Hệ thống bảo hiểm cho người cao tuổi ở Đức bộc lộ hạn chế
Lão hóa dân số và dịch vụ dưỡng lão ngày càng đắt đỏ ở Đức đã khiến nhiều người cao tuổi nước này phải sang các nước láng giềng, để tìm kiếm các trung tâm điều dưỡng tiện nghi với chi phí hợp lý hơn. Xu hướng này đã bộc lộ những hạn chế trong hệ thống bảo hiểm cho người cao tuổi ở Đức.
Kể từ khi Liên minh châu Âu mở rộng sang phía Đông, các nhà đầu tư Hungary, Slovakia và Cộng hòa Séc bắt đầu thu hút người cao tuổi ở Đức, bằng cách cung cấp dịch vụ chăm sóc toàn thời gian, mà theo các chuyên gia thì những dịch vụ này sớm muộn sẽ không còn được cung cấp một cách phổ biến tại Đức nữa. Trong vòng hai năm nay trở lại đây, đã có gần 70 người già, hưu trí ở Đức và Áo đăng ký vào trung tâm điều dưỡng có tên gọi rất kêu: Senior Palace – Cung điện cao cấp, khu dưỡng lão nằm ở phía đông Slovakia bên bờ sông Danube, cách thủ đô Bratislava một giờ đồng hồ ôtô chạy. Tuy nhiên, các tổ chức an sinh xã hội chỉ trích, xu hướng các gia đình Đức phải gửi người già ra nước ngoài để dưỡng lão, do có chi phí thấp hơn, là hiện tượng đáng hổ thẹn.
Đức là một trong số ít quốc gia trên thế giới, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc và Hà Lan, cung cấp bảo hiểm phúc lợi nuôi dưỡng dài hạn cho người cao tuổi. Nhờ vào hệ thống an sinh xã hội, lấy kinh phí từ các khoản đóng góp của người lao động và chủ doanh nghiệp, mà mọi người dân Đức thuộc diện không thể sống độc lập do bệnh tật hay tuổi già được hỗ trợ tài chính. Quỹ phúc lợi này không được trích từ ngân sách Chính phủ, mà hoàn toàn dựa trên cơ chế tương trợ. Cùng với trợ cấp xã hội, bảo hiểm y tế và tàn tật, bảo hiểm dưỡng lão dài hạn là một trụ cột của mô hình phúc lợi xã hội Đức, được thiết lập từ thời Thủ tướng Bismarck cách đây 120 năm. Mô hình phúc lợi lâu đời nhất thế giới này giúp tăng cường sự gắn kết xã hội và khiến nhiều nước trên thế giới phải ngưỡng mộ.
Thế nhưng, hiện tượng “xuất khẩu người già” đã cho thấy, hệ thống phúc lợi xã hội đáng tự hào của Đức đang bộc lộ hạn chế. Theo giáo sư Garms-Homolova, đó là dấu hiệu cho thấy nhu cầu chăm sóc người cao tuổi ngày càng lớn và vượt quá khả năng của xã hội. Hiện tượng này, mặc dù chưa có quy mô lớn, nhưng đã hâm nóng các cuộc tranh luận trên toàn quốc về việc làm thế nào để giảm chi phí và nâng cao chất lượng bảo hiểm chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi. Giáo sư về y tế cộng đồng tại Đại học Bielefeld, Doris Schaeffer cho biết, “chúng tôi từng hy vọng Chính phủ sẽ vào cuộc và hỗ trợ, nhưng điều này sẽ chưa thể xảy ra trong tương lai gần”.
Theo một báo cáo của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), các nước phát triển đều gặp phải vấn đề lão hóa dân số, trong số đó, Đức, Italy và Nhật Bản là những nước có sự thay đổi cơ cấu dân số lớn nhất. Theo OECD, đến năm 2050, số người Đức trên 60 tuổi sẽ chiếm hơn một nửa dân số, so với tỷ lệ hiện nay là 26,8%. Khi đó, nước này sẽ là quốc gia có dân số già thứ hai sau Nhật Bản và có lực lượng lao động ngày càng thu hẹp. Quỹ Nghiên cứu Bertelsmann ước tính, sự gia tăng lực lượng hưu trí đòi hỏi nhu cầu tăng gấp đôi nhân sự tại các trung tâm dưỡng lão, cũng như thêm 800.000 giường nằm tại những trung tâm này đến năm 2050, vượt quá khả năng đáp ứng của Chính phủ.
Hạn chế về tài chính là lý do chủ yếu khiến một số gia đình phải gửi người cao tuổi sang các trung tâm dưỡng lão rẻ hơn tại Slovakia, Hungary - người sáng lập trung tâm dưỡng lao Senior Palace, Arthur Frank cho biết. Chi phí cho một người già sống trong trung tâm điều dưỡng Đức tăng chóng mặt, với mức trung bình khoảng 2.900 euro/tháng hiện nay. Trong khi đó, khoản trợ cấp hưu trí vẫn giữ nguyên. Còn ở Slovakia, chi phí trên chỉ vào khoảng 1.000 - 1.400 euro. Bên cạnh đó, việc tự do di chuyển giữa các nước trong khu vực, tạo điều kiện cho bất cứ ai ở Đức muốn dưỡng già ở nước châu Âu khác.
Ước tính hiện nay số người Đức sang nước châu Âu khác để dưỡng già vẫn còn khiêm tốn, với khoảng 5.000 trường hợp mỗi năm. Tuy nhiên, con số khiêm tốn này đủ để khiến hầu hết trung tâm dưỡng lão tư nhân tại các nước láng giềng kín chỗ, thậm chí nhiều trung tâm đã nhận đặt chỗ cho 10 năm tới. Vì vậy, nhằm hạn chế sức ép lên hệ thống bảo hiểm dưỡng lão, một số chuyên gia cho rằng cần phải thay đổi từng bước, bắt đầu từ việc khuyến khích chung sống nhiều thế hệ trong gia đình, đồng thời xây dựng những cơ sở tạo điều kiện cho người cao tuổi giao lưu gặp gỡ nhau. Thực tế, phần lớn các gia đình ở Đức vẫn tự chăm sóc người già, với tỷ lệ cao nhất ở châu Âu. Một phần là do những gia đình chung sống với người cao tuổi sẽ nhận được một khoản trợ cấp khoảng 700 euro/tháng. Uwe Deh, Chủ tịch quỹ bảo hiểm dưỡng lão lớn nhất Đức mang tên Liên đoàn AOK, cũng cho rằng sẽ không tốt nếu tách người cao tuổi ra khỏi gia đình, chỉ bởi lý do là họ cần dịch vụ điều dưỡng tốt hơn ở nhà.