan hệ giữa đảng cầm quyền và các đảng đối lập. Nhưng ngay sau khi các ứng viên thắng cử tổng thống, họ bắt đầu tổ chức lại chính đảng của mình để kiểm soát nghị viện một cách hiệu quả như những người tiền nhiệm đã làm.
Sự mất cân bằng quyền lực giữa tổng thống và nghị viện dẫn đến một dạng tư hữu hoá chính trị của đảng. Các tổng thống luôn luôn là người đứng đầu các đảng cầm quyền. Nói cách khác, các đảng cầm quyền là một dạng công cụ chính trị, qua đó các tổng thống nhận được sự ủng hộ về chính trị và thực thi quyền lực chính trị, đối với cả nghị viện. Do đó, các đảng cầm quyền thường thay đổi theo từng đời tổng thống.
Từ góc độ này, các tổng thống và những chính trị gia quyền thế đã thiết lập những công cụ thể chế để duy trì sự kiểm soát đối với chính đảng của mình và nghị viện. Họ không muốn thiết lập chế độ hai viện ở nghị viện và ủng hộ chế độ đơn viện với lý do hiệu quả. Họ ủng hộ cơ chế bầu cử theo khu vực một thành viên, vì nó bảo đảm một dạng độc quyền, đặc biệt ở những vùng họ có ảnh hưởng lớn về chính trị. Do luật về bầu cử được thông qua trên cơ sở thương lượng giữa các lãnh đạo chính trị, sự dàn xếp là không thể tránh khỏi. Cơ chế đại diện theo tỷ lệ chỉ chiếm mức độ khiêm tốn, được thực hiện một cách miễn cưỡng. Ví dụ, nó không liên quan đến việc bỏ phiếu cho các chính đảng, mà gắn với bầu cử của cử tri địa phương.
Người dân Hàn Quốc đã từng nghiêng về chế độ độc tài quân sự của Tổng thống Park Jeong-Hee, người đã coi tăng trưởng kinh tế là ưu tiên số một vào những năm 1970, cũng như nghiêng về xu hướng tách nền chính trị nội địa khỏi khu vực được khởi xướng bởi ba chính trị gia Kim Young-Sam, Kim Dae-Jung, Kim Jong-Pil (Tam Kim) vào những năm 1990. Tuy nhiên, sau năm 1987 có tính bước ngoặt, người dân Hàn Quốc dần dần nhận thấy cách thức hành động như vậy làm họ kiệt sức và đôi lúc gây rủi ro. Họ nhận thấy, khát khao và sinh lực của nhân dân cần phải có khuôn khổ thể chế để họ có thể sống trong dung hoà với nhau. Đó là quá trình mà người dân Hàn Quốc khẳng định lại tầm quan trọng về thể chế của Hiến pháp trên cả hai phương diện chính trị và kinh tế. Do nền chính trị hiến định tuân thủ và nhấn mạnh tầm quan trọng của những nguyên tắc hiến định như dân chủ tham gia và công bằng trong hệ thống đại diện, đây có thể là một phương cách ngăn ngừa sự hỗn loạn về chính trị.